Tài chính - Chứng khoán
Thuế tối thiểu toàn cầu và tác động đến dòng vốn FDI
Vũ Ngọc Thắng - 29/09/2023 08:25
Quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) sẽ không làm giảm sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam, nhưng việc tập trung khắc phục các vấn đề cốt lõi và xem xét đưa ra các gói ưu đãi thay thế là cần thiết.

GMT sẽ không làm giảm sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam

Việc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) giới thiệu những quy tắc mẫu chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (Trụ cột 2) quy định về GMT tác động mạnh đến các thị trường mới nổi và nguyên tắc này đã trở thành một chủ đề nóng trong hai năm qua.

Chuyên gia kinh tế tài chính nhận định, GMT sẽ không làm giảm sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam và khó có khả năng tác động đáng kể đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam thời gian tới, bởi Việt Nam còn có nhiều yếu tố kinh tế - xã hội cạnh tranh khác ngoài thuế.

Chúng tôi muốn bổ sung một số điểm đáng lưu ý từ góc độ chuyên viên tư vấn thuế và dựa trên kinh nghiệm trong việc hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam trong nhiều năm qua.

GMT áp dụng cho các doanh nghiệp mà công ty mẹ tối cao có doanh thu hợp nhất vượt ngưỡng 750 triệu euro và cho phép cơ quan thuế của các công ty đó quyền áp thuế bổ sung theo tỷ lệ thuế bổ sung nhân với lợi nhuận vượt ngưỡng. Phương thức áp thuế này có khả năng tác động đáng kể đến dòng vốn FDI tiềm năng từ các nhà đầu tư lớn mà Việt Nam đang tìm cách thu hút.

Theo Bộ Tài chính, hơn 1.000 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng GMT. Việc này có ảnh hưởng tiêu cực đến quyết định đầu tư vào Việt Nam của các tập đoàn quốc tế lớn hay không là điều khó đoán trước.

Thứ nhất, GMT sẽ vô hiệu hóa những ưu đãi thuế trọng yếu mà hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài lớn quan tâm. Nếu ưu đãi về thuế ở Việt Nam bị vô hiệu hóa và không có biện pháp phù hợp, thì các quốc gia khác sẽ hưởng lợi từ việc áp thuế bổ sung và thu về hàng tỷ USD tiền thuế lẽ ra phải chảy vào ngân sách nhà nước Việt Nam.

Thứ hai, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề từ góc độ của Chính phủ Việt Nam. Trụ cột 2 được Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Hàn Quốc triển khai vào năm 2024. Malaysia và Thái Lan cũng thực hiện Trụ cột 2 lần lượt vào năm 2024 và 2025. Do đó, Việt Nam phải có những biện pháp nhất định để bảo vệ quyền đánh thuế của mình và duy trì dòng vốn đầu tư bằng cách đưa ra các chính sách ưu đãi khác.

Tại thời điểm tháng 8/2023, Bộ Tài chính đã đưa ra Dự thảo Nghị quyết áp dụng GMT để lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Quốc hội phê duyệt vào tháng 10/2023. Hai quy tắc chính được đề xuất trong dự thảo này là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) nhắm đến đối tượng là các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) nhắm đến đối tượng là các nhà đầu tư Việt Nam ra nước ngoài

Mặt khác, vẫn chưa có ưu đãi thay thế nào được công bố chính thức để bù đắp việc đánh thuế bổ sung các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Thông tin hiện tại về các chính sách ưu đãi mới vẫn còn rất mơ hồ và công chúng chỉ biết rằng, các chính sách đó liên quan đến đất đai, chi phí R&D và cải cách thủ tục hành chính.

Sau cùng, chúng ta có thể nhìn từ quan điểm của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong quá trình hỗ trợ các các nhà đầu tư nước ngoài hoạch định chiến lược đầu tư tại Việt Nam, các câu hỏi phổ biến nhất mà chúng tôi thường gặp là về các chính sách ưu đãi và hoàn thuế.

Tập trung khắc phục các vấn đề cốt lõi

Chỉ cần chúng tôi có chút nghi ngờ về điều kiện hưởng ưu đãi thuế, thì sẽ thấy ngay sự hứng thú với thị trường Việt Nam của các nhà đầu tư đó giảm đi đáng kể và gần như bỏ qua thực tế là Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh về chi phí lao động, nguồn nhân lực trẻ và vị thế chiến lược trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài và khách hàng của chúng tôi đã có nhiều góp ý thẳng thắn về những thách thức mà họ gặp phải trong giai đoạn nghiên cứu thị trường và quá trình hoạt động. Một số góp ý đáng lưu ý bao gồm việc mức lương tối thiểu hiện tại chưa phản ánh đúng mức sống thực tế, nên thường dẫn đến tranh chấp lao động giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và công nhân nhà máy.

Các công ty đầu tư nước ngoài chỉ có thể dựa vào dữ liệu theo luật định và không có nghĩa vụ phải hiểu rõ về mức sống cơ bản của công nhân. Để khắc phục tình trạng này, mức lương tối thiểu phải được rà soát và điều chỉnh định kỳ sao cho phù hợp với mức sinh hoạt cơ bản của người lao động.

Quy trình hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cực kỳ chậm trong thời gian qua. Hoàn thuế GTGT là một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược hoạch định dòng tiền của một doanh nghiệp xuất khẩu hoặc một dự án đầu tư mới. Đơn giản hóa và đẩy nhanh quy trình hoàn thuế GTGT là một ưu đãi thay thế mà Việt Nam có thể cân nhắc, bên cạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khác.

Sau cùng, mặc dù Việt Nam đã có Luật Phòng chống tham nhũng, nhưng việc thực thi trên thực tế vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư và đó là một trong những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư nước ngoài băn khoăn về quyết định gia nhập thị trường Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác