Đầu tư
“Tiềm năng của tôi - Cơ hội của bạn”
Thanh Chung - 16/05/2014 21:33
 Đó là thông điệp mà Ủy Ban Nhân Dân (UBND) tỉnh Hà Giang muốn gửi gắm đến hơn 400 doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Giang 2014 lần thứ nhất sáng 16/5/2014.
TIN LIÊN QUAN

Dưới sự phối hợp thực hiện của Ban chỉ đạo Tây Bắc và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hội nghị là một trong những sự kiện xúc tiến đầu tư quan trọng của tỉnh Hà Giang, nhằm giới thiệu những tiềm năng, lợi thế và định hướng kêu gọi đầu tư, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Một số lĩnh vực tỉnh Hà Giang ưu tiên kêu gọi đầu tư như du lịch - dịch vụ, phát triển nông - lâm nghiệp, khai thác tiềm năng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy…

   
  Lễ ký kết và trao giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án giữa tỉnh Hà Giang và các doanh nghiệp  

Tại hội nghị, UBND tỉnh Hà Giang đã trao giấy chứng nhận đầu tư 9 dự án cho các nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư trên 3.600 tỷ đồng. 

Trong đó, có một số dự án lớn, như dự án trồng cây cao su của CTCP Cao Su Hà Giang (1.560 tỷ đồng);

Dự án nhà máy thủy điện Sông Lô 2 của Công ty TNHH Thanh Bình (1.040 tỷ đồng);

Nhà máy thủy điện sông Lô 4 của công ty TNHH Sơn Lâm (680 tỷ đồng);

Dự án đầu tư xây dựng nhà máy tuyển quặng