Đứng mũi chịu sào
Cho tới thời điểm này, nửa tháng sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, những phân vân liên quan đến cách thực thi trực tiếp các điều khoản của luật này vẫn còn. Hàng loạt câu hỏi từ các cơ quan đăng ký kinh doanh và các doanh nghiệp liên tiếp gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Phần nhiều nội dung trong các câu hỏi đã được quy định rõ trong luật và sẽ không có hướng dẫn thêm.
“Luật Doanh nghiệp được xây dựng trên tư duy chi tiết các điều khoản để các đối tượng được điều chỉnh thực hiện được ngay. Chỉ một số ít điều khoản cần có nghị định hướng dẫn. Các cơ quan quản lý nhà nước và cả doanh nghiệp phải thay đổi tư duy trong thực thi luật, không thể kéo dài cách làm đợi nghị định, thông tư mới thực thi luật như lâu nay”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông thẳng thắn yêu cầu. Ông Đông cũng cho rằng, nếu cơ quan đăng ký kinh doanh, đầu tư nào chần chừ trong thực hiện, thì đó là làm chưa hết trách nhiệm của mình.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang có những thông điệp quyết liệt, quyết tâm chính trị cao trong đổi mới |
Thực ra, không dễ để xoay chuyển những thói quen đã ăn sâu vào tư duy, nếp nghĩ của không chỉ giới công chức, mà cả người kinh doanh.
Ví dụ đơn giản, không ít doanh nghiệp hào hứng khi dự thảo Luật Doanh nghiệp đưa ra nội dung doanh nghiệp có quyền tự quyết với con dấu của mình, thậm chí còn hào hứng chờ đợi việc bỏ con dấu doanh nghiệp…, nhưng chính doanh nghiệp đó hiện giờ lưỡng lự trong thực hiện. Trong số doanh nghiệp đã khắc dấu, hiếm doanh nghiệp tự thiết kế mẫu dấu mang tính biểu trưng của mình, đa phần giữ như thiết kế tiêu chuẩn hiện tại. Một vài doanh nghiệp thử “đột phá” bằng cách nới kích cỡ dấu lớn hơn vài li…
Tình thế Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp nhận đứng mũi chịu sào, chủ trì trong nỗ lực hiện thực hóa tư duy người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, công chức được làm những gì pháp luật cho phép của thời Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 và đặc biệt là của thời Luật Doanh nghiệp 1999 tái hiện. Các bộ phận liên quan đến thực thi luật này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư “trực chiến” 24/24 giờ, không có giờ nghỉ.
“Chúng tôi sẵn sàng trả lời thắc mắc của các địa phương, doanh nghiệp để đảm bảo tinh thần của Luật Doanh nghiệp đến được tới từng đối tượng chịu tác động”, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói. Đặc biệt, người thư ký Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp trước kia và Dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Doanh nghiệp đang cùng đồng sự tuyên truyền, giới thiệu các điều khoản của Luật tới từng doanh nghiệp. “Chúng tôi muốn doanh nghiệp phải thấy được quyền lợi thực thi theo luật của mình, đừng tự trói buộc mình bằng việc không nắm rõ luật”, ông Hiếu nói.
“Thuyết khách” của đổi mới
15 năm trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là người thuyết khách kiên trì để bảo vệ tư duy mang tính cách mạng về quyền tự do kinh doanh của người dân của Luật Doanh nghiệp 1999.
Thậm chí, những người trong cuộc nhớ lại, nhiều lúc có cảm giác như đang ở một bên chiến tuyến mà bên kia là các bộ, ngành còn lại. Bởi Luật Doanh nghiệp qua các năm không chỉ gây tiếng vang từ các nội dung cải cách, mà còn ở cách thức soạn thảo dân chủ, huy động sự tham gia của đông đảo các bên liên quan trong xây dựng và thực thi luật.
Khi có sự tham gia nhiều hơn của đối tượng điều chỉnh, ở đây là các doanh nghiệp, thì quyền lợi của các cơ quan quản lý nhà nước đương nhiên sẽ phải được đặt đúng trong mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Khá nhiều quyền lợi của các cơ quan quản lý nhà nước bị Luật Doanh nghiệp cắt bỏ, cụ thể chính là sự chặt chẽ, tiết giảm ngày càng tối thiểu của ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Ông Vũ Quốc Tuấn, chuyên gia kinh tế Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, từng là người của Bộ Kế hoạch và Đầu tư những năm 80 của thế kỷ trước, còn gọi quá trình này là cuộc đấu tranh gay go giữa cái cũ và cái mới, giữa cải cách và bảo thủ, giữa xu thế từ bỏ cơ chế “xin-cho” và khuynh hướng duy trì cơ chế đó.
Nhìn lại, có một điểm chung khá ấn tượng trong các vị bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư qua nhiều thời kỳ, từ ông Đỗ Quốc Sam đến ông Võ Hồng Phúc và hiện tại là ông Bùi Quang Vinh đó là, họ là những thuyết khách nhiệt tâm bảo vệ quan điểm Việt Nam cần một môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch với các bộ, ngành, địa phương, với lãnh đạo Chính phủ và Quốc hội. “Cuộc chiến” với giấy phép con, yêu cầu thay đổi quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại, buộc doanh nghiệp nhà nước vào kỷ luật thị trường, chấm dứt tình trạng dàn trải, lãng phí trong đầu tư công, cũng như các giải pháp để nâng chất dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chấm dứt tình trạng cạnh tranh bằng trải thảm ưu đãi đầu tư giữa các địa phương… đều được đề xướng và chủ trì thực hiện từ các đơn vị của Bộ trước khi lan rộng trên toàn quốc.
