Đầu tư
Thúc tiến độ cao tốc 24.274 tỷ đồng; Jinko Solar rót hơn 365 triệu USD vào Quảng Ninh
Hạnh Nguyên - 25/09/2021 09:24
Jinko Solar đầu tư tiếp dự án thứ 2 hơn 365 triệu USD vào Quảng Ninh; Thúc tiến độ chuẩn bị cao tốc TP.HCM - Chơn Thành trị giá 24.274 tỷ đồng…

Đó là những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Đầu tư 2.017 tỷ đồng xây tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn

Tuyến đường Chợ Mới – Bắc Kạn có chiều dài 28 km, được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 80, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 1676/QĐ – BGTVT về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới – Bắc Kạn.

Tuyến đường Chợ Mới – Bắc Kạn có quy mô tương đương với cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới

Dự án có điểm đầu tại Km0+000 (điểm cuối tuyến của đường cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn; điểm cuối dự án tại Km28+000 (giao cắt với Quốc lộ 3B, kết nối với điểm đầu dự án đường Bắc Kạn – hồ Ba Bể), thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. Tổng chiều dài tuyến khoảng 28 km.

Tuyến đường thuộc Dự án đi bên phải sông Cầu từ Km0 đến khoảng Km8+300, sau đó vượt sông cầu, cắt Quốc lộ 3 và tiếp tục đi bên trái sông Cầu (theo hướng Thái Nguyên – Bắc Kạn) để tới điểm cuối tuyến.

Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012, đường cao tốc cấp 80, tốc độ tính toán 80km/h; nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 ; khổ cầu bằng khổ nền đường.

Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến 2.017 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, trong đó bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 1.815,3 tỷ đồng.

Bộ GTVT giao Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông và các cơ quan liên quan chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 triển khai công tác lập dự án đầu tư đảm bảo tiến độ, chất lượng và tuân thủ quy định hiện hành.

Dự án tuyến Chợ Mới – Bắc Kạn khi hình thành sẽ hoàn thiện tuyến cao tốc từ Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn; tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, giảm thiểu tai nạn giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải từ Bắc Kạn đến các các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Đồng Tháp thành lập Cụm công nghiệp Quảng Khánh (giai đoạn 1) vốn gần 217 tỷ đồng

Cụm công nghiệp Quảng Khánh (giai đoạn 1) có ngành nghề hoạt động là sản xuất dược phẩm và sản xuất các sản phẩm liên quan đến dược phẩm, công nghiệp sản xuất sạch.

Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Nguồn: Báo Đồng Tháp Online

Ngày 17/9, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã ký Quyết định thành lập Cụm công nghiệp Quảng Khánh (giai đoạn 1).

Cụm công nghiệp Quảng Khánh (giai đoạn 1) được xây dựng tại xã Mỹ Trà, TP. Cao Lãnh và xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, với ngành nghề hoạt động: sản xuất dược phẩm và sản xuất các sản phẩm liên quan đến dược phẩm, công nghiệp sản xuất sạch.

Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Quảng Khánh (giai đoạn 1) là Trung tâm Đầu tư và Khai thác hạ tầng. Đây là đơn vị trực thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Đồng Tháp, có chức năng quản lý các Dự án đầu tư xây dựng và khai thác các dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn Tỉnh.

Về qui mô, Cụm công nghiệp Quảng Khánh (giai đoạn 1) có diện tích 16,783 ha, được xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và môi trường theo quy định, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án (bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật) gần 217 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ.

Tiến độ thực hiện dự án: năm 2021 - 2023.

Về tiến độ thu hút đầu tư, lấp đầy cụm công nghiệp, dự kiến đến năm 2028 sẽ lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp.

Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm sau khi dự án đầu tư được phê duyệt.

Jinko Solar đầu tư tiếp dự án thứ 2 hơn 365 triệu USD vào Quảng Ninh

Sáng nay (19/9), tại KCN Sông Khoai đã diễn ra lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam. Dự án có vốn đầu tư hơn 365 triệu USD.

Dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam (Dự án Jinko Solar 2) tại KCN Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh do Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) làm nhà đầu tư.

Lãnh đạo BQL Khu Kinh tế Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho đại diện Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam

Dự án này thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển ban hành kèm theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ (các cụm linh kiện, phụ tùng cho hệ thống thiết bị sản xuất điện năng từ năng lượng mới và năng lượng tái tạo – mục VI các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao).

Sản phẩm của dự án Jinko Solar 2 là nguyên liệu đầu vào của dự án Jinko Solar 1 (Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam).

Việc triển khai dự án sẽ hình thành chuỗi liên kết sản phẩm, nâng cao hiệu quả đồng thời của cả 02 dự án. Đây cũng là dự án thứ cấp thứ 2 thực hiện đầu tư vào KCN Sông Khoai, có quy mô vốn đầu tư lớn 8.382 tỷ đồng (tương đương 365,6 triệu USD), diện tích sử dụng đất 20,1 ha.

Với công suất thiết kế khoảng 1.430 triệu sản phẩm tấm silic/năm (tương đương 39.900 tấm sản phẩm/năm), dự án này đóng vai trò hết sức quan trọng để góp phần hoàn thiện chuỗi dây chuyền sản xuất tấm quang năng quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Sau khi đi vào hoạt động, dự kiến sẽ có doanh thu bình quân năm là hơn 25.654 tỷ đồng; nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (sau thời gian ưu đãi về thuế) là 461,3 tỷ đồng. Tổng số lao động khi dự án đi vào hoạt động là 2.188 người, với mức lương trung bình trên 11 triệu đồng/người/tháng. Nhà đầu tư cam kết sẽ đưa dự án đi vào hoạt động chính thức sau 11 tháng kể từ ngày được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư. 

Trước đó, ngày 31/3/2021 tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Ninh, dự án Jinko Solar 1 của Công ty Jinko Solar Hong Kong Limited, quy mô vốn đầu tư hơn 11.499 tỷ đồng (tương đương 498 triệu USD), đã được trao giấy chứng nhận đầu tư. Như vậy, tổng vốn đầu tư của 02 dự án mà Tập đoàn Jinko Solar đầu tư tại KCN Sông Khoai lên đến 19.882 tỷ đồng (tương đương 865,6 triệu USD).

Theo báo cáo thẩm định của Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án chỉ 4 ngày kể từ khi Ban tiếp nhận hồ sơ đầu tư đầy đủ của dự án, sớm 15 ngày làm việc so với quy định. Và từ khi Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ninh có ý kiến chấp thuận đến khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 01 ngày làm việc (sớm 04 ngày làm việc so với quy định của thủ tục hành chính).

