Vì sao mua Nước khoáng Quảng Ninh?
Hành trình cổ phần hóa sắp tới của Công ty Nước khoáng Quảng Ninh - Miwateraseco (QNK) sẽ có sự tham gia của Masan. Masan Beverage, công ty con của Masan Consumer Holdings, sẽ nắm 65% cổ phần công ty này. Với ngành đồ uống, Masan Beverage hiện có Vinacafe Biên Hòa (VCF) và Vĩnh Hảo. Rõ ràng, hai thành viên này đã có thể giúp Masan mở rộng hệ thống ngành đồ uống. Nhưng vì sao Masan còn muốn mua thêm QNK?
Trước hết, nếu nhìn vào mặt tài chính, có thể thấy, đây là thương vụ không tồi, khi Masan mua được một công ty tốt. QNK là một công ty có vốn không nhiều, trên dưới 20 tỷ đồng, nhưng hiệu quả kinh doanh đủ khiến nhà đầu tư bất ngờ. Chẳng hạn, năm 2014, hiệu quả sử dụng vốn (ROE) của QNK đạt trên 70%, một con số gần như không tưởng trong ngành thực phẩm tiêu dùng.
Khi mua Vĩnh Hảo, Masan đặt mục tiêu doanh số cho mảnh ghép mới này ở mức 3.000 - 5.000 tỷ đồng |
Sức hút của ngành nước uống đóng chai là không phải bàn cãi. Đây là lĩnh vực được xem như “biến nước thành tiền”, với khả năng tạo ra lợi nhuận cao, dòng tiền đều đặn và khả năng tăng trưởng tươi sáng. Các báo cáo thị trường gần đây đều cho thấy, các chỉ số ROE và tiềm năng tăng trưởng đạt mức cao hơn 20% mỗi năm. Tiềm năng này càng có giá trị khi đặt trong thị trường có quy mô hơn 54.000 tỷ đồng, theo một báo cáo của Euromonitor.
Trước cơ hội mới với ngành nước uống đóng chai, Masan đã mua Vĩnh Hảo. Cùng với VCF, Masan Beverage đã phát triển danh mục sản phẩm nước đóng chai đa dạng, đạt kết quả khá tốt trong gần 3 năm qua. Vậy cớ gì họ lại mua thêm một công ty có cùng chức năng và không khác hướng phát triển?
Masan có lý do riêng của họ, trong đó mở rộng thị trường là đích nhắm chủ yếu. Hiện QNK có hơn 1.000 đại lý tại 25 tỉnh, thành phía Bắc. Điều này có nghĩa, sau khi mua QNK, Masan sẽ có ngay vị thế đáng kể ở thị trường phía Bắc, khu vực vốn chưa mạnh bằng miền Nam. Cùng với Vĩnh Hảo, QNK giúp cho Masan trở thành công ty trong nước giữ vị trí dẫn đầu trong ngành hàng nước khoáng.
Một lý do không kém quan trọng khác và không khó nhận thấy nếu xem kỹ các thương vụ gần đây của họ, đó là nhắm vào các thương hiệu Việt Nam nổi tiếng. Vĩnh Hảo hay VCF đều là các thương hiệu có lịch sử phát triển lâu đời tại Việt Nam. Điều này phần nào gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Ở góc nhìn khác, một chuyên gia tư vấn doanh nghiệp cho rằng, mua thêm QNK còn giúp Masan tăng thêm sức mạnh trong “cuộc chiến” trong ngành nước uống với các nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường nước uống đóng chai hiện do một số thương hiệu nước ngoài dẫn đầu như Lavie, Aquafina. Chỉ hai tên tuổi này đã chiếm phân nửa thị trường. Trong khi đó, các công ty trong nước đa phần có quy mô nhỏ, phân tán rải rác, nên năng lực cạnh tranh không cao.
Sau khi mua được Vĩnh Hảo và QNK, Masan dễ dàng tạo lập được vị thế đáng kể trong ngành, đủ sức đối đầu với các ông lớn nước ngoài. Về lâu dài, nếu Masan không mua, rất có thể nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhảy vào. “Bên cạnh khả năng biến thương hiệu Việt thành của họ, nguy cơ họ ‘bóp chết’ các thương hiệu có sức sống để triệt tiêu khả năng cạnh tranh là có thể xảy ra”, vị này đánh giá.
Tham vọng dẫn đầu
Sau khi mua QNK, Masan có khả năng là công ty trong nước dẫn đầu thị trường nước uống đóng chai. Tuy nhiên, so với toàn thị trường, các thương hiệu nước ngoài vẫn đang chễm chệ ngồi “chiếu trên”. Hai tên tuổi Lavie và Aquafina sẽ là đối thủ chính Masan cần vượt qua, nếu muốn dẫn đầu, không chỉ so với các công ty trong nước.
Cùng với Vĩnh Hảo, Masan đặt mục tiêu cho nhóm nước uống bao gồm QNK là 1.000 tỷ đồng trong năm 2015. Theo ước đoán của Masan, kết quả này đến nay có thể đạt được. Khi mua Vĩnh Hảo, Masan đặt mục tiêu doanh số cho mảnh ghép mới này ở mức 3.000 - 5.000 tỷ đồng. Kết quả này được kỳ vọng sẽ đạt được sau vài năm. Từ năm 2013 đến nay dường như cũng gần kề, nay có thêm QNK, mục tiêu này càng dễ đạt hơn.
Chưa có con số thống kê chính xác thị phần của các thương hiệu dẫn đầu thị trường này. Tuy nhiên, theo
Euromonitor, tổng doanh số nước uống đóng chai dự kiến sẽ đạt trên 460 triệu USD (hơn 10.000 tỷ đồng) vào năm 2017. Nếu đạt được mục tiêu 5.000 tỷ đồng doanh số trong thời gian tới, Masan sẽ chiếm khoảng 50% thị phần.
Viễn cảnh này chỉ mới nhìn theo kỳ vọng của Masan. Hẳn các ông lớn nước ngoài sẽ không dễ ngồi yên, gần đây, họ cũng tăng cường đầu tư cho nhà máy và hoạt động quảng bá. Sự xuất hiện thương hiệu mới Dasani của ông lớn
Suntory-Pepsico cũng làm khó Masan không ít.
Chưa nói trước được ai sẽ hơn ai trên thị trường cạnh tranh khốc liệt này. Nhưng trước hết, Masan có nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia cuộc đua. Với hệ thống phân phối rộng khắp, Masan cũng không thiếu tiền cho các kế hoạch quảng bá sản phẩm cần thiết. Bên cạnh đó, Masan còn có những lợi thế khác.
Lợi thế lớn nhất là Masan nhanh chóng nắm giữ được các thương hiệu nổi tiếng, thứ được xem là di sản quốc gia. Ngoài Vinacafe Biên Hoà, Masan có Vĩnh Hảo, nay lại sở hữu thêm 2 thương hiệu lâu đời là Quang Hanh và Faith của QNK. Trong bối cảnh hàng Việt được tôn vinh và cổ vũ sử dụng trước tiên, sản phẩm nước khoáng của Masan dễ lấy điểm hơn các thương hiệu ngoại.
Về tính đa dạng, phải thừa nhận rằng, Masan đã nhanh chân hơn đối thủ. Trong khi các thương hiệu ngoại chỉ chú trọng vào loại nước tinh khiết và khoáng, Masan đi xa hơn. Bên cạnh sản phẩm truyền thống, Vĩnh Hảo và QNK còn có nhiều loại sản phẩm mang hương vị trái cây hay có gas. Kết hợp với nền tảng ở VCF, Masan Beverage cho ra dòng nước tăng lực vị cà phê và hẳn không dừng ở đó trong thời gian tới.
“Mở rộng danh mục sản phẩm là giải pháp thu hút người tiêu dùng, đồng thời mở rộng quy mô thị trường”, ông Venkatesh, Giám đốc Chiến lược và Nguồn vốn tổ chức của Masan cho biết.