Thủy sản Hùng Vương đặt mục tiêu đạt doanh thu 4.000 tỷ đồng trong năm nay. |
Hồ sơ hơn 62.000 trang
Nếu có thể xuất cá tra sang Mỹ với thuế 0% hoặc dưới 20 UScent/kg, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Công ty cổ phần Hùng Vương đưa ra 3 khẳng định đáng chú ý:
Thứ nhất, doanh thu xuất khẩu cá tra sẽ đạt trên 300 triệu USD, góp phần đưa tổng doanh thu của Công ty có thể đạt 8.000 - 10.000 tỷ đồng trong năm nay.
Thứ hai, Hùng Vương sẽ mua lại 38% cổ phần Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng mà Công ty đã bán cho Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp - VINECO (một công ty con của Tập đoàn Vingroup), với giá 520 tỷ đồng từ năm 2018.
Thứ ba, thay vì tiếp tục kiêm chức Chủ tịch/Tổng giám đốc, ông Dương Ngọc Minh sẽ rời bộ máy quản trị Hùng Vương từ năm 2021.
Ông Dương Ngọc Minh dự tính, 80% lượng cá tra của Hùng Vương xuất sang Mỹ có thể hưởng thuế suất 0% hoặc dưới 20 UScent/kg. 20% còn lại phụ thuộc vào mối quan hệ chính trị giữa hai nước.
“Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp diễn ra tại Hà Nội cho thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ. Nếu có mức thuế chấp nhận được là dưới 20 UScent/kg, thì chỉ cần 1 - 2 năm để Hùng Vương phục hồi, trở thành một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam, với trên 40% thị phần cá tra nhập vào Mỹ”, ông Dương Ngọc Minh kỳ vọng. Theo ông Minh, nếu kết quả tốt đẹp thì đây có thể trở thành bước ngoặt để định hình lại kế hoạch phát triển lâu dài cho “vua” cá tra một thời.
Chủ tịch Hùng Vương trấn an cổ đông trong buổi họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 vừa diễn ra tại TP.HCM với khẳng định, với Hùng Vương, không có từ “phá sản” và không có từ “không cân đối được”, bởi “đến năm 2020, Hùng Vương sẽ quay về đỉnh của ngành thủy sản Việt Nam”.
Theo lời ông Minh, trong những ngày làm việc cật lực để chuẩn bị bộ hồ sơ, tài liệu cho POR14 với hơn 62.000 trang, có thời điểm lên 300 người (5 luật sư, 4 công ty kiểm toán, 1 công ty phân tích tài chính lớn nhất ở Mỹ…).
“Chúng tôi còn phải thuê 62 sinh viên ngoại ngữ để hỗ trợ dịch hồ sơ. Khi hoàn thành, hơn 62.000 trang đó phải chia thành 5 file mới có thể gửi. Thực sự là đội ngũ Hùng Vương đã tập trung hết sức”, ông Dương Ngọc Minh nói.
Cũng theo ông Minh, Công ty đã chi gần 2 triệu USD cho mọi chi phí trong đợt POR14 lần này và “nín thở” chờ kết quả được công bố vào sáng thứ Bảy (ngày 20/4/2019).
Sẽ mua lại những tài sản đã bán
Ông Minh cho biết, khi đạt được thuế suất như kỳ vọng, ông sẽ trực tiếp gặp người đứng đầu Vingroup vào đầu năm 2020 để đàm phán mua lại số cổ phần Việt Thắng đã chuyển nhượng theo thỏa thuận ban đầu đề ra.
“Tôi sẽ trả lại tiền cho Vingroup và chỉ tính theo lãi suất ngân hàng”, ông Minh nói về cổ phần Việt Thắng như tài sản được Hùng Vương cầm cố tại Vingroup để có tiền cân đối tài chính.
Chủ tịch Hùng Vương thừa nhận, Công ty đang gặp rắc rối trong mảng chăn nuôi lợn, bởi gặp trắc trở trong bài toán tài chính. Tính toán của ông Minh cho thấy, theo kế hoạch ban đầu, Công ty cần 700 tỷ đồng để đầu tư vào mảng này, trong khi hiện mới vay được 100 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty cần đến 1.200 tỷ đồng để hoàn chỉnh tất thảy mọi công đoạn trong chuỗi giá trị.
“Lẽ ra năm nay, Hùng Vương sẽ thu lợi lớn, nhưng mảng này đang gặp rắc rối. Các dự án còn dở dang, nên muốn thì cũng phải xây nhà xong mới có thể bán”, ông Minh nói.
Nếu Bộ Thương mại Mỹ giữ nguyên thuế chống bán phá giá ở mức 0% cho Hùng Vương trong kết quả cuối cùng, thì đó sẽ là “phán quyết” quan trọng nhất để “vua cá tra” có thể thực hiện mọi hứa hẹn với các cổ đông, trước mắt là mức cổ tức tối thiểu 20% cho năm 2020.
Năm 2019, Hùng Vương đưa ra kịch bản “xấu nhất” là có 120.000 tấn cá tra nguyên liệu với một nửa sản lượng được xuất khẩu. Hiện tại, Công ty đã đủ nguyên liệu sản xuất đến tháng 7/2019.
Năm 2018, Hùng Vương bắt đầu có lãi sau chuỗi ngày chật vật trong thua lỗ 2 năm liên tiếp (từ năm 2016). Nhưng theo ông Minh, không một công nhân nào đang làm việc lại không tự hào về Hùng Vương. Công ty thưởng bình quân 7,5 triệu đồng/công nhân trong đợt Tết Nguyên đán vừa rồi.
“Công ty khai Xuân từ mùng 8 tháng Tết, nhưng không công nhân nào vắng mặt. Còn công nhân như còn rừng để lấy củi, nếu không thì dù POR14 có thuận lợi đến mấy cũng không thể phục hồi. Tôi cũng rất cay đắng khi giá cá tra lên đỉnh điểm, Hùng Vương có diện tích nuôi trồng lớn nhất nước, song đã đánh mất quá nhiều cơ hội”, Chủ tịch Dương Ngọc Minh ngậm ngùi.
Kết quả POR14 tốt đẹp sẽ là cơ hội để Hùng Vương giữ niềm tin của cổ đông, của thị trường và của chính những cá nhân đưa ra cam kết này.