Với sự góp mặt của đối tác ngoại, Elise kỳ vọng sớm trở thành thương hiệu thời trang đa quốc gia đầu tiên của Việt Nam. |
Elise sẽ gây “sửng sốt”?
Cuối cùng, sau bao đồn đoán, thương hiệu thời trang nữ khá đình đám của Việt Nam - Elise - cũng chính thức xác nhận thông tin bán cổ phần cho đối tác ngoại. Đó là quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản - Asia Fund, thuộc Công ty Đầu tư vốn tư nhân Advantage Partners.
Trước khi thông tin này được công khai, tại sự kiện Blooming Moments hồi tháng 1/2019, các thành viên Hội đồng Quản trị và Giám đốc kỹ thuật mới của Elise đã lộ diện, trong đó, có tới 3 người đến từ Nhật Bản và họ đều dự cảm tốt về tương lai của thời trang Việt.
Ông Tokuo Yotaro, thành viên Hội đồng quản trị Elise cho rằng, ngành thời trang Việt Nam sẽ phát triển nhanh nhất châu Á và nhiều cơ hội hơn cả Nhật Bản. Trong khi ông Uyama Atsushi, Giám đốc kỹ thuật Elise cũng tin tưởng, với kinh nghiệm của các chuyên gia kỹ thuật tại Uniqlo và các thương hiệu quốc tế khác trong hơn 30 năm, ông sẽ đưa Elise đến với tiêu chuẩn của thương hiệu thời trang thế giới.
Như vậy, không loại trừ Hãng thời trang Uniqlo là một “tay chơi ẩn danh” trong thương vụ này. Trước đó, thông tin Uniqlo chi hàng chục triệu USD để mua lại 35% cổ phần của Elise được bà Trần Thị Thanh Thủy, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) chia sẻ tại Hội nghị Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Động thái này diễn ra sau khi Uniqlo tuyên bố sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào mùa thu năm 2019.
Còn bà Lưu Thị Nga, nhà sáng lập, CEO chuỗi thời trang Elise khẳng định, dù bán cổ phần cho đối tác ngoại, nhưng bà vẫn là “linh hồn” và giữ quyền quyết định cao nhất tại Elise.
Trong 5 năm tới, Elise vẫn tập trung vào phân khúc thị trường thời trang nữ của Việt Nam, trong độ tuổi từ 20 đến 45. Theo bà Nga, thị trường này có quy mô giá trị khoảng 2 tỷ USD vào năm 2022 và có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 30%/năm. Dự kiến, 4 năm tới, hệ thống cửa hàng Elise sẽ tăng gấp đôi và gấp bốn tổng doanh thu so với hiện tại.
Hiện, với 95 cửa hàng trên cả nước, Elise có 3 nhà máy chính và hơn 30 công ty gia công độc quyền, cung cấp gần 3 triệu sản phẩm mỗi năm cho thị trường.
Với sự tham gia của nhà đầu tư ngoại và nguồn lực được bổ sung từ quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, bà Nga sẽ sớm triển khai nhiều thương hiệu thời trang cao cấp mới trong năm nay để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam. Thậm chí, Elise sẽ tạo bất ngờ cho đối tượng tiêu dùng là nam giới.
Thời trang Việt ra thế giới: chỉ là vấn đề thời gian
Người sáng lập thương hiệu thời trang Elise đã nhiều lần muốn chứng minh tiềm lực của thời trang Việt là có thật và việc đưa thời trang Việt ra thế giới chỉ là vấn đề thời gian. Với việc bán cổ phần cho nhà đầu tư Nhật Bản, bà Nga không ít lần bày tỏ tham vọng sẽ đưa Elise từ công ty khởi nghiệp trở thành thương hiệu thời trang đa quốc gia đầu tiên, thay đổi ngành thời trang Việt Nam.
Khi còn du học ở Mỹ về ngành tài chính, tuy chưa có ý định kinh doanh, nhưng bà Nga đã bắt đầu phân tích thị trường dệt may, thời trang Mỹ, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Mỹ và học hỏi các kiến thức về thời trang. Bà nhận thấy, ngành thời trang Việt Nam tuy tồn tại nhiều vấn đề về thông tin, nhân sự và hạ tầng, nhưng bù lại, đây là mảnh đất màu mỡ.
Những năm qua, sự phát triển của ngành thời trang chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường và con người Việt Nam. Các công ty quy mô ngàn tỷ, ngàn người vẫn đang tập trung vào gia công và đặt hy vọng vào việc tham gia các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam để có nhiều đơn hàng hơn. Đến nay, thời trang Việt, với thị trường trên 97 triệu dân, vẫn thiếu vắng những thương hiệu giống như Zara, H&M, Uniqlo, Forever 21…
Bà Nga nhìn thấy, tâm lý người tiêu dùng Việt thích đồ ngoại, thời trang ngoại. Song trong thế giới phẳng, dù hàng ngoại đã tràn ngập, cũng khó để người tiêu dùng thỏa mãn. Do vậy, Elise phải hơn hàng ngoại, thiết kế đi cùng thế giới nhưng hơn hàng ngoại về sự phù hợp. Theo bà Nga, các nhà thiết kế hiện tại chưa có nhiều nguồn cảm hứng sáng tạo và còn cần nhiều sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Ngành sản xuất thời trang ứng dụng của Việt Nam còn hạn chế. “Chúng ta cần một cú huých để thay đổi tư duy, thói quen tiêu dùng truyền thống khi nền kinh tế đã phát triển”, bà Nga nói.
