Thời sự
Thủy sản Việt Nam chưa có chiến lược phát triển dài hạn mang tính bền vững
Hồng Phúc - 22/12/2020 15:39
Đây là đánh giá chung của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tại Đại hội nhiệm kỳ VI (2020 - 2025) được tổ chức sáng nay, tại TP.HCM.

Gỡ thẻ vàng IUU: 3 năm qua mới làm bề nổi

Việc Việt Nam liên tục ký kết những Hiệp định thương mại tự do buộc ngành thủy sản Việt Nam phải tự hoàn thiện, thích ứng với các điều kiện kinh doanh thế giới và đáp ứng được các yêu cầu về kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản. 

Nhìn lại năm 2019 – 2020 là thời điểm ngành thủy sản Việt Nam lại phải liên tiếp đối mặt với những khó khăn mới những tác động từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid19 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Về từng ngành, ngành cá tra đã thực hiện chuỗi khép kín từ nuôi trồng đến chế biến theo các tiêu chuẩn quốc tế. 

Ngành tôm cũng đang có xu hướng hoàn thiện quy trình khép kín, đảm bảo truy xuất nguồn gốc bên cạnh đó ngành khai thác biển cũng dần đi theo các tiêu chuẩn, quy định của thị trường xuất khẩu. 

Nhưng ngành thủy sản nói chung bắt đầu bộc lộ những thiếu sót trong công tác quản lý chuỗi từ việc bôi nhọ hình ảnh cá tra Việt Nam tại thị trường EU, thẻ vàng IUU của EC cho hải sản và chương trình SIMP cho ngành tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. 

“Trong 3 năm qua, chúng ta mới làm mặt bề nổi trong khi tận cùng của vấn đề gỡ thẻ vàng IUU cần giải quyết nằm ở khâu đánh bắt, truy xuất nguồn gốc,...Cần có sự kiên quyết, cam kết của Chính phủ thì chúng ta mới lấy lại được ‘thẻ xanh’”, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP nhiệm kỳ 5 đánh giá.  

Bà Nguyễn Thu Sắc (áo xanh) trao đổi với phóng viên bên lề một sự kiện (Ảnh: Forbes Việt Nam).

Năm nay, ước tính xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ đạt khoảng 8,6 tỷ USD, tương đương với năm 2019. 

So với năm 2015, xuất khẩu thủy sản năm 2020 tăng 30,6%. Trong đó, có 3,2 tỷ USD đến từ hải sản. 

Bà Thu Sắc hiện cũng là Tổng giám đốc Công Ty TNHH Hải đánh giá, ngành hải sản có sự tham gia rất nhiều doanh nghiệp quy siêu nhỏ, nhỏ đang bị vướng vào ‘thẻ vàng’ IUU cho mục tiêu tăng trưởng. 

Từ 2017 đến nay, vấn đề lớn nhất của ngành này vẫn là tàu đánh bắt vi phạm quy định.  Nếu vấn đề này còn tiếp tục thì việc chuyển từ ‘thẻ vàng’ sang ‘thẻ xanh’ là rất khó. 

Thêm vào đó, lao động trong ngành khai thác thuỷ hải sản vẫn còn tình trạng trẻ em dưới tuổi lao động tham gia, phần vì tàu đánh bắt của gia đình. 

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch VASEP, Chính phủ cần quan tâm hơn đến mắt xích quan trọng sau đánh bắt là các cảng cá, cơ sở hậu cần. 

“Hiện tất cả các cảng cá, cơ sở hậu cần còn manh mún, yếu kém. Hy vọng Chính phủ có cam kết lộ trình rõ ràng để lấy lại thẻ xanh, đặc biệt trước cơ hội tận dụng EVFTA. Cùng với đó là tập trung, quan tâm nhiều hơn cơ sở hạ tầng sau đánh bắt. Muốn phát triển bền vững nghề đánh bắt chắc chắn phải có hệ thống báo cáo, minh bạch thông tin”, bà Thu Sắc chia sẻ.

