Nhiệm vụ quan trọng của trường đại học
Tại cuộc hội thảo với chủ đề “Thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học trong trường đại học” diễn ra mới đây, TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK Holdings, Chủ tịch của VNEI (Mạng lưới đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đại học và cao đẳng Việt Nam) đã chỉ ra 3 nhiệm vụ chính của các cơ sở đại học là tuyển sinh, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Theo đó, khái niệm “đổi mới sáng tạo” được lý giải là việc tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ và thương mại hóa được nó để mang lại giá trị cũng như nguồn thu cho cơ sở giáo dục.
Trong phạm vi các trường đại học, nhiệm vụ “Đổi mới sáng tạo” được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, tại Quyết định số 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 (Đề án 1665), theo đó 100% cơ sở giáo dục đại học ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho giảng viên và người học, góp phần phát triển và hình thành văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Hiện gần 30% cơ sở giáo dục đại học hình thành và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của đơn vị; 90% tham gia các mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học khác để phát triển mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo như câu lạc bộ các trường đại học khối kỹ thuật và công nghệ, khối y dược, nông nghiệp, kinh tế…
Nhắc đến những tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo thành công trong các trường đại học trên thế giới, TS. Nguyễn Trung Dũng đưa ra một số mô hình thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các đại học trên thế giới như: Oxford University Innovation đóng vai trò TTO (Technology Transer Office) cho Đại học Oxford; Công ty chuyển giao công nghệ Cambridge, Công ty TODAI TLO trực thuộc Đại học Tokyo đóng vai trò TLO/TTO (Technology Licensing Office/Technology Transer Office), qua đó nêu lên sự cần thiết của tổ chức thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các trường đại học.
GS. Bruce Dowton, Hiệu trưởng Đại học Macquarie (Australia) cũng chia sẻ về mô hình thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Đại học Macquarie - đại học xếp hạng 130 thế giới. Giáo sư đã giới thiệu về Macquarie Park Innovation District - khu công nghệ hàng đầu của Australia, với hơn 400 doanh nghiệp đa quốc gia và tập đoàn công nghệ hàng đầu như Microsoft, Philips, Canon… nằm ngay tại khuôn viên nhà trường.
Tại Việt Nam, chương trình ươm tạo, đào tạo về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho giảng viên và người học được các cơ sở giáo dục đại học quan tâm thực hiện như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Ngoại thương, Trường đại học Phenikaa...
Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Quỹ Vifotech triển khai cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học với khoảng 150 dự án/năm, được lựa chọn kỹ lưỡng từ các cơ sở giáo dục.
Thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ
Cuộc thi nhiều, dự án cũng không ít, nhưng thực tế nhiều sản phẩm khoa học công nghệ của các trường đại học mới dừng lại ở việc… đem đi thi. Khâu thương mại hóa để có thể bán được sản phẩm đến tay người tiêu dùng còn khá yếu kém và trở thành nỗi đau đáu cho các cơ sở giáo dục.
Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hàng năm, các trường đại học đóng góp khoảng 16.000 kết quả nghiên cứu, chiếm 80% kết quả nghiên cứu của cả nước. Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn chỉ khoảng 10%.
Cơ cấu nguồn thu của các trường đại học vẫn từ học phí và lệ phí trong hoạt động đào tạo (trên 85%), nguồn thu từ chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học chưa đáng kể.
PGS-TS Vũ Văn Tích (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu thực tế, ở nước ta hiện nay, mối quan hệ trường đại học và các doanh nghiệp hầu như không có. Tại Việt Nam chưa có doanh nghiệp nằm trong trường đại học mà nhà khoa học có thể làm cổ đông, là nơi để các nhà nghiên cứu đầu tư, sinh viên thực tập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, định hướng của Việt Nam là phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc phát triển các trung tâm và mạng lưới đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với khu công nghệ cao, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học, viện nghiên cứu...
Đường hướng đã rõ ràng, song việc áp dụng vẫn còn bỡ ngỡ. Theo các chuyên gia, cần sự “bắt tay” của các doanh nghiệp với nhà trường. Doanh nghiệp cần chủ động đặt hàng trường đại học, còn bản thân các cơ sở giáo dục đại học và nhà khoa học cũng cần thay đổi theo hướng tăng cường các nghiên cứu mang tính ứng dụng; chủ động kết nối và tiếp cận thị trường; nâng cao năng lực quản trị, điều hành…