Trong khuôn khổ Chương trình “Giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại” được tổ chức tại TP.HCM mới đây, đã có 40 doanh nghiệp của Thái Lan hoạt động trong các lĩnh vực thực phẩm - đồ uống, nhà hàng - siêu thị, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm… tham gia, tìm đối tác tại Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nupartpat Sutthitham, Giám đốc chuỗi cửa hàng tiện lợi MP Mart (Thái Lan) cho biết, Thái Lan hiện có 3 cửa hàng MP Mart, mô hình không giống Family Mart hay Circle K. Trong khi ở Family Mart bán chủ yếu là thực phẩm (chiếm tới 80%), thì MP Mart bán chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng nhanh, được sản xuất tại Thái Lan (chiếm 70%).
Trong làn sóng nhượng quyền thương mại, hàng ngoại đang xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường. Ảnh: Đ.T |
Theo đại diện của MP Mart, chi phí mở một cửa hàng ở Thái Lan với diện tích trung bình 150 m2 là khoảng 50.000 USD. “Nhận thấy thị trường Việt Nam có nhiều cơ hội, chúng tôi muốn qua khảo sát và đây là lần đầu tiên, thương hiệu này đến Việt Nam”, đại diện MP Mart nói và cho biết, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, đối tác là có tiềm lực tài chính để có thể nhân rộng mô hình này với số lượng lớn tại Việt Nam.
Trong khi đó, đại diện Kokekokko - một thương hiệu gà ăn nhanh nổi tiếng của Thái Lan với 5 cửa hàng cho biết, thương hiệu này khá có tiếng ở Thái Lan, sử dụng gia vị Nhật Bản để ướp gà. Đại diện thương hiệu này cũng không giấu ý định muốn tìm đối tác có hiểu biết kinh doanh, tiềm lực tài chính tốt để mở chuỗi cửa hàng tại Việt Nam.
Cũng trong cuối tháng 11 năm nay, lần đầu tiên trong cùng một thời điểm, 9 doanh nghiệp với 14 thương hiệu thời trang Nhật Bản đã đến Việt Nam tìm đối tác nhận nhượng quyền mở cửa hàng hoặc phân phối sản phẩm tại thị trường trong nước.
Ông Akira Kaise, đại diện Công ty TNHH I Am cho biết, thương hiệu thời trang Name của Công ty đã có mặt ở nhiều thị trường trên thế giới, như Hồng Kông, Thượng Hải, Hàn Quốc, Đài Loan, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan... và đây là lần đầu tiên, ông đến Việt Nam tìm hiểu thị trường.
Đại diện Công ty I Am nhận xét, dân số trẻ, kinh tế phát triển tốt, thu nhập của người dân tăng… là các yếu tố để Việt Nam đang trở thành một thị trường tiềm năng cho các mặt hàng thời trang. “Ngoài việc thâm nhập thị trường, chúng tôi cũng quan tâm đến việc gia công hoặc đầu tư ở Việt Nam nhằm tận dụng lao động có chi phí nhân công thấp và tay nghề cao”, ông Kaise cho biết.
Tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực ẩm thực, trong khi đó, các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm hay làm đẹp lại chưa được người tiêu dùng biết đến nhiều. Do đó, gần đây, nhiều thương hiệu mỹ phẩm Nhật Bản đã quyết định vào thị trường Việt Nam và tìm kiếm các nhà phân phối chính thức.
Trong một hoạt động kết nối do Công ty Esuhai của Việt Nam tổ chức mới đây tại TP.HCM, đã có gần 10 thương hiệu mỹ phẩm của Nhật Bản tham gia. Trong số đó, thương hiệu Kosé có lẽ được khá nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến.
Đại diện của Kosé cho biết, doanh nghiệp này được thành lập từ năm 1946, với doanh thu toàn cầu khoảng 2,1 tỷ USD/năm và đã có mặt tại 18 quốc gia. Tuy nhiên, cho đến nay, thương hiệu này chưa có kênh phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh hiện diện tại thị trường, giới thiệu sản phẩm, trong dịp này, Kosé mong muốn tìm đại lý, đối tác chính thức tại Việt Nam.
Trong khi đó, đại diện Công ty Nippon Menard Cosmetic, sở hữu thương hiệu Menard, cho biết, Công ty hoàn toàn tự tin về sản phẩm để giới thiệu với người tiêu dùng Việt Nam và mong muốn tìm những đối tác tốt để có thể tiếp cận người tiêu dùng nhiều hơn.
Theo đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, Việt Nam hiện có dân số hơn 93 triệu người, trong đó một nửa là phụ nữ có mong muốn làm đẹp hơn khi thu nhập được cải thiện, sẵn sàng dành nhiều ngân sách cho làm đẹp, chăm sóc cơ thể. Do vậy, đây là thời điểm thuận lợi và là cơ hội rất tốt cho các thương hiệu mỹ phẩm của Nhật Bản thâm nhập thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, có một thực tế là các sản phẩm mỹ phẩm, thời trang của Nhật Bản dù khá có uy tín và dễ được người tiêu dùng Việt chấp nhận, song phần lớn giá bán còn khá cao so với mức thu nhập trung bình của người tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, thời trang của Nhật Bản cũng chưa được ưa chuộng hoặc phổ biến ở thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, đây được xem là những bước khởi đầu để các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm Nhật Bản tìm hiểu thị trường và tìm đối tác chính thức.