Thời sự
Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho ý kiến Luật PPP, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)
Nguyễn Lê - 17/03/2020 08:38
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã quyết định tiến hành phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ ngày 23 đến sáng 25/3/2020.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã quyết định tiến hành phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ ngày 23 đến sáng 25/3/2020.  

Đây là phiên họp đã được dự kiến tiến hành từ 10-13/3 nhưng sau đó đã hoãn lại.

Phiên họp này, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên số lượng và thành phần dự tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội (phòng họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) cũng được yêu cầu hạn chế.

Theo dự kiến chương trình phiên họp, dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) sẽ được xem xét ngay buổi làm việc đầu tiên, sáng 23/3.

Trước đó, cả Chính phủ và Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đều có báo cáo về những vấn đề lớn, ý kiến đại biểu còn khác nhau sau thảo luận lần đầu dự án Luật PPP tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội (cuối năm 2019).

Chính phủ cho biết, về lĩnh vực đầu tư và quy mô đầu tư dự án PPP, Chính phủ dự kiến khu biệt lại các lĩnh vực đầu tư trên tinh thần chỉ tập trung các lĩnh vực trọng điểm, khả thi và đã triển khai trong thực tế vừa qua, giữ hạn mức 200 tỷ đồng trong luật và giao Chính phủ quy định hạn mức tối thiểu cho từng lĩnh vực để bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành của Chính phủ theo từng thời kỳ kinh tế - xã hội.

Về thẩm quyền quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP, Chính phủ đề nghị giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP tại địa phương.

Liên quan đến việc sử dụng vốn Nhà nước trong dự án PPP, một số đại biểu Quốc hội cho rằng nên bổ sung quy định về mức trần của phần vốn nhà nước trong dự án PPP; đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét lại quy định về lập kế hoạch vốn đầu tư công cho dự án PPP theo hướng có một dòng ngân sách riêng cho mục tiêu này.

Tuy nhiên, Chính phủ kiến nghị giữ nguyên như dự thảo luật, đó là việc quản lý và sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công sẽ được thực hiện theo một trong các cách thức sau: Tách thành một dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP và giải ngân cho doanh nghiệp dự án PPP theo hạng mục cụ thể, tỷ lệ, giá trị, tiến độ và điều kiện quy định tại hợp đồng.

Bên cạnh dự án Luật PPP, tại phiên họp này Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Sau kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, các dự án luật này đều đã được tiếp thu, chỉnh lý thêm trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, song đến nay vẫn còn một số vấn đề chưa đi đến thống nhất.

Chẳng hạn ở dự án Luật Doanh nghiệp, Chính phủ muốn giữ quy định về hộ kinh doanh, nhưng Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần tách thành một luật riêng. 

Còn ở Luật Đầu tư thì Chính phủ kiên trì cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhưng Ủy ban Kinh tế cũng giữ quan điểm không nên cấm mà nên quản lý chặt chẽ hơn.

Ngoài ba luật trên, nhiều dự án luật khác cũng sẽ được đặt lên bàn nghị sự tại phiên họp 43, như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Luật Biên phòng Việt Nam...

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 - 2020; việc điều chuyển một phần nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế sang Tổng cục Dự trữ nhà nước, Ủy ban chứng khoán nhà nước và Học viện Tài chính.

Tin liên quan
Tin khác