Ngân hàng - Bảo hiểm
Tiếc cái tủ bếp trăm triệu khi bán nhà 5 tỷ, tôi đánh mất khách mua
Hoàng Anh - 17/04/2018 08:35
Không muốn tặng lại nội thất bếp, chị Hoa không bán được nhà ngay. Việc đó khiến chị thiệt gần 200 triệu và căng thẳng nửa năm.

Dưới đây là chia sẻ của chị Bùi Thanh Hoa, 35 tuổi, hiện sống tại TP HCM:

Sau một năm thuê căn hộ 100 m2 giá 15 triệu (không có nội thất) tại một khu chung cư ở quận 7, TP.HCM, thấy khá ưng ý cuộc sống nơi đây, năm 2014, chúng tôi đặt mua một căn ở block bên cạnh đang xây dựng.

Giữa năm 2015 chúng tôi nhận nhà, 110 m2 giá 4,4 tỷ. Chúng tôi thuê kiến trúc sư thiết kế lại, mua đồ nội thất cho đúng phong cách, tính ra hết 600 triệu nữa. Tuy nhiên, đến đầu năm 2017, do công việc thay đổi, vợ chồng tôi không còn làm việc ở quận 7 nữa mà chuyển sang quận 9, vì thế chúng tôi quyết định bán căn chung cư đi, để mua nhà tại quận 9, đi làm cho tiện.

Một chiếc tủ bếp có thể hợp với ngôi nhà này nhưng không hợp với ngôi nhà khác - Ảnh: votejohnq.com.

Chúng tôi tìm thấy một biệt thự liền kề ở quận 9, giá 4,5 tỷ. Hai vợ chồng quyết định đặt cọc mua luôn dù nhà ở quận 7 chưa bán được và trong tay chúng tôi chỉ có 1 tỷ. Tôi ước tính, thời gian từ lúc đặt cọc đến khi ra công chứng có thể kịp cho mình bán nhà chung cư. Hơn nữa, chị tôi và hai người bạn của chồng cũng hứa sẽ cho vay khoảng 3,5 tỷ trong khoảng 2 tháng, không lấy lãi. Họ không thể cho vay lâu hơn vì còn công việc làm ăn. Với chúng tôi, thế là quá tốt rồi.

Chúng tôi đăng bán nhà trên các trang rao vặt, đưa giá ban đầu là 5,2 tỷ. Trong vòng một tháng, khoảng 15 năm khách đến xem rồi lại đi khiến tôi khá mệt mỏi khi phải nghỉ làm về sớm để tiếp khách. Vì thế, khi có một khách tỏ ra thiện chí, trả giá 5 tỷ, tôi đồng ý bán. Tuy nhiên, hai ngày sau, họ hỏi lại, biết tôi sẽ mang nội thất nhà bếp đi thì người mua nhà tỏ ra bất ngờ và không vui.

Lúc trước, tôi sơ ý không hề nói rõ sẽ để lại những đồ nội thất nào, chúng tôi chỉ thỏa thuận sẽ mua bán căn hộ. Tuy nhiên, họ so sánh, căn hộ như nguyên gốc chủ đầu tư bàn giao ban đầu giá chỉ khoảng 4,5 tỷ. Họ đồng ý mua nhà chúng tôi 5 tỷ bởi nhà đã được thiết kế lại và gắn thêm các thiết bị nội thất đắt tiền.

Thú thật lúc rao bán nhà, tôi chỉ dự định để lại sàn gỗ, điều hòa và những thiết bị đã gắn trong phòng tắm. Còn cái tủ bếp, bếp từ và máy khử mùi thì tôi sẽ mang sang nhà mới vì tôi rất thích những món đồ này. Tôi cũng đã đầu tư rất nhiều công sức để có được chúng. Tủ bếp do bạn của tôi có xưởng mộc ở Gia Lai thiết kế và thi công. Riêng tiền làm tủ bếp này đã tiêu tốn gần 100 triệu. Mặc dù chưa kiểm tra kỹ phòng bếp của ngôi nhà chúng tôi sẽ chuyển về sống nhưng tôi vẫn muốn mang tủ bếp này theo. Hệ thống ống khói và bếp từ âm do bố mẹ chồng tôi đặt mua và xách tay từ châu Âu về, giá tiền cũng hơn 30 triệu - tiền là một chuyện nhưng công sức ông bà bỏ ra còn đáng trân trọng hơn nhiều. 