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực mở cửa đón làn sóng đầu tư chuyển dịch mạnh mẽ vào khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỉnh đã xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng tiên tiến, hiện đại, phát triển xanh.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực để hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông động lực như: Dự án đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (trong năm 2021), cầu Cửa Lục 1, 3…; Dự án xây dựng Nút giao Km 6+700 đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng thuộc dự án đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (tại Km 6+700) đến đường tỉnh 338 - giai đoạn 1; Nút giao Đầm Nhà Mạc nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với tuyến đường ven sông kết nối khu vực miền Tây của tỉnh và các KCN,…

Khi các dự án này đi vào hoạt động chắc chắn sẽ góp phần quan trọng tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút FDI cấp mới và tăng vốn đạt 1,067 tỷ USD; so với cùng kỳ 9 tháng thu hút FDI tăng 2,67 lần. Dự kiến đến hết năm 2021, thu hút cấp mới và điều chỉnh khoảng 1,2 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với cả năm 2020 (589 triệu USD).

Thúc tiến độ chuẩn bị cao tốc TP.HCM - Chơn Thành trị giá 24.274 tỷ đồng

UBDN tỉnh Bình Phước được yêu cầu khẩn trương trình cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Bộ GTVT vừa có công văn số 9733/BGTVT – ĐTCT gửi UBND tỉnh Bình Phước liên quan đến tiến độ chuẩn bị đầu tư Dự án đường cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Tuyến cao tốc Tp.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành sẽ được xây dựng từ 64 -6 làn xe trong giai đoạn 1

Để bảo đảm tiến độ báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo Tư vấn và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và các thủ tục cần thiết, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

“Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tích cực hơn nữa trong việc phối hợp các cơ quan, đơn vị của UBND tỉnh Bình Phướcđể thúc đẩy tiến độ chuẩn bị Dự án, đồng thời Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ kịp thời trong quá trình thực hiện”, công văn số 9733 do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký nêu rõ.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư Dự án đường cao tốc Tp.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành theo phương thức PPP, Bộ GTVT đã bàn giao kết quả nghiên cứu kèm theo toàn bộ hồ sơ, tài liệu để UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện.

Theo nghiên cứu của Bộ GTV, tuyến cao tốc Tp.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành có tổng chiều dài 68,7 km, bao gồm hai đoạn tuyến: đoạn tuyến nối cao tốc có điểm đầu (Km0+00 tại nút giao Gò Dưa (vành đai 2 Tp.HCM), điểm cuối (Km8+600) tại nút giao An Phú (vành đai 3 Tp.HCM) và đoạn tuyến cao tốc có điểm đầu (Km8+600_ tại nút giao An Phú (vành đai 3 Tp.HCM), điểm cuối (Km68 +700 giao Quốc lộ 14 tại Chơn Thành (Bình Phước).

Trong giai đoạn hoàn chỉnh, Dự án sẽ được đầu tư với quy mô 6 làn xe chạy suốt và 4 làn xe đô thị hai bên. Trong giai đoạn phân kỳ, Dự án sẽ đầu tư 8,6 km từ nút giao Gò Dưa đến nút giao An Phú (Tp.HCM) theo quy mô 10 làn xe, nền đường rộng 64 m; đoạn còn lại sẽ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m.

Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 là 24.274 tỷ đồng (chưa tính lãi vay), trong đó vốn Nhà nước tham gia 12.137 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư tư nhân là 12.138 tỷ đồng. Nếu được thông qua, Dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025.

Khi hoàn thành, Dự án sẽ từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam và quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh, kết nối Tp.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên, đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực cửa ngõ Tp.HCM, chia sẻ lưu lượng các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 13, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực dự án nói chung và Tp.HCM và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước nói riêng. 

Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư 3 dự án quy mô 554 ha tại Cần Thơ

Ngày 21/9, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường đã ký Công văn chấp thuận Tập đoàn T&T khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư tại quận Bình Thủy, huyện Phong Điền.

Cụ thể, UBND TP. Cần Thơ chấp thuận cho Công ty CP Tập đoàn T&T thực hiện khảo sát, nghiên cứu, đề xuất đầu tư 3 Dự án, gồm Dự án Khu đô thị hai bên đường Võ Văn Kiệt (Khu 3 - quy mô khoảng 219 ha) tại phường Bình Thủy và phường Long Hòa, quận Bình Thủy.

Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư Dự án phát triển khu vực Cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ)

Dự án Thành phố khoa học ứng dụng công nghệ cao Cù Lao Phong Điền (quy mô khoảng 260 ha) tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền.

Dự án đầu tư phát triển khu vực Cồn Sơn (quy mô khoảng 75 ha) tại phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy.

“Thời gian khảo sát, nghiên cứu là 6 tháng, kể từ ngày 21/9/2021. Mọi chi phí liên quan đến việc khảo sát, nghiên cứu do Công ty CP Tập đoàn T&T tự chi trả. Trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, đề nghị Công ty CP Tập đoàn T&T không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực được khảo sát”, nội dung nêu trong Công văn.

UBND TP. Cần Thơ giao các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, và UBND quận Bình Thủy, UBND huyện Phong Điền hỗ trợ, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để Công ty CP Tập đoàn T&T tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các dự án nêu trên theo đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, UBND TP. Cần Thơ cũng lưu ý Công văn này không phải văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hoặc công nhận chủ đầu tư dự án. Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án sẽ được thực hiện theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Được biết, trong số 3 dự án mà Công ty CP Tập đoàn T&T khảo sát, đề xuất đầu tư nêu trên, có Dự án đầu tư phát triển khu vực Cồn Sơn (quy mô khoảng 75 ha) tại phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy trước đây vào ngày 11/4/2019, UBND TP. Cần Thơ đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty CP Toàn cầu TMS để thực hiện dự án Khu du lịch Cồn Sơn (Resort TMS Cần Thơ).

Tuy nhiên, do nhà đầu tư chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư nên ngày 7/9/2021, UBND TP. Cần Thơ đã thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch Cồn Sơn (Resort TMS Cần Thơ) đã cấp cho Công ty CP Toàn cầu TMS.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Đề xuất thực hiện thêm 4 Khu Công nghiệp ở huyện Châu Đức

Mới đây huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) ban hành quy hoạch các khu công nghiệp, với việc đề xuất thực hiện thêm 4 khu công nghiệp, có tổng diện tích 5.700 ha

Theo đó, Khu đô thị - Công nghiệp công nghệ cao Cù Bị, với quy mô 3.000 ha, là Dự án có quy mô lớn nhất. Thời gian thực hiện dự án là giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.