Elise ra đời ở phân khúc cao cấp với tham vọng lọt vào top 3 trên thị trường. Để đạt được mục tiêu này, Hãng đã bắt tay với các công ty thời trang quốc tế lớn trong đó có nhiều tập đoàn đến từ Hàn Quốc, Italia, Nhật Bản. Điều đó không chỉ giúp Elise cập nhật xu hướng thời trang, mà còn cả những kiến thức về công nghệ mới nhất.
Những thương vụ M&A đình đám
Trở lại với thương vụ Elise bán cổ phần cho Asia Fund, ngay sau khi thông tin này được tung ra, đã có nhiều đồn đoán về “chiêu trò” của thương vụ, thậm chí có cả đồn đoán về động thái làm giá, trốn thuế...
Trên thực tế, từ cuối năm 2018, Elise đã tái cấu trúc sở hữu của doanh nghiệp thông qua việc thành lập những pháp nhân mới. Công ty TNHH Elivina - doanh nghiệp sở hữu Elise Fashion - được thành lập tháng 8/2018 với vốn điều lệ 250 tỷ đồng, do bà Lưu Thị Nga và hai cổ đông cá nhân khác sở hữu.
Đến tháng 11/2018, cấu trúc sở hữu của Elivina thay đổi với sự xuất hiện của những cổ đông ngoại. Ông Stanley Emmett Thomas, Giám đốc Asia Fashion Service Holdings và TeleGuam Holdings trở thành Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Elivina. Bà Lưu Thị Nga giữ vị trí thành viên Hội đồng Thành viên và Tổng giám đốc, trong khi chức danh Giám đốc điều hành do ông Tokuo Yotaro phụ trách.
Như vậy, chuỗi cửa hàng thời trang Elise đã âm thầm hoàn tất việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, Asia Fashion Service Holdings cũng chỉ là pháp nhân trung gian được lập ra để thực hiện giao dịch chuyển nhượng.
Động thái của Elise tương tự thương vụ Hãng thời trang NEM bán 70% cổ phần cho Stripe International Inc - một công ty bán lẻ quần áo thời trang của Nhật Bản. Để thực hiện thương vụ này, Stripe International đã thành lập một công ty con tại Việt Nam vào tháng 9/2017 là Công ty cổ phần Stripe Việt Nam, đặt trụ sở tại quận Long Biên (Hà Nội), có vốn điều lệ 175 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên website của Stripe International lại đăng tải thông tin, tập đoàn này mua lại Công ty cổ phần Stripe Việt Nam. Sau thương vụ đó, ông Yasuharu Ishikawa, Chủ tịch Stripe International đồng thời là Giám đốc điều hành Stripe Việt Nam.
Như vậy, hai thương hiệu thời trang nữ đình đám một thời của Việt Nam đều nằm dưới bàn tay của nhà đầu tư Nhật Bản.
Stripe International quyết định mua Thời trang NEM để mở rộng các hoạt động kinh doanh dài hạn ở Việt Nam nói riêng và các nước trong khối ASEAN nói chung.
Trong khi đó, Uniqlo có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng cửa hàng tại khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương lên con số 400 vào năm 2022, đồng thời đặt mục tiêu tăng gấp 3 doanh thu tại khu vực Đông Nam Á, lên 300 tỷ yên (tương đương 2,71 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8/2022, đạt tốc độ tăng trưởng vượt trội so với cả Công ty.
Theo ông Tadashi Yanai, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành công ty mẹ của Uniqlo, khu vực Đông Nam Á là một động lực tăng trưởng quan trọng đối với Uniqlo và ông rất lạc quan về cơ hội trở thành một phần của nền kinh tế và thị trường bán lẻ hấp dẫn này.
“Soi” thương vụ M&A giữa Elise và đối tác ngoại
Một số luật sư cho rằng, việc thành lập các pháp nhân chuyển nhượng là kỹ thuật thông thường trong các thương vụ M&A.
Về vấn đề định giá, có nhiều thương vụ, nhà đầu tư mạnh về tài chính nên muốn công khai giá trị thương vụ lớn để đóng thuế. Ngược lại, có nhiều thương vụ luôn bảo mật giá trị định giá. Các thương vụ M&A nổ ra thường có 2 hướng: định giá rất cao hoặc định giá rất thấp một cách bất thường.
Định giá thấp nghĩa là người bán chịu thuế thấp và có thể, họ nhận một khoản lót tay riêng không khai báo thuế, nhưng bất lợi cho người mua là phải giải ngân được chi phí lót tay đó. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường không thích điều này, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, nếu thương vụ định giá cao, bên mua sẽ có một số điểm lợi. Đó là, thực tế chỉ phải trả số tiền ít hơn, hoặc có thể là kê khai cao để sau đó bán lại cho đối tác khác giá cao, cũng có thể là cách để biến dòng tiền “không sạch”, qua đầu tư thành tiền “sạch”.
Từ phân tích trên cho thấy, khả năng trốn thuế từ thương vụ M&A của Elise không cao. Ngược lại, giới chuyên môn e ngại khả năng giá trị mua lại khai báo quá lớn. Theo bà Trần Thị Thanh Thủy (Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương), đây có thể xem là một thương vụ thành công của Elise khi giá trị mà đối tác Nhật Bản trả cho 35% cổ phần lên tới hàng chục triệu USD, cao hơn rất nhiều so với con số vốn điều lệ của Elise.