Sau 3 ngày, hai vợ chồng bàn bạc lại với nhau, chồng tôi cho rằng chúng tôi cũng chưa xem kỹ nhà mới, tủ bếp chưa chắc đã phù hợp. Bếp và máy khử mùi, chúng tôi hoàn toàn có thể nhờ bố mẹ chồng mua lại. Tôi nên chấp nhận bán nhà để đỡ vay mượn phiền phức mọi người. Tuy nhiên, khi tôi gọi điện lại cho khách, nói đồng ý bán và để lại nội thất nhà bếp thì khách bảo không thể mua nhà tôi nữa. Chị đã đặt cọc mua một căn hộ khác cũng ở chung cư này. Dù chị cảm thấy thích nhà tôi hơn, nhưng nếu mua nhà tôi, đồng nghĩa chị sẽ mất tiền đặt cọc.

Tôi cũng không ngờ sau đó, dù giá bất động sản ở TP.HCM vẫn tăng liên tục, nhưng những căn hộ được xếp vào dòng cao cấp như nhà chúng tôi lại không hề dễ bán do nguồn cung quá lớn. Để hoàn thành việc mua nhà ở quận 9, chúng tôi buộc phải vay mượn tiền mọi người. Thời hạn trả tiền vay đã đến mà căn hộ chung cư vẫn chưa bán được. Tôi đau đầu mất ngủ cả tháng, người rộc đi. Cố gắng lắm, tôi mới hoàn thành công việc công ty ở mức tròn vai, chứ không có sáng kiến nào xuất sắc như trước đây tôi vẫn thường có. Chuyển về nhà mới ở mà tôi không thấy vui, cũng chả có tâm trí đầu tư cho căn nhà. 

Tự bán nhà không được, vợ chồng tôi đành gửi qua công ty môi giới. Mãi đến cuối năm 2017, chúng tôi mới bán được nhà với giá 5,05 tỷ nhưng đã phải cho người môi giới 50 triệu. Đặc biệt, vì thiếu tiền mua nhà mới, chúng tôi phải vay ngân hàng 3,5 tỷ trong 5 tháng, lãi suất 11%/năm, số tiền lãi chúng tôi đóng cho ngân hàng vào khoảng 160 triệu. Tôi cũng phải kể thêm là sau này chúng tôi cũng không mang mấy đồ nội thất nhà bếp kia về nhà mới của mình nữa, vì không gian của hai phòng bếp không giống nhau, lắp những đồ cũ đó vào nhà mới không phù hợp.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc một công ty môi giới và dịch vụ nhà đất tại TP.HCM cho rằng để việc bán nhà được thuận tiện, nhanh chóng, trước khi bán nhà, người bán nên nói rõ sẽ để lại những món đồ nội thất nào cho người mua. Việc này có thể không có ý nghĩa gì đối với những ngôi nhà cũ, nát, nhưng đối với những ngôi nhà đẹp, đã được sửa sang, người mua chỉ muốn vào ở luôn thì rất quan trọng. Đôi khi sự không nhất quán trong những món đồ để lại cũng có thể khiến việc giao dịch không thành do người mua cảm thấy người bán không biết giữ chữ tín.

“Tôi có một khách hàng từng gửi bán vài căn nhà. Trước khi bán, chị ấy luôn ghi rõ những món đồ gì mình sẽ mang đi, những món đồ gì mình sẽ để lại, chi tiết đến cả bức tranh treo tường, bình hoa trang trí. Khi khách mua nhà đến xem nhà, chị ấy chỉ cần đưa danh sách đó ra, không mất công giải thích nhiều mà khách lại hài lòng. Còn bản thân chị ấy cũng không bị nhầm lẫn khi nói về những món đồ sẽ mang đi hay để lại", ông Dũng kể.

Tin liên quan
Tin khác