Bà Rịa -Vũng Tàu có tiềm năng mở rộng đầu tư phát triển khu công nghiệp với vị trí thuận lợi

Tiếp đến là Khu đô thị - Công nghiệp tại xã Xà Bang với diện tích dự kiến 1.200 ha, thời gian thực hiện năm 2026 - 2030, tầm nhìn 2050; Khu đô thị - Công nghiệp tại xã Bình Ba với quy mô 800 ha và thời gian thực hiện 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, huyện Châu Đức cũng sẽ mở rộng thêm Khu công nghiệp Đá Bạc giai đoạn 2 và 3 với tổng diện tích khoảng 700 ha.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Châu Đức đang có 2 khu công nghiệp quy mô lớn là cụm khu công nghiệp Sonadezi Châu Đức (2.287 ha) và khu công nghiệp Đá Bạc (1.058 ha). Bên cạnh đó là khá nhiều cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. 

Trong đó, Sonadezi Châu Đức được đánh giá là một trong những khu công nghiệp phức hợp lớn của cả nước và đã thu hút 60 doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ… Chủ đầu tư dự kiến đến năm 2022 sẽ có khoảng 80.000 - 120.000 kỹ sư, chuyên gia và công nhân về làm việc, với tỷ lệ lấp đầy 80%.

Trước đó, Tập đoàn AMATA (Thái Lan) đã có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc xin nghiên cứu dự án đầu tư Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ tại xã Cù Bị, huyện Châu Đức. 

Trong văn bản này, đại diện Tập đoàn AMATA cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lý do là bởi tỉnh có tiềm năng mở rộng đầu tư phát triển khu công nghiệp với vị trí thuận lợi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chỉ cách TP.HCM khoảng 100km, lại có hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế, các tuyến cao tốc quốc gia, giao thông đường bộ liên vùng được quy hoạch đồng bộ và đang dần được đầu tư phát triển.

Do vậy, Tập đoàn AMATA đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho phép được xúc tiến nghiên cứu để đề xuất dự án đầu tư tại địa bàn xã Cù Bị, huyện Châu Đức nhằm hình thành một khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ cửa ngõ phía Tây Bắc của tỉnh. Tổng diện tích khu vực đề xuất nghiên cứu khoảng 3.800 ha.

Tập đoàn AMATA nhận định dự án này sẽ đón đầu làn sóng đầu tư vào Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dự án cũng sẽ góp phần không nhỏ trong việc thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài và giúp việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã Cù Bị, huyện Châu Đức theo hướng chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.

Được biết, Tập đoàn Amata hiện đang có hàng loạt khu công nghiệp, khu đô thị tại Việt Nam như: Amata Biên Hòa rộng 513 ha, Amata Long Thành (Đồng Nai) rộng 410 ha, Sông Khoai tại tỉnh Quảng Ninh rộng 714 ha. Ngoài ra, Tập đoàn Amata cũng đang đầu tư khu đô thị ở Long Thành rộng 875 ha. 

Hà Nội đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô

Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã đồng ý chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Nghị quyết số 07 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội về chủ trương triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố thống nhất, biểu quyết 100% quyết nghị đồng ý về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo UBND Thành phố và các cơ quan liên quan thực hiện chủ trương trên theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật, bảo đảm một số yêu cầu và nguyên tắc như: phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô; Quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các quy hoạch chuyên ngành có liên quan và tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.

Xây dựng phương án và phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm hiện đại, đồng bộ toàn tuyến, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu giao thông trước mắt và lâu dài; có giải pháp kết nối khu vực hai bên tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh; giải quyết các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh.

Thực hiện các quy trình, thủ tục đầu tư dự án theo đúng các quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan. Trong đó, lưu ý việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần theo hình thức PPP phải có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ theo quy định.

Phối hợp với Đảng đoàn HĐND Thành phố cân đối, bố trí đủ nguồn vốn của Thành phố đáp ứng nhu cầu, tiến độ thực hiện các dự án thành phần trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố (giai đoạn 2021- 2025 và giai đoạn 2026- 2030).

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù về khai thác các quỹ đất hai bên tuyến đường cũng như các cơ chế đặc thù khác nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định...

Ban Cán sự đảng UBND Thành phố, Đảng đoàn HĐND Thành phố căn cứ các nội dung nêu trên chỉ đạo hoàn chỉnh hồ sơ để trình tại kỳ họp thứ hai, HĐND Thành phố khóa XVI xem xét, cho ý kiến về chủ trương triển khai dự án. Trên cơ sở ý kiến của HĐND Thành phố, hoàn thiện hồ sơ, xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Theo Thành ủy Hà Nội, việc sớm đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong Chương trình hành động của Đảng bộ Thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.

Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho Thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Quá trình nghiên cứu đề xuất dự án, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã nghe và cho ý kiến, đồng thời, đã tổ chức hội nghị làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh liên quan để trao đổi, thống nhất về chủ trương và phương án triển khai.

ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 3,8%

Theo Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2021 của ADB, kinh tế Việt Nam dự kiến ​​đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm nay và 6,5% vào năm 2022.

ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 22/9 đã công bố Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2021.

Theo đó, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ mức 6,7% xuống còn 3,8% trong năm nay.

“Đại dịch Covid-19 và các đợt phong tỏa kéo dài đã làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư, hạn chế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam”, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định.

Theo ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã phục hồi trong nửa đầu năm 2021, chủ yếu do lưu lượng thương mại tăng cao, nhưng đã chậm lại trong nửa cuối năm do làn sóng thứ tư của đại dịch ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và thị trường lao động.

ADB cho biết, sự lây lan của Covd-19 và một đợt giãn cách xã hội kéo dài kể từ tháng 6 đã làm giảm sự phục hồi.

Cụ thể, giãn cách xã hội nghiêm ngặt ở miền Nam Việt Nam và ở Hà Nội cùng các khu vực công nghiệp lân cận, vốn là những nơi đóng góp gần 50% GDP của cả nước, đã kéo chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8 giảm 4,2% so với tháng trước đó và 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này trong 8 tháng đầu năm 2021 tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 9,5% của cùng kỳ năm 2019. 

Theo ADB, làn sóng đại dịch thứ tư của Việt Nam cũng đã tấn công mạnh đến các doanh nghiệp và thị trường lao động. Trong 8 tháng đầu năm 2021, gần 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, cao hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Việc phong tỏa và hạn chế đi lại nghiêm ngặt đã gián đoạn sự dịch chuyển lao động và cản trở sản xuất”, ADB nhận định.