Chính quyết tâm của cơ quan tham mưu cho đổi mới là Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có được sự ủng hộ của các lãnh đạo cấp cao nhất trong Đảng, Chính phủ, sự bùng nổ của khu vực doanh nhân được châm ngòi. Chỉ trong vòng 1 năm, số doanh nghiệp tư nhân thành lập mới đã bằng 10 năm trước đó, đang ở mức 500.000 doanh nghiệp. Nhiều trong số này đã trở thành doanh nghiệp sở hữu những thương hiệu, sản phẩm “made in Vietnam” uy tín trên thị trường quốc tế.
Hiện tại, công việc thuyết khách dường như vẫn chưa thể chấm dứt khi các bộ luật với những tư tưởng cải cách mới như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Hợp tác xã, Luật Đấu thầu đang ở trong giai đoạn đầu thực thi. Tới đây là Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao chủ trì soạn thảo sẽ khởi xướng những tư tưởng cải cách, phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện đại mà Việt Nam đang theo đuổi.
Nhưng, như nhiều lần Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã chia sẻ với cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, rằng đã xác định là người tiên phong của đổi mới thì sẽ phải chấp nhận đối mặt với những thách thức, khó khăn của người đi đầu…
Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH
Luật Doanh nghiệp đã thực sự là một bước đột phá trong thể chế kinh tế.
- Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải
“… Nếu Khoán 10 trước đây đã giải phóng lực lượng sản xuất trong nông thôn, nông nghiệp và khẳng định vai trò của hộ gia đình gắn với các hình thức hợp tác có tác dụng to lớn biến nước ta từ một nước nhập khẩu lương thực trở thành một nước thừa lương thực và xuất khẩu lương thực đứng thứ hai trên thế giới, thì Luật Doanh nghiệp đã thực sự là một bước đột phá trong thể chế kinh tế, giải phóng lực lượng sản xuất ở vùng đô thị, phát triển các loại hình doanh nghiệp dân doanh…”.
(Trích phát biểu kết thúc Hội nghị gặp Doanh nghiệp ngày 13-14/9/2001 tại Hà Nội)
Cần tăng cường phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ngành, địa phương chặt chẽ hơn.
- Ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trong không khí đổi mới tư duy, đang có nhiều ý kiến, tư tưởng mới từ các cục, vụ, viện trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Có thể nhắc tới những chuyên đề về cải cách thể chế, kinh tế thị trường của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện Chiến lược, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)… Dù các nghiên cứu này chưa thực sự đặt ra hết các vấn đề, nhưng đã có những tác động tích cực với đổi mới.
Tuy nhiên, để tiếp tục giữ vai trò đi đầu trong đổi mới, trong năm nay, công việc quan trọng là thực thi các luật, thúc đẩy sự năng động của ngành kế hoạch và đầu tư trên cả nước, chứ không chỉ ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong mục tiêu này, cần tăng cường phối hợp giữa Bộ Kế hoach và Đầu tư với các bộ, ngành, địa phương chặt chẽ hơn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đủ năng lực, can đảm và nghệ thuật để tận dụng cơ hội thay đổi.
- Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Năm 2015 và đặc biệt là năm 2016, kinh tế có nhiều dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng cao, bền vững hơn. Trong sự thay đổi này, có đóng góp quyết định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tôi nói vậy không quá lời, vì các cơ quan có thẩm quyền, có chức năng, có cơ hội và có năng lực tận dụng cơ hội một cách khoa học thì sẽ tạo ra sự thay đổi.
Cũng phải thừa nhận, trong sự thay đổi này, có những phần việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư “lấy đá ghè chân mình” khi ít đi những phân bổ, rút đi thẩm quyền, cũng có nghĩa là chức năng, nhiệm vụ sẽ cũng thay đổi tương ứng. Nhưng tôi tin là Bộ có đủ năng lực, can đảm và nghệ thuật để huy động sự đóng góp của xã hội để tận dụng cơ hội để thay đổi. Tôi rất hào hứng để làm việc, để thay đổi.n
(Trích phát biểu tại Hội nghị Triển khai công tác năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Từ góc độ ngành kế hoạch và đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang có những thông điệp quyết liệt, quyết tâm chính trị cao trong đổi mới.
- Ông Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Với chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan trực tiếp soạn thảo các chiến lược qua các thời kỳ. Chính vì vậy, dấu ấn của ngành kế hoạch và đầu tư trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội rất rõ.
Lúc này, nền kinh tế Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi, cả bên trong và bên ngoài, để đẩy mạnh các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Từ góc độ ngành kế hoạch và đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang có những thông điệp quyết liệt, quyết tâm chính trị cao trong đổi mới, nhất là cải cách thể chế. Nếu quyết tâm và trách nhiệm này được thể hiện vào việc thực thi trong 5 năm tới, có thể nền kinh tế Việt Nam sẽ có những xoay chuyển quan trọng.