Bộc lộ sự kém bền vững trong các năm 2019 - 2020

Khi Việt Nam vào tốp 4 quốc gia cung cấp thủy sản hàng đầu cho thế giới thì sự hội nhập toàn cầu của ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản diễn ra nhanh chóng và sâu rộng hơn.

Điều này đưa đến sự đào thải khốc liệt và sự tái cấu trúc mạnh mẽ để thích nghi với môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn. 

Thước đo sự phát triển của ngành không những là con số xuất khẩu tăng giảm mà còn được đánh giá dựa trên sự hoàn thiện chuỗi cung ứng và mức lợi nhuận trên toàn chuỗi giá trị. 

Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP nhiệm kỳ 5, dù xuất khẩu thuỷ sản năm 2018 đạt 9 tỷ USD thể hiện ngành thủy sản Việt Nam đã bắt đầu trưởng thành và hoàn thiện hơn trong cả chuỗi cung ứng. 

Nhưng thực chất, ngành thủy sản Việt Nam chưa có chiến lược phát triển dài hạn mang tính bền vững. 

Nông dân cho cá tra ăn tại vùng nuôi ở tỉnh An Giang (Ảnh minh hoạ: Lê Toàn).

Những rủi ro tiềm ẩn từ các thách thức trong và ngoài nước dần lộ rõ hơn trong năm 2019 – 2020 đã bộc lộ sự kém bền vững khi ngành thủy sản phải đối mặt với các tác động từ thị trường, biến đổi thời tiết, dịch bệnh đặc biệt là đợt dịch bệnh Covid19 vừa qua cho thấy ngành thủy sản Việt Nam còn nhiều hạn chế. 

Cụ thể trong 9 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản đạt 6,023 tỷ USD giảm 3,6% so cùng kỳ 2019.

Dịch Covid-19 cũng tạo nên sự khác biệt về xu hướng xuất khẩu các sản phẩm chính trong năm 2020 khi tôm tăng, cá tra và một số sản phẩm hải sản giảm.

Nguyên do, dịch bệnh Covid làm thay đổi xu hướng tiêu thụ ở các thị trường, giảm tiêu thụ các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, tăng tiêu thụ tại các siêu thị, các kênh bán lẻ.

Cùng với đó, ảnh hưởng liên đới từ đại dịch khiến chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có thủy sản đứt gãy.

Nuôi trồng và khai thác thủy sản đều bị ảnh hưởng.

Có những giai đoạn (như từ tháng 3 đến tháng 5), sản phẩm nuôi như tôm và cá tra không xuất được, lượng tồn kho tăng nhưng hệ thống kho lạnh ở Việt Nam không đủ, thuê kho giá cao. Khai thác hải sản khó khăn, kéo sản lượng giảm. 

Trong những năm gần đây các công ty phải nhập khẩu các sản phẩm biển từ các nước láng giềng nhưng năm nay cũng bị giảm nhập vì dịch Covid-19 ảnh hưởng sản lượng và vận tải của các nước.

Tại Việt Nam, dù dịch bệnh Covid-19 không nghiêm trọng như các nước khác trên thế giới, nhưng cũng khiến cho thị trường lao động xáo trộn. 

Lao động trong nhà máy chế biến thủy sản có tính đặc thù, làm việc theo dây chuyền nên khi dịch cao điểm các nhà máy phải cho công nhân nghỉ, nhưng khi dịch lắng xuống doanh nghiệp lại bị thiếu lao động. 

Ngoài ra, các chi phí trong chuỗi sản xuất đều tăng, nhất là cước vận tải.

Trong tình hình đó, dù rất nỗ lực và linh hoạt trong việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm và thị trường thì nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn cũng khó khăn về tài chính, các doanh nghiệp nhỏ thực sự khó khăn vì thiếu vốn, nợ ngân hàng.