Hậu quả là, 12,8 triệu người bị mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thu nhập giảm sút đã làm giảm tốc độ tăng trưởng tiêu dùng cá nhân xuống 3,6% trong nửa đầu năm 2021, chỉ tăng 0,2% so với nửa đầu năm 2020 và bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Tăng trưởng tiêu dùng khu vực công cũng giảm một nửa, còn 3,2%, do Chính phủ cũng cắt giảm chi thường xuyên…

Tuy cho rằng, triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn của Việt Nam có nhiều thách thức, và rủi ro chính là đại dịch kéo dài, đặc biệt nếu tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc không tăng đáng kể, song AND vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn.

“Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối năm 2021 và đến quý II năm 2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng”, ông Andrew Jeffries nói.

Theo dự báo của ADB, năm 2022, Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng 6,5%. Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nộj địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại, và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, trong ngắn hạn, ADB cho biết, tăng trưởng cũng còn phụ thuộc vào việc Chính phủ kịp thời cung cấp các mặt hàng thiết yếu, như thực phẩm và tiền mặt, cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Theo ADB, Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc loại bỏ các rào cản hành chính đối với doanh nghiệp và người dân, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả của các biện pháp kiểm soát đại dịch và hỗ trợ sự phục hồi bền vững của nền kinh tế trong năm nay và năm tới.

Hà Tĩnh chi 157 tỷ đồng nâng cấp đường TP. Hà Tĩnh - Lộc Hà

Dự án nhằm góp phần chỉnh trang đô thị và cải thiện cơ sở hạ tầng cho TP. Hà Tĩnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Với vai trò là đô thị trung tâm của tỉnh, TP. Hà Tĩnh đang được tập trung đề xuất đầu tư với những tuyến đường trọng yếu nhằm mở rộng không gian đô thị, tạo động lực phát triển.

Dự án sẽ góp phần chỉnh trang đô thị và cải thiện cơ sở hạ tầng cho TP. Hà Tĩnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là để phân luồng, chia sẻ lưu lượng, giảm tải cho cầu Hộ Độ (cũ), góp phần từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển giao thông vạn tải tỉnh Hà Tĩnh

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025 vừa được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt, Tuyến đường tỉnh ĐT.549 nối TP. Hà Tĩnh với huyện Lộc Hà, đường ven biển và Quốc lộ 281 được đầu tư xây dựng từ 2006 hiện đã hư hỏng, xuống cấp, nhiều vị trí móng, mặt đường bị rạn nứt, bong tróc… mặt Cầu Hộ Độ được xây dựng từ 1996 hiện nhỏ hơn nhiều so với chiều rộng mặt đường hai đầu cầu nên đã tạo thành nút thắt giao thông cục bộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định số 515 phê duyệt dự toán chi phí khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cải tạo mặt bằng, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đường Quang Trung đoạn từ đường Nguyễn Huy Lung đến cầu Hộ Độ và bổ sung 1 đơn nguyên cầu Hộ Độ nhằm sớm triển khai dự án.

Ngày 3/8//2021, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải ký quyết định số 2781/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án trên với tổng mức đầu tư 157 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kỳ vọng rằng, khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần chỉnh trang đô thị và cải thiện cơ sở hạ tầng cho TP. Hà Tĩnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là để phân luồng, chia sẻ lưu lượng, giảm tải cho cầu Hộ Độ (cũ), góp phần từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển giao thông vạn tải tỉnh Hà Tĩnh.

Cụ thể, dự án sẽ cải tạo mặt đường với tổng chiều dài 4,55 km có điểm đầu tại km0+00 giao với đường Nguyễn Huy Lung (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) và điểm cuối tại km4+550 nối vào đường ĐT.549 cũ (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà).

Việc cải tạo mặt đường, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đường Quang Trung cơ bản bám theo đường cũ hiện có, cải thiện cục bộ một số vị trí bình đồ tuyến đảm bảo phù hợp với các chỉ tiêu kỹ thuật, trên cơ sở phù hợp với quy mô, cấp hạng tuyến đường và điều kiện địa hình, địa vật thực tế, hạn chế tối đa giải phóng mặt bằng.

Dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 là 110 tỷ đồng, số còn lại từ ngân sách địa phương. Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư với tiến độ thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2024.

Hà Tĩnh hiện có 6 công trình, dự án với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng được đề xuất trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, có một số dự án được triển khai nhằm tập trung xây dựng hạ tầng kết nối, mở rộng không gian phát triển cho TP. Hà Tĩnh.

Quảng Nam phê duyệt đầu tư hàng loạt dự án nhà ở thương mại

Tỉnh Quảng Nam phê duyệt 41 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó có 30 dự án xây dựng nhà ở thương mại.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh vừa ký văn bản phê duyệt danh mục dự án đầu tư trên địa bàn Tỉnh đợt 1 năm 2021, với 41 dự án đầu tư. Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại là 30 dự án; Dự án thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ là 5 dự án; Dự án thuộc lĩnh vực đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp là 1 dự án; dự án thuộc lĩnh khác là 5 dự án.

Tỉnh Quảng Nam phê duyệt đầu tư nhiều dự án về nhà ở thương mại

Đáng chú ý, 30 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có nhiều dự án lớn như Khu đô thị sinh thái ven sông Tam Kỳ có diện 280 ha (phường Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ); khu đô thị hỗn hợp trục Điện Biên Phủ với quy mô lên tới 746,19 ha, thuộc địa bàn phường An Phú và các xã Tam Phú, Tam Thanh, Tam Thăng.

Trên địa bàn Thị xã Điện Bàn sẽ có nhiều dự án như Khu dân cư Cầu Hưng (Phường Điện Nam Đông), Khu dân cư Hà Đê (Phường Điện Nam Bắc), Khu dân cư Quảng Lăng giai đoạn 1 (Phường Điện Nam Trung), Khu dân cư đô thị Tứ Ngân 1, giai đoạn 1 (Phường Điện Ngọc), Khu dân cư phố chợ Vĩnh Điện mở rộng giai đoạn 2 (Phường Điện An) … 

Thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ có Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Gò Rỳ - Gò Đình, thị xã Điện Bàn. Dự án này rộng 65ha, nằm tại các xã Điện Phong, Điện Minh, Điện Phước và phường Điện An, thị xã Điện Bàn. Mục tiêu dự án nhằm đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, cung cấp các dịch vụ du lịch, lưu trú, nghỉ dưỡng. Trên địa bàn Thị xã Điện Bàn còn có dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Thái Sơn 31,7ha nhằm đầu tư hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật chung cụm công nghiệp.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu, trên cơ sở danh mục dự án được phê duyệt, UBND các địa phương hoặc nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Danh mục dự án thu hồi đất đối với các dự án đầu tư thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, danh mục chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ; tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện; tham mưu UBND tỉnh văn bản chấp thuận việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư.  Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tham mưu UBND tỉnh thực hiện các hồ sơ, thủ tục quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo đúng quy định…

Ký kết thỏa thuận Liên doanh Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ

 “Thoả thuận liên doanh thành lập Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ” giữa AES và PVGas đã được ký kết tại New York, Mỹ trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Theo tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), trong khuôn khổ chuyến đi tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại  New York, Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa có buổi làm việc với Ban Lãnh đạo Tập đoàn AES để nghe báo cáo về một số hoạt động đầu tư, kinh doanh của Tập đoàn này tại Việt Nam.

