Doanh nghiệp
Thủy sản Hùng Vương “đi ngược chiều”
Kỳ Thành - 22/01/2018 10:17
Trong bối cảnh ngành thủy sản Việt Nam tăng trưởng mạnh cả về sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu, các doanh nghiệp thủy sản liên tục báo lãi vượt kế hoạch thì “vua cá tra” Hùng Vương đang đi ngược chiều khi lợi nhuận sụt giảm mạnh.
Diễn biến “đi ngược chiều” của HVG so với các doanh nghiệp cùng ngành thủy sản khiến giá cổ phiếu HVG bị ghim xuống dưới mệnh giá.

Những khoản lỗ bất ngờ

CTCP Hùng Vương (mã HVG) tuần qua đã có văn bản giải trình nguyên nhân lỗ lũy kế năm tài chính 2016 - 2017 (1/10/2016 - 30/9/2017) sau kiểm toán tăng tới 642 tỷ đồng so với báo cáo công ty tự lập trước đó. Theo giải trình, nguyên nhân lỗ là do chi phí quản lý doanh nghiệp bị điều chỉnh tăng 544,75 tỷ đồng, bao gồm các khoản điều chỉnh tăng trích lập dự phòng của công ty mẹ và các công ty con gồm CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (mã AGF), CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (mã VTF).

Đồng thời, AGF cũng công bố báo cáo tài chính sau kiểm toán với khoản lỗ ròng lên tới 187 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập trước đó lãi 4 tỷ đồng. Các thông tin này đã tác động tiêu cực lên cả 2 cổ phiếu HVG và AGF, khi cả 2 cổ phiếu này đã có những phiên giảm sàn ngay sau khi thông tin này được công bố và hiện đều giao dịch dưới mệnh giá.

Có thể nói, tình trạng “bất ngờ” lỗ ở các doanh nghiệp thủy sản diễn ra phổ biến trong những năm trở lại đây.

Trước đó, năm 2016, CTCP Ntaco (mã ATA) cũng từng gây “choáng váng” cho các cổ đông khi bất ngờ công bố Báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2015, với khoản lỗ 426 tỷ đồng, trong khi trước đó, Công ty công bố lãi 30 tỷ đồng trong báo cáo tài chính tự lập. Theo Báo cáo sau kiểm toán, khoản hàng tồn kho gần 400 tỷ đồng hồi đầu năm đã “bốc hơi” hoàn toàn về số 0, thay vào đó là khoản chi phí khác bỗng dưng tăng từ gần 68 tỷ đồng lên trên 407 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng từ 32 tỷ đồng lên 116 tỷ đồng.

Hay một trường hợp khác cũng “bỗng dưng” lỗ vì xử lý hàng kém phẩm chất là CTCP Thủy hải sản Việt Nhật (mã VNH) - nay là CTCP Đầu tư Việt Việt Nhật. Năm 2012, VN lỗ ròng 9,6 tỷ đồng với nguyên nhân chính là xử lý hàng kém phẩm chất trị giá 11,5 tỷ đồng. Với “điệp khúc” này, trong năm 2013 và 2014, VNH tiếp tục xử lý hàng kém phẩm chất trị giá lần lượt là 38,3 tỷ đồng và 34 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng việc đánh giá lại hàng tồn kho, trong 3 năm liên tiếp, từ 2012 - 2014, khoản lỗ VNH tới 83,8 tỷ đồng.

Nguyên nhân do đâu?

Trong những trường hợp vừa nêu, khoản lỗ bất ngờ tại ATA hay VNH đã dần được Hội đồng Quản trị mới làm sáng tỏ và có các biện pháp xử lý như tái cấu trúc doanh nghiệp, làm rõ trách nhiệm của Ban lãnh đạo thời kỳ trước và yêu cầu bồi thường, khắc phục, xóa sổ các công nợ phải thu không có thực…

Việc “vua cá tra” Hùng Vương công bố khoản lỗ tăng thêm 642 tỷ đồng, khiến các cổ đông và nhà đầu tư đặt nhiều dấu hỏi.

Nhưng trường hợp của HVG lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, sản lượng ngành đạt giá trị cao, ngành thủy sản đã hoàn thành vượt mức kế hoạch xuất khẩu, kim ngạch đạt 8,3 tỷ USD. Các doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực thủy sản như CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC), CTCP Nam Việt (mã ANV) hay CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) - doanh nghiệp từng là công ty con của HVG, đều có những kết quả kinh doanh khả quan, cùng thị giá cổ phiếu tăng đều đặn.

Ngay cả CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC) - vua tôm một thời cũng dần lấy lại phong độ sau giai đoạn sụt giảm 2015 - 2016, khi lợi nhuận 10 tháng của năm 2017 đạt 558 tỷ đồng, tiến gần tới kế hoạch lợi nhuận 800 tỷ đồng của năm 2017.

Trong bối cảnh đó, việc “vua cá tra” Hùng Vương công bố báo cáo tài chính sau kiểm toán với khoản lỗ tăng thêm 642 tỷ đồng, khiến các cổ đông và nhà đầu tư đặt nhiều dấu hỏi nghi vấn, liệu số lỗ của HVG chỉ là “thủ thuật” kế toán?.

Trong quý I của năm tài chính 2017 - 2018 (1/10/2017 - 31/12/2018), HVG đã hoàn tất thương vụ thoái vốn, dự kiến đem lại lợi nhuận trước thuế hơn 440 tỷ đồng. Trong quý II, HVG sẽ thoái vốn tại Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng với tỷ lệ trên 50% từ tỷ lệ đang nắm giữ hiện nay là 90,38%.

Bên cạnh đó, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc HVG từng chia sẻ, năm 2018, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi là nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra và sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. Điều này cho thấy những động thái gần đây nằm trong kế hoạch tái cơ cấu toàn diện của HVG.

Đáng chú ý, khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng của HVG đều là các khoản trích lập dự phòng và hoàn toàn có khả năng hoàn nhập dự phòng để ghi nhận lãi trong năm tài chính sau đó. Đây được xem là một nghiệp vụ kế toán đơn giản.

Trong khi đó, theo Báo cáo tài chính sau kiểm toán của HVG, thương vụ bán cổ phần VTF đang được HVG “thống nhất các điều khoản trong hợp đồng chuyển nhượng với đối tác để hoàn tất việc thanh lý khoản đầu tư này”. VTF từng được Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) chào mua với giá 250 triệu USD, nhưng ông Dương Ngọc Minh chê rẻ. Do đó, chắc chắn giá chuyển nhượng của thương vụ bán 50% vốn VTF của HVG sẽ có giá trị cao hơn giá mà CJ đưa ra, đem lại khoản lợi nhuận cực lớn cho HVG.

Do đó, diễn biến “đi ngược chiều” của HVG so với các doanh nghiệp cùng ngành thủy sản khiến giá cổ phiếu HVG bị ghim xuống dưới mệnh giá trong thời gian qua rất có thể nằm trong tính toán của ông Dương Ngọc Minh - người đang nắm giữ tỷ lệ cổ phần lớn nhất tại HVG.

Tin liên quan
Tin khác