Tựu chung, thiếu nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu, giá thành sản xuất các mặt hàng nuôi trồng chủ lực còn cao so với các quốc gia có mặt hàng cạnh tranh, thiếu lao động và khó khăn về nguồn nhân lực, không ít doanh nghiệp và chuỗi sản xuất bị suy yếu sau tác động nhiều tháng “đứt sản xuất, đứt dòng tiền, đứt khách hàng” của đại dịch Covid,...là những thách thức nội tại của ngành thuỷ sản Việt Nam.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Ảnh: Đức Thanh).

Thị trường Trung Quốc tiềm năng nhưng cần có chiến lược dài hạn

Năm 2021, một khi dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế thế giới nói chung, đặc biệt là khu vực EU và một số quốc gia trong vùng nói riêng, được dự báo sẽ từng bước tăng trưởng trở lại.

Nhưng không chắc chắn và tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 có thể kéo dài sang năm 2022 và 2023.

Các rào cản như thuế chống bán phá giá tôm và cá tra tại thị trường Mỹ chưa có dấu hiệu sẽ được chấm dứt trong 5 năm tới.

Cũng như thẻ vàng IUU, trong bối cảnh thực tại, dù Chính phủ và các cơ quan quản lý ngành cũng như doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân đang rất nỗ lực khắc phục nhưng khó có thể giải quyết nhanh một sớm một chiều. 

Việt Nam hy vọng EU ghi nhận những nỗ lực cải thiện để không phạt thẻ đỏ IUU đối với ngành khai thác và hải sản xuất khẩu của Việt Nam. 

Khi đó, những ưu đãi từ EVFTA mới có thể phát huy tốt, hiệu quả cho ngành thủy sản Việt Nam.

Về thị trường nhập khẩu, ông Trương Đình Hoè nhắc đến nhu cầu tiêu thụ thuỷ hải sản tại Trung Quốc sẽ ngày càng tăng.

Nhưng, đồng thời sẽ siết chặt kiểm tra thủy sản nhập khẩu, nhất là sau khi xảy ra dịch Covid-19 và quốc gia này đã công bố có một số lô thủy sản nhập khẩu từ một số nước có dấu vết virus Corona trên bao bì sản phẩm.  

Dự báo xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam năm 2021 (Nguồn: VASEP).

Vai trò của thị trường Trung Quốc với ngành thuỷ sản Việt Nam nói riêng đã hiện diện ngày càng rõ rệt.

"Tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc ngày càng gia tăng được cho là cơ hội xuất khẩu các mặt hàng có giá trị cao trong ngành thuỷ sản nói riêng từ Việt Nam.

Nhưng, nếu không muốn bị lệ thuộc hoàn toàn, cần có chiến lược lâu dài để vừa đạt được tỷ lệ trên 40% mà vẫn đảm bảo giá trị bền vững", ông Trương Đình Hoè chia sẻ.

Đặc biệt trong 5 năm qua như tốp 6 thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam gồm EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 81- 85% tổng giá trị nhập khẩu tôm. 

Từ năm 2017, Mỹ và EU hoán đổi vị trí cho nhau vì xuất khẩu tôm sang Mỹ sụt giảm liên tục và giảm mạnh hơn thị trường EU. 

Trong giai đoạn này, xuất khẩu sang Trung Quốc đột phá mạnh nhất với tăng trưởng trung bình năm là 16% và sau 5 năm tăng trên 55%. 

Cùng với đó, tốp 10 thị trường xuất khẩu cá tra trong giai đoạn 5 năm này không nhiều thay đổi. 

Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông gây ấn tượng mạnh mẽ nhất khi năm 2019, giá trị xuất khẩu đạt hơn 410 triệu USD, tăng hơn 263% so với năm 2015.

Còn trong 11 tháng năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông đạt gần 386 triệu USD, chiếm tới 34,4% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.

Tin liên quan
Tin khác