Thoả thuận liên doanh thành lập Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ giữa AES và PVGas

Lãnh đạo Tập đoàn AES cho hay, đến nay doanh nghiệp đã hoàn tất đàm phán Thỏa thuận liên doanh của Dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ trên cơ sở các điều khoản chính của Hợp đồng liên doanh Dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ được ký kết vào tháng 10 năm 2020 với Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas).

Ông Bernerd Da Santos, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn AES thông tin, Tập đoàn đã nhận được sự hỗ trợ trợ hiệu quả từ các đơn vị của Bộ Công thương trong nhiều giai đoạn phát triển khác nhau của các dự án mà AES đang đầu tư tại Việt Nam, điển hình như Dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ, Dự án Nhà máy điện Sơn Mỹ 2  cũng như Dự án Nhiệt điện Mông Dương 2 trước đây.

"Tập đoàn AES khẳng định cam kết đầu tư lâu dài và sẽ nghiên cứu, mở rộng hướng đầu tư sang các lĩnh vực năng lượng mới, an toàn với môi trường như lưu trữ điện, năng lượng mặt trời…", ông  Bernerd Da Santos nói.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao kết quả hoạt động của Tập đoàn AES, cho rằng việc những Tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ như AES, Intel, Nike, Cargill… đạt được thành công tại Việt Nam không chỉ mang ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn tạo dựng hình ảnh Việt Nam là địa chỉ đầu tư tin cậy cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong tương lai; từng bước góp phần vào nỗ lực xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai quốc gia.

Ông khẳng định, Bộ Công thương tiếp tục nỗ lực đóng góp vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tích cực xử lý, giải quyết các kiến nghị của Hoa Kỳ, tạo môi trường kinh doanh cởi mở, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án của Hoa Kỳ tại Việt Nam, đảm bảo doanh nghiệp Hoa Kỳ yên tâm hoạt động lâu dài, phát triển kinh doanh bền vững, phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã cùng lãnh đạo Tập đoàn PVN chứng kiến Lễ ký kết “Thoả thuận liên doanh thành lập Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ” giữa AES và PVGas. Đây là dấu mốc quan trọng, là tiền đề để hai bên tiếp tục đàm phán Điều lệ và tiến tới thành lập công ty dự án.

Việc thành lập Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ để triển khai đầu tư xây dựng Kho cảng LNG Sơn Mỹ sẽ góp phần đảm bảo cung cấp khí hóa lỏng LNG cho nhu cầu phát điện của khu vực kinh tế trọng điểm tại Nam Bộ nói riêng và cả Việt Nam nói chung, giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.  

Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ nằm trong chuỗi dự án điện khí LNG tại tỉnh Bình Thuận, có tổng vốn đầu tư dự kiến là 1,31 tỷ USD, công suất kho cảng là 3,6 triệu tấn/năm (cho giai đoạn 1 và lên đến 6 triệu tấn vào giai đoạn tiếp theo). Kho cảng sẽ tiếp nhận, xử lý và cung cấp khí LNG tái hóa làm nhiên liệu cho 2 nhà máy điện Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2, dự kiến được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2025.

Tập đoàn AES (AES) là tập đoàn năng lượng có trụ sở tại Bang Virginia, Hoa Kỳ, có tên trong danh sách 500 công ty lớn nhất Hoa kỳ do tạp chí Fortune bình chọn và là một trong những công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực năng lượng. AES có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, phân phối điện, xây dựng hạ tầng trong ngành Công nghiệp Khí trên thế giới. 

Tại Việt Nam, AES có hoạt động thành công và hiệu quả từ năm 2010 đến nay, đã đầu tư vào dự án Nhà máy Điện than Mông Dương 2 với công suất 1.150 MW tại Quảng Ninh. Hiện nay, AES cũng đã được Chính phủ chấp thuận cho phép làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện Sơn Mỹ 2 sử dụng LNG. Tập đoàn AES tham gia góp vốn vào Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ cùng PVGas thông qua Công ty Đầu tư AES, được thành lập tại Hà Lan do AES nắm 100% vốn.

Giao đầu mối chuẩn bị đầu tư "nâng đời" tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi

Tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 80 km nằm thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây qua vùng lõi Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được đầu tư đạt tiêu chuẩn đường cao tốc.

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 1688/QĐ – BGTVT tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc và Dự án đầu tư nâng cấp tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc.

Cụ thể, Bộ GTVT giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc và Dự án đầu tư nâng cấp tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc.

Mục tiêu của Dự án này là từng bước hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia theo quy hoạch đã được phê duyệt; đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Một đoạn tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi

Thời gian thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là năm 2021 – 2022 từ nguồn vốn ngân sách chuẩn bị đầu tư của Bộ GTVT hàng năm.

Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận có trách nhiệm tận dụng toàn bộ các kết quả đã nghiên cứu (nếu có) để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các Dự án theo quy định pháp luật hiện hành; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.

Vào đầu tháng 1/2021, Bộ GTVT đã từng thống nhất với đề xuất của Tổng công ty Cửu Long (tiền thân của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận) về việc lập chủ trương đầu tư dự án để nâng cấp đoạn tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đáp ứng điều kiện khai thác theo tiêu chuẩn đường cao tốc bằng nguồn vốn ngân sách trong nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, để tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đầu tư công và đảm bảo điều kiện về độ lún dư còn lại trước khi thảm tăng cường bê tông nhựa mặt đường đối với đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, trước mắt Bộ GTVT yêu cầu Tổng công ty Cửu Long khẩn trương hoàn thiện thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán và hoàn thiện thủ tục để kết thúc đầu tư Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê-Kông và Dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi theo quy định, thời gian hoàn thành trong năm 2021.

Tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài khoảng 80 km, đi qua các tỉnh, thành phố: Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang. Hiện tại, mặt đường đoạn tuyến từ Cao Lãnh đến Lộ Tẻ đã được thảm một lớp bê tông nhựa dày 7cm. Riêng đoạn từ Lộ Tẻ đến Rạch Sỏi là mặt đường láng nhựa và đang chờ ổn định lún nên khi có chủ trương khai thác như cao tốc thì sẽ phải xem xét tăng cường mặt đường.

