Thương mại song phương ASEAN-Nhật Bản năm 2022 đạt 268,5 tỷ USD. |
Thứ trưởng Công thương, bà Phan Thị Thắng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản, theo Vụ Chính sách thương mại đa biên.
Ngoài tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN – Nhật Bản, trong khuôn khổ chuyến thăm, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã dự 25 hoạt động tiếp xúc song phương, tọa đàm với các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Nhật Bản với chủ đề chuyển đổi xanh và cơ sở hạ tầng xã hội, diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham dự tọa đàm, diễn đàn đều là những doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam và khẳng định quyết tâm tiếp tục hoạt động, mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Tiếp xúc với Tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đã phản hồi về những ý kiến, đề xuất cụ thể về chính sách phát triển công nghiệp, năng lượng, nội dung phát triển điện sinh khối trong Quy hoạch điện VIII, đưa ra một số giải pháp việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án liên quan như dự án phát triển mỏ khí Lô B, dư án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn ..
Trải qua 50 năm, quan hệ hợp tác ASEAN - Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển toàn diện, năng động trên tất cả lĩnh vực: chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, xã hội...
Theo bà Phan Thị Thắng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa ASEAN và Nhật Bản không ngừng phát triển, được triển khai qua nhiều cơ chế/khuôn khổ khác nhau, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP). Nhật Bản cũng là đối tác tích cực đóng góp cho triển khai Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) và hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.
Số liệu thống kê của Ban Thư ký ASEAN, năm 2022, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của ASEAN (sau Trung Quốc, Mỹ và EU) và đầu tư FDI đứng thứ 2 của ASEAN (sau Hoa Kỳ).
Thương mại song phương ASEAN - Nhật Bản đạt 268,5 tỷ USD, tổng FDI từ Nhật Bản vào ASEAN đạt 26,7 tỷ USD, tăng 27,7% so với năm trước đó.
Đầu tư, thương mại Việt Nam-Nhật Bản cũng lập kỳ tích, Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ hai, nhà đầu tư và đối tác du lịch thứ ba, đối tác thương mại thứ tư của Việt Nam.
Đặc biệt, với trên 5.200 dự án và hơn 71,5 tỷ USD vốn đăng ký, các nhà đầu tư Nhật Bản đã có mặt tại hầu hết các địa phương của Việt Nam, tham gia nhiều dự án mang tính chiến lược trong một số lĩnh vực trọng điểm.
Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đã chính thức được nâng cấp lên mức cao nhất: Đối tác chiến lược toàn diện vào cuối tháng 11/2023, đưa Nhật Bản trở thành Đối tác chiến lược toàn diện thứ 6 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Hoa Kỳ).
Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973, đến năm 2002 thì thiết lập quan hệ Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài.
Đến năm 2009, hai nước nâng cấp lên Đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và đến năm 2014 thì nâng lên thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.