Lợi nhuận đi lùi năm 2023 và cổ tức dự kiến lên 50% đến 70%
Trong năm 2023, Thủy sản Minh Phú đặt kế hoạch doanh thu 12.789,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 639,3 tỷ đồng. Như vậy, ước tính lợi nhuận năm 2023 sẽ giảm 23,2% so với thực hiện năm 2022.
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Thủy sản Minh Phú (Nguồn: MPC) |
Được biết, trong năm 2022, Thủy sản Minh Phú ghi nhận doanh thu đạt 16.425 tỷ đồng, hoàn thành 86,62% so với kế hoạch và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 832,18 tỷ đồng, hoàn thành 65,71% so với kế hoạch năm 2022.
Về kế hoạch tương lai, Thủy sản Minh Phú cho biết, nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, Tập đoàn đặt chiến lược trọng tâm phấn đấu đến năm 2030 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ấn Độ và phấn đấu đến năm 2035 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng với Ecuador. Công ty cũng đưa ra 3 giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, gia hoá cải thiện di truyền tôm bố mẹ sú và tôm bố mẹ thẻ chân trứng để tạo ra tôm giống có khả năng chống chịu tốt và thích ứng tốt với dịch bệnh, thời tiết, khí hậu và môi trường của Việt Nam.
Thứ hai, sản xuất ra tôm giống chất lượng cao kháng bệnh và thích nghi với thời tiết khí hậu, môi trường Việt Nam đưa tỷ lệ thành công của ngành nuôi tôm Việt Nam đến năm 2030 đạt trên 60% và đến năm 2035 đạt trên 80%.
Thứ ba, hoàn thiện các mô hình nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú - lúa, tôm thẻ chân trắng thâm canh và tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao phù hợp với từng vùng miền với giá thành thấp bằng Ấn Độ từ năm 2030 và bằng Ecuado từ năm 2035.
Về cổ tức, năm 2022, Thủy sản Minh Phú trình cổ đông kế hoạch chia trả cổ tức với tỷ lệ từ 20% đến 30% lợi nhuận sau thuế hợp nhất chưa phân phối tại thời điểm ngày 31/12/2022, tương đương khoảng 411 đồng đến 617 đồng/cổ phiếu và dự kiến thực hiện trong năm 2023.
Công ty sẽ uỷ quyền cho Hội đồng quản trị lựa chọn tỷ lệ chi trả cụ thể trong khoảng phê duyệt và thời gian cụ thể.
Bước sang năm 2023, mức cổ tức dự kiến từ 50% đến 70%.
Lợi nhuận lao dốc trong quý đầu năm 2023
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2023, Thủy sản Minh Phú ghi nhận doanh thu đạt 2.122,57 tỷ đồng, giảm 49,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 98,28 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 91,18 tỷ đồng, tức giảm 189,46 tỷ đồng.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 75% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 368,93 tỷ đồng, về 122,85 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 96,1%, tương ứng tăng thêm 18,47 tỷ đồng, lên 37,69 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 68%, tương ứng tăng thêm 21,81 tỷ đồng, lên 53,88 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 47,3%, tương ứng giảm 180,2 tỷ đồng, về 200,58 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, trong kỳ mặc dù đã tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, nhưng do lợi nhuận gộp giảm mạnh, điều này dẫn tới Công ty vẫn ghi nhận âm trong quý đầu năm 2023.
Lý giải kết quả kinh doanh suy giảm, Thủy sản Minh Phú cho biết do doanh thu bán hàng trong kỳ giảm. Ngoài ra, kết quả sản xuất kinh doanh của các Công ty nuôi tôm thương phẩm Minh Phú Lộc An, Minh Phú Kiên Giang và Công ty sản xuất tôm giống Minh Phú Ninh Thuận không có hiệu quả.
Ngoài ra, theo dữ liệu thống kê trên iBoard của Chứng khoán SSI, từ khi niêm yết năm 2017 tới nay, Thủy sản Minh Phú chưa thua lỗ trong một quý nào. Như vậy, đây là quý lỗ đầu tiên kể từ năm 2017 tới nay.
Bên cạnh kết quả kinh doanh suy giảm, trong quý I/2023, Thủy sản Minh Phú vẫn duy trì dòng tiền tài chính dương 245,23 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 396,86 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 109,77 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 831,8 tỷ đồng, chủ yếu giảm nợ vay.
Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của Thủy sản Minh Phú giảm 10,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.135,5 tỷ đồng, về 9.502,3 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 4.740,7 tỷ đồng, chiếm 49,9% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 1.581,6 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.342,2 tỷ đồng, chiếm 14,1% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 1.058,6 tỷ đồng, chiếm 11,1% tổng tài sản.
Trong kỳ, tài sản biến động chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn giảm 12,2% so với đầu năm, tương ứng giảm 185,7 tỷ đồng, về 1.342,2 tỷ đồng; tồn kho giảm 6,1% so với đầu năm, tương ứng giảm 306,6 tỷ đồng, về 4.740,7 tỷ đồng; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 76,9% so với đầu năm, tương ứng giảm 682,48 tỷ đồng, về 205,44 tỷ đồng.
Thủy sản Minh Phú có thuyết minh tồn kho chủ yếu 4.537,9 tỷ đồng thành phẩm, hàng hóa; 130,4 tỷ đồng sản phẩm dở dang; 125,2 tỷ đồng nguyên vật liệu; và 23,33 tỷ đồng là công cụ, dụng cụ. Trong đó, tồn kho giảm chủ yếu do thành phẩm và hàng hóa giảm.
Điểm đáng lưu ý, tính tới cuối quý I/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn giảm 21,5% so với đầu năm, tương ứng giảm 842,6 tỷ đồng, về 3.074,7 tỷ đồng và chiếm 32,4% tổng nguồn vốn (đầu năm chiếm 36,8% tổng nguồn vốn).
Đóng cửa phiên giao dịch sáng ngày 5/6, cổ phiếu MPC tăng 400 đồng lên 17.800 đồng/cổ phiếu.