Tổng công ty Cửu Long cho biết, đoạn tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ được theo dõi lún nền đường trong vòng từ 1 đến 2 năm, đến khi đã đạt điều kiện ổn định lún thì sẽ thảm mặt bê tông nhựa nhằm tăng chất lượng khai thác tuyến và giảm chi phí duy tu, bảo dưỡng tuyến đường.

Căn cứ thực trạng đầu tư xây dựng và dự báo nhu cầu giao thông vận tải trong khu vực, trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2030, toàn tuyến từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi được Tổng công ty Cửu Long kiến nghị phân thành hai giai đoạn đầu tư.

Giai đoạn 1 (2021 – 2025) sẽ giữ nguyên hiện trạng tuyến được xây dựng, khai thác theo tiêu chuẩn mặt cắt ngang đường cấp III đồng bằng (chưa mở rộng) với tốc độ thiết kế 80km/h nhưng điều tiết không cho xe hai bánh và xe thô sơ lưu thông trên tuyến chính (các phương tiện thô sơ và xe hai bánh di chuyển trên đường gom, Quốc lộ 80 hoặc đường địa phương hiện hữu). Đầu tư bổ sung 5cm mặt đường bê tông nhựa cho đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ và 12cm bê tông nhựa cho đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sau khi nền đường đã ổn định lún, lắp đặt hàng rào bảo vệ, đường gom, hệ thống chiếu sáng tại các khu vực cần thiết (nút giao, cầu lớn). Đầu tư xây dựng bổ sung các nút giao khác mức.

Trong giai đoạn 2 (2025 – 2030) sẽ tiến hành đầu tư khai thác tuyến đường theo quy mô đường cao tốc hoàn chỉnh.

Quảng Ngãi: 8 năm làm được gần 600m đường

Dự án đường Lê Thánh Tôn (TP Quảng Ngãi) có chiều dài gần 1km, tổng mức đầu tư trên 120 tỷ đồng, triển khai thưc hiện từ năm 2013, tuy nhiên đến nay chỉ mới thi công được gần 600m.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa trực tiếp kiểm tra thực tế, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Dự án giao thông kết nối quan trọng đường Lê Thánh Tôn, dự án đường Chu Văn An, nút giao thông Lạc Long Quân-Quang Trung (3 dự án này thuộc địa phận TP Quảng Ngãi).

Đối với dự án đường Lê Thánh Tôn (đoạn từ đường Đinh Tiên Hoàng đến Ngã tư Ba La, ông Đặng Văn Minh nhấn mạnh, đây là tuyến đường giữ vai trò trục Đông Tây quan trọng của TP. Quảng Ngãi, qua 8 năm thực hiện đến nay vẫn còn dở dang chưa hoàn thành. Nguyên nhân được báo cáo là do khách quan, chủ quan, đặc biệt là các yếu tố phát sinh, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách bồi thường, GPMB.

“Yêu cầu UBND Thành phố thực hiện hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng chậm nhất là cuối năm 2022)”, ông Đặng Văn Minh nhấn mạnh.

Để thực hiện được mục tiêu này, ông Đặng Văn Minh giao UBND TP. Quảng Ngãi rà soát lại toàn bộ hồ sơ của dự án, nội dung nào không còn phù hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh cho phù hợp với quy định hiện hành.

Đối với mặt bằng gần 400 m còn lại của dự án (trước đây UBND tỉnh giao cho một nhà đầu tư khác thực hiện), UBND tỉnh giao UBND TP. Quảng Ngãi tiếp nhận và tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Những nội dung nào thuộc thẩm quyền giải quyết thì phải tập trung quyết liệt giải quyết; nội dung nào vượt thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo, xử lý để sớm hoàn thành dự án.

Về dự án đường Chu Văn An và Khu dân cư, gồm 2 dự án thành phần, đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến đường Ngô Sỹ Liên (đang triển khai); đoạn từ đường đường Ngô Sỹ Liên đến đường Hùng Vương đến (chưa triển khai). Theo quyết định đầu tư, cả 2 dự án đều thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, có tổng vốn đầu từ 320 tỷ đồng, từ nguồn vốn khai thác từ quỹ đất. Tuy nhiên, hiện chỉ có dự án đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến đường Ngô Sỹ Liên đang thực hiện. Trong điều kiện hiện nay, việc tiếp tục thực hiện 2 dự án song song trong giai đoạn 2021-2025 là không khả thi.

Từ thực tế trên, ông Đặng Văn Minh thống nhất cho phép triển khai thực hiện dự án đường Chu Văn An và Khu dân cư đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến đường Ngô Sỹ Liên để kết nối hạ tầng giao thông cho khu và phải thi công hoàn thành trong năm 2023.

Đầu tư 2.113 tỷ đồng xây cao tốc Bắc - Nam, đoạn Hòa Liên - Túy Loan

Đoạn Hòa Liên - Túy Loan từng là một phân đoạn của Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo hình thức BT.

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 1692/QĐ – BGTVT về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông thành phố Đà Nẵng.

Nút giao Túy Loan - điểm đầu của tuyến Hòa Liên - Túy Loan sắp được đầu tư hoàn chỉnh

Dự án có mục tiêu từng bước hoàn thiện quy hoạch phát triển mạng lưới GTVT và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Công trình còn góp phần nâng cao năng lực khai thác nhằm phát huy vai trò của tuyến đường trong việc kết nối tuyến đường cao tốc La Sơn - Hoà Liên và hầm Hải Vân, Quốc lộ 1 với tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Quốc lộ 14B.

Dự án có điểm đầu dự kiến tại vị trí tiếp giáp nút giao Hòa Liên thuộc địa phận xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Điểm cuối dự kiến tại vị trí tiếp giáp nút giao Túy Loan thuộc địa phận xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Tổng chiều dài tuyến khoảng 11,5 km.

Phần chính tuyến thuộc Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc, vận tốc thiết kế 80 km/h, quy mô phân kỳ 4 làn xe; bề rộng nền đường 22 m, khổ cầu phù hợp với khổ nền đường.

Hệ thông đường gom được quy hoạch song song 2 bên tuyến cao tốc, tim tuyến đường gom điều chỉnh đảm bảo chân taluy đường gom cách chân taluy cao tốc tối thiểu là 3m; bề rộng nền đường 9 m, bề rộng mặt đường 7,5m.

Tổng mức đầu tư Dự án là 2.113 tỷ đồng, từ nguồn Ngân sách Nhà nước; thời gian thực hiện là từ năm 2021 đến năm 2025.

