Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đất đai là tư liệu sản xuất của nông dân, gắn bó muôn đời với nông dân, nên tránh rảy ra những hệ lụy đáng tiếc liên quan đến tích tụ ruộng đất. |
Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc để doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh, quy định mới đã từng bước đi vào thực tiễn, quy định mới cũng minh bạch hơn, cởi trói nhiều vấn đề của doanh nghiệp và người dân.
Nhưng, tăng trưởng kinh tế - xã hội không chỉ đơn thuần qua những con số, quan trọng vẫn là sự bền vững và chất lượng tăng trưởng. Lâu dài nếu không dự báo tốt, không chủ động được thì rất khó khăn.
Đại biểu Tâm cho rằng, phải có chính sách thu hút đầu tư và ưu đãi để tạo việc làm tại chỗ, vì lao động không thể cứ đổ dồn hết vào TPHồ Chí Minh, con cái phải gửi xa, rất vất vả và phát sinh nhiều vấn đề về xã hội.
“Nơi nào có lợi thế để thu hút đầu tư và thu hút lao động thì Chính phủ phải làm việc với địa phương, có cơ chế cho địa phương đó để thu hút đầu tư, không thể giao hết cho địa phương được, để từ đó còn chăm lo cho lực lượng lao động”, đại biểu Quyết Tâm nhấn mạnh.
Ngoài ra, câu chuyện tích tụ ruộng đất phải hết sức thận trọng, cân nhắc, trên cơ sở tích tụ như thế nào để người dân có quyền với ruộng đất. Cái này ta phải làm sớm trên cơ sở nghiên cứu khoa học, tránh đến lúc nào đó nông dân mất tư liệu sản xuất. Đất đai là tư liệu sản xuất của nông dân, gắn bó muôn đời với nông dân, nên tránh rảy ra những hệ lụy đáng tiếc liên quan đến tích tụ ruộng đất.
“Rồi khi có quyền rồi, người nông dân sẽ làm gì để phát triển lâu dài, đó là những vấn đề rất băn khoăn về câu chuyên tích tụ ruộng đất. Tôi cho rằng, tích tụ ruộng đất phải đứng trên quyền lợi của nông dân, đảm bảo quyền lợi của nông dân với các thành phần kinh tế khác”, theo đại biểu Tâm.
Tích tụ ruộng đất dù là một chủ trương lớn, nhưng vẫn chưa được thực hiện. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy cả nước hiện có 10 triệu hộ nông dân, diện tích bình quân cho một hộ chỉ khoảng 0,46ha, trung bình được chia thành 2,83 mảnh, đó là quy mô diện tích đất nông nghiệp thuộc loại thấp nhất ở các nước châu Á sống nhờ vào ruộng đồng.
Đây chính là điểm tắc nghẽn lớn nhất của nông nghiệp như lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường từng phát biểu và cho rằng tích tụ ruộng đất là hướng đi tích cực để hiện đại hóa sản xuất trong lĩnh vực này.
Việc tập trung ruộng đất cùng với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp để thúc đẩy sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật đã và đang diễn ra. Tuy nhiên, thời gian qua tích tụ và tập trung ruộng đất chưa được quy định cụ thểm, do vậy cách vận dụng ở các địa phương có rất nhiều khác nhau và quá trình này diễn ra còn chậm.