Không gian thương mại điện tử
Số liệu mới nhất của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho thấy, trong 6 tháng năm 2023, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á 2022 của Google, Temasek và Bain & Company cũng dự báo, tới năm 2025, nếu nền kinh tế số Việt Nam đạt 49 tỷ USD, quy mô ngành thương mại điện tử là 32 tỷ USD.
Đóng góp trong sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử Việt Nam là logistics. Chính sự cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành này khiến thương mại điện tử có sự tăng trưởng vượt bậc.
Đánh giá tiềm năng ngành logistics, tại buổi làm việc với Tập đoàn Viettel mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, một trong những không gian phát triển mới là thương mại điện tử. Thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam tăng đều 20-25%/năm, nhưng cũng chỉ mới chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Không gian phát triển ở lĩnh vực này là rất lớn.
Giải bài toán chi phí để cùng phát triển
Thương mại điện tử và logistics có mối quan hệ dựa vào nhau để cùng phát triển, nhưng cũng là mối quan hệ đối đầu. Mấu chốt ở chỗ, chi phí logistics đang khá cao, kéo chân sự phát triển của thương mại điện tử.
Ông Lê Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Lazada Việt Nam cho biết, hệ thống logistics hiệu quả sẽ là chìa khóa cho doanh nghiệp thương mại điện tử, giúp kết nối đầu cuối trong toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, chi phí logistics tại Việt Nam vẫn cao, chiếm 10 - 20% giá thành sản phẩm, trong khi ở các nước tiên tiến, tỷ lệ này chỉ 7-9%.
Còn ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty Hàng Việt cho biết, cước phí vận chuyển một container loại 40 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) về cảng Sài Gòn là 300-400 USD, trong khi cước phí vận chuyển từ TP.HCM ra cảng phía Bắc mất khoảng 1.000 USD.
Lý giải thực tế này, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế giữa vận tải đường biển, đường sắt và đường bộ; thiếu trung tâm logistics cấp quốc gia, quốc tế tại khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối phân phối hàng hóa là những rào cản, khiến chi phí logistics tăng cao. Bên cạnh đó, sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài với hình thức vận chuyển mới, công nghệ số hiện đại cũng đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp logistics nội địa.
Theo ông Hải, để ngành logistics Việt Nam “cất cánh”, cần thực hiện một số giải pháp, như đầu tư và phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại hơn; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường; ban hành các chính sách khuyến khích doanh nghiệp logistics chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính; đầu tư phương tiện vận chuyển hiện đại; thực hiện mô hình hải quan thông minh...
Ngoài vấn đề chi phí, thì năng lực của các doanh nghiệp cũng được xem là yếu tố cản trở dịch vụ logistics...
“Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan để tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng giao thông một cách đồng bộ; đầu tư phát triển các trung tâm logistics, cảng cạn để đẩy mạnh vận tải đa phương thức. Đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất các chính sách liên quan đến giá, phí vận tải như giảm phí sử dụng đường bộ, phí sử dụng hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển…; phân cấp, phân quyền cho địa phương trong hoạt động đầu tư, khai thác hạ tầng”, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết tại phiên chất vấn của Quốc hội hồi tháng 6/2023.
Một giải pháp khác giúp giảm chi phí logistics là ứng dụng công nghệ, tự động hóa.
Theo ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc phát triển kinh doanh (Công ty SLP Việt Nam), sự phát triển của ngành logistics đòi hỏi các giải pháp kho bãi phải thích nghi với sự xuất hiện của các loại hình mới như thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối... Nhà kho hiện đại được xây dựng để đáp ứng những yêu cầu này. Các thiết bị tự động cũng được tích hợp để tăng hiệu quả vận hành như máy phân loại hàng, hệ thống giá kệ cao tầng để tối ưu hóa diện tích khai thác.
Với những ưu điểm trên, nhà kho hiện đại đang dần thay thế các hệ thống lưu trữ truyền thống trong ngành logistics; các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa đã giúp nâng cao hiệu suất và độ chính xác của hoạt động kho hàng. Các hệ thống kho thông minh cung cấp thông tin chi tiết về quy trình lưu trữ, vận chuyển và quản lý hàng hóa, giúp tối ưu hóa tất cả các hoạt động này.
Ở góc độ khác, theo ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, doanh nghiệp cần lưu ý đến phát triển và sử dụng kho bãi hiệu quả, tăng tốc độ xử lý đơn hàng, giảm chi phí. Trong 3 năm tới, thương mại điện tử tại Việt Nam dự báo tăng 15-20%/năm, thậm chí cao hơn. Vì vậy, vị trí các kho hàng cũng là yếu tố giúp tối ưu hóa việc chuyển hàng đến với khách hàng.
Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề "Logistics Việt Nam - Con đường phía trước" do Báo Đầu tư và Công ty SLP Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Khách sạn InterContinental Saigon (TP.HCM) vào ngày 5/10/2023.
Với sự tham dự của hơn 300 khách mời quốc tế và trong nước, Hội nghị Logistics 2023 sẽ phân tích và thảo luận chuyên sâu các động lực tăng trưởng cho ngành logistics, các vấn đề cung - cầu và những thay đổi trong xu hướng thuê kho vận, nhà xưởng tại Việt Nam hiện nay, xu hướng phát triển các dịch vụ logistics hiện đại, logistics xanh, hướng đến phát triển bền vững; đánh giá những cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp logistics trong bối cảnh cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa bài toán chi phí - lợi ích nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh…
Thông tin Diễn đàn sẽ được tường thuật trực tuyến trên các nền tảng online của Báo Đầu tư và đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.