Vào đầu năm 2021, Bộ GTVT đã có công văn gửi Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Đầu tư BT Cam Lộ - Túy Loan về phương án đầu tư đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị nói trên dừng triển khai đoạn tuyến Hòa Liên - Túy Loan thuộc dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo hình thức Hợp đồng BT, toàn bộ phần vốn dư còn lại sẽ sử dụng để trả nợ gốc khoản vay sau khi được ngân hàng cung cấp tín dụng và cơ quan bảo hiểm khoản vay (NEXI) chấp thuận.

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Đầu tư BT Cam Lộ - Túy Loan được giao khẩn trương hoàn thiện việc nghiệm thu, phê duyệt khối lượng hoàn thành, thanh quyết toán, bàn giao đoạn La Sơn - Hòa Liên và khối lượng dở dang của đoạn Hòa Liên - Túy Loan làm cơ sở thanh toán cho dự án theo quy định.

Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần sớm hoàn thiện các thủ tục để sử dụng nguồn vốn NSNN đã được bố trí để thanh toán vốn vay nước ngoài của dự án đúng tiến độ, tuân thủ đúng Nghị quyết số 192/NQ-CP ngày 31/12/2020 và quy định pháp luật; làm việc với ngân hàng cung cấp tín dụng và cơ quan bảo hiểm khoản vay (NEXI) để thống nhất phương án sử dụng phần vốn dư còn lại để trả nợ gốc của khoản vay.

Trước đó, tại Thông báo số 14/TB-VPCP ngày 18/1/2021, Thủ tướng chấp thuận chủ trương dừng triển khai đoạn tuyến Hòa Liên - Túy Loan thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo hình thức Hợp đồng BT. Toàn bộ phần vốn dư còn lại sẽ sử dụng để trả nợ gốc của khoản vay sau khi được Tổ chức bảo hiểm hỗ trợ xuất nhập khẩu Nhật Bản (NEXI) chấp thuận như kiến nghị của Bộ GTVTvà ý kiến của các Bộ tại cuộc họp.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền đưa đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định; chịu trách nhiệm bố trí dự toán vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công hàng năm theo quy định để đầu tư hoàn thiện đoạn tuyến Hòa Liên-Túy Loan theo quy mô đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Được biết, trên cơ sở chủ trương đầu tư được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT đã phê duyệt phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 Dự án BT đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan (chiều dài khoảng 77,5 km) với quy mô 2 làn xe, nền đường rộng 12m (trước mắt chỉ đầu tư 66km đoạn La Sơn - Hòa Liên, 11,5km đoạn Hòa Liên - Túy Loan giữ nguyên đường hiện trạng đang khai thác, chưa đầu tư mở rộng), tổng mức đầu tư dự án là 11.485 tỷ đồng.

Dự án triển khai theo hình thức Hợp đồng BT, vay vốn ngân hàng Nhật Bản có bảo lãnh Chính phủ (khoản vay 510 triệu USD tương đương phần vốn Nhà đầu tư phải huy động để thực hiện dự án khoảng 10.500 tỷ đồng).

Trong quá trình triển khai, để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, đảm bảo kết nối với tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang được đầu tư, cũng như cân đối nguồn vốn đầu tư còn lại của dự án (khoảng 2.000 tỷ đồng), Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép sử dụng phần vốn còn lại của dự án để mở rộng nền, mặt đường đoạn Hòa Liên - Túy Loan đảm bảo quy mô cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh.

Hiện nay, đoạn La Sơn - Hòa Liên đã hoàn thành và đang thực hiện các thủ tục để bàn giao đưa dự án vào vận hành khai thác. Trong khi đó, đoạn Hòa Liên - Túy Loan tiến độ triển khai chậm do nhiều vướng mắc về công tác GPMB nên đến nay sau 4 năm triển khai mới bàn giao được khoảng 1,5 km/11,5km với sản lượng thực hiện được khoảng 10% giá trị.

Với tình hình công tác giải phóng mặt bằng đoạn Hòa Liên – Túy Loan không được cải thiện, dự án rất khó hoàn thành đúng kế hoạch (dự kiến hoàn thành trong năm 2022), có thể ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư. Vì vậy một số bộ ngành đã kiến nghị dừng triển khai đoạn tuyến và tiếp tục khai thác với quy mô hiện tại, phần vốn còn dư của dự án sẽ trả nợ gốc ngân hàng và nghiên cứu bố trí nguồn vốn NSNN giai đoạn 2021-2025 để thực hiện đồng bộ đoạn tuyến.

Đắk Lắk kiến nghị đưa Dự án Nhà máy điện gió Thuận Phong 2 vào quy hoạch

Dự án Nhà máy điện gió Thuận Phong 2, quy mô công suất hơn 200 MW được tỉnh Đắk Lắk kiến nghị đưa vào Quy hoạch điện VIII.

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa gửi văn bản cho Bộ Công Thương để kiến nghị xem xét, đưa Dự án Nhà máy điện gió Thuận Phong 2 vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Tỉnh Đắk Lắk đang thu hút được nhiều dự án điện gió

Theo đó, khu vực 1 Dự án thuộc địa bàn xã Cư Dliê Mnông (huyện Cư M’gar) và các xã Chư Kpô, Pơng Drang, Cư Pơng, Ea Ngai (huyện Krông Búk), quy mô công suất 100 MW, sản lượng điện sản xuất dự kiến hơn 330 triệu kWh/năm. Khu vực 2 thuộc các xã Ea Tul, Ea Đrơng, Quảng Tiến (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar), công suất 100 MW, sản lượng điện 302,66 triệu kWh/năm. Về phương án đấu nối, Dự án sẽ xây dựng trạm biến áp và 5 km đường dây 220 kV để phục vụ đấu nối, hòa lưới điện.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, việc kiến nghị đưa dự án trên vào Quy hoạch điện VIII nhằm làm cở sở quy hoạch lưới điện và nguồn điện cho giai đoạn tới, góp phần bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia và tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 1 dự án điện gió đã vận hành (công suất 28,8 MW), 5 dự án đang thi công (600 MW), 4 dự án đã bổ sung quy hoạch phát triển điện lực (142MW) và 41 dự án với tổng công suất 9.050,3 MW đang trình bổ sung quy hoạch.

Trước đó, Tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn thời gian cho các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh, khi các dự án này chậm tiến độ bởi dịch bệnh COVID-19.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2020, tỉnh Đắk Lắk đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung danh mục các dự án điện gió vào Quy hoạch phát triển điện lực tại Văn bản số 795/TTg-CN ngày 25/6/2020, trong đó có 05 dự án, quy mô công suất 657MW; Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Đắk Lắk giai đoạn đến năm 2020 có xét đến năm 2030 tại Quyết định số 234/QĐ-BCT ngày 18/01/2018, trong đó có 06 dự án, quy mô công suất 85MW.

UBND tỉnh Đắk Lắk đã cấp chủ trương đầu tư cho 08 dự án điện gió với quy mô công suất 685MW. Đến nay, Dự án điện gió Ea Nam có khối lượng hoàn thành đạt khoảng 80% khối lượng công trình; 04 dự án điện gió tại huyện Krông Búk có khối lượng hoàn thành đạt khoảng 40-45% khối lượng công trình.

Long An thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng hơn 10 lần so cùng kỳ

Trong 9 tháng đầu năm nay, Long An cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 41 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 3.271,5 triệu USD, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ.

Theo UBND tỉnh Long An, từ đầu năm đến nay, Tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về thu hút đầu tư bằng các hình thức thích hợp, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, số doanh nghiệp hoạt động trở lại và số vốn đầu tư của Dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao so với cùng kỳ.

Khu công nghiệp tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An

Các hoạt động xúc tiến đầu tư nổi bật của Tỉnh trong 9 tháng đầu năm nay là: Tổ chức đoàn công tác của tỉnh Long An và Tổng Lãnh sự Nhật Bản, các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản đi khảo sát và làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; tiếp và làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc cùng đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đến thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư tại Tỉnh; tổ chức thành công Tọa đàm “Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao”, với sự tham gia hơn 100 đại điểu, trong đó có đại diện các tập đoàn lớn từ Hàn Quốc, Mỹ, Đức…

Báo cáo của UBND tỉnh Long An cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Tỉnh có 986 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 20.123 tỷ đồng; so với cùng kỳ giảm 16,7% về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, tăng 7,8% về vốn đăng ký.

Tuy nhiên, tín hiệu tích cực đáng ghi nhận là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhưng số lượng doanh nghiệp giải thể giảm 28,8% so với cùng kỳ, với 133 doanh nghiệp; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh 246 doanh nghiệp, giảm 7,17% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 216 doanh nghiệp, tăng 55,4% so với cùng kỳ. Đến nay trên địa bàn tỉnh Long An có 13.493 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký 348.913 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm nay, tỉnh Long An đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 105 dự án trong nước với số vốn đăng ký 7.960,3 tỷ đồng, 03 dự án tăng vốn 262 tỷ đồng, tổng vốn cấp mới và tăng thêm 8.222,3 tỷ đồng, tăng 19 dự án và vốn đăng ký giảm 1.643,6 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lũy kế đến nay, Long An có 2.113 dự án đầu tư trong nước được cấp phép với số vốn đăng ký 251.614,8 tỷ đồng.

Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong 9 tháng, tỉnh Long An đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 41 dự án, với tổng vốn đăng ký là 3.271,5 triệu USD; so với cùng kỳ năm trước giảm 23 dự án, nhưng số vốn tăng 2.952,4 triệu USD. Bên cạnh đó có 31 dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng 90,9 triệu USD.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 1.124 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký là 9.334,5 triệu USD; trong đó có 588 dự án đi vào hoạt động, chiếm 52,3% tổng số dự án đăng ký, tổng vốn thực hiện khoảng 3.624 triệu USD, đạt 38,8% tổng vốn đăng ký.

Long An hiện là tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về thu hút vốn FDI.

GS Holding muốn làm Tổ hợp dự án sân golf 1.000 tỷ đồng tại Hà Tĩnh

Tổ hợp dự án sân golf, khách sạn và biệt thự cao cấp được triển khai tại xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) có quy mô gần 115 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng…

Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, Công ty cổ phần đầu tư quốc tế Thịnh Lộc (thuộc Công ty cổ phần GS Holding, Hà Nội) có văn bản xin phép UBND tỉnh Hà Tĩnh về triển khai đầu tư Dự án Tổ hợp sân golf, khách sạn và biệt thự cao cấp tại xã Thịnh Lộc; đồng thời, xin được tài trợ công tác lập quy hoạch.

Theo quy hoạch, Tổ hợp dự án sân golf, khách sạn và biệt thự cao cấp tại xã Thịnh Lộc có quy mô gần 115 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng với 28 hạng mục hiện đại, đồng bộ...

Sau đó, UBND tỉnh này có văn bản số 3824 chấp thuận việc đề xuất tài trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết Tổ hợp dự án sân golf, khách sạn và biệt thự cao cấp ở xã Thịnh Lộc.

Trên cơ sở đó, doanh nghiệp đã triển khai các bước đầu tư tiếp theo. GS Holding cam kết tài trợ toàn bộ kinh phí để lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho dự án và không đòi hỏi bồi hoàn trong trường hợp không được lựa chọn làm nhà đầu tư thực hiện dự án.

Theo quy hoạch phác thảo từ nhà đầu tư, Tổ hợp dự án sân golf, khách sạn và biệt thự cao cấp tại xã Thịnh Lộc có quy mô gần 115 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng với 28 hạng mục hiện đại, đồng bộ.

Trong đó, có các điểm nhấn nổi bật như: sân golf 18 lỗ, trung tâm hội nghị, khách sạn golf, biệt thự ven hồ VIEW GOLF, biệt thự vườn đồi, nhà câu lạc bộ, học viện golf, khu luyện tập mini, khu hạ tầng kỹ thuật, biệt thự mặt nước, BUNGALOW mặt nước, nhà phố, làng thương mại, bến thuyền, sân thể thao, nhà hàng ven kênh, biển nhân tạo, hồ cảnh quan, làng Suối Ngọc, làng Tiên Cảnh, khu thương mại dịch vụ và câu lạc bộ du thuyền…

Trước đề xuất của nhà đầu tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu đã có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan căn cứ các quy hoạch đã phê duyệt, định hướng phát triển của địa phương để xem xét đề nghị của GS Holding.

Được biết, GS Holding thành lập vào tháng 1/2018, đặt trụ sở tại số 2, lô F1, khu đô thị mới Đại Kim, đường Nguyễn Cảnh Dị, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Theo giới thiệu, doanh nghiệp hoạt động dựa trên 3 lĩnh vực chính gồm bất động sản, năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao.

Dù mới hoạt động hơn 3 năm, GS Holding gây ấn tượng khi sở hữu nhiều dự án quy mô lớn, như: Khu đô thị Đông Thuận (quận 12, TP. HCM) với quy mô gồm 204 căn hộ với tổng diện tích lên đến 23.424,64 m2; Khu công nghiệp Phú Xuân (tỉnh Đắk Lắk) với quy mô 338,43ha...

Tại Hà Tĩnh, GS Holding là nhà đầu tư dự án nhà máy viên nén gỗ công suất 120.000 tấn/năm tại huyện Hương Sơn; dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Đức Thọ với quy mô 68ha.

Tin liên quan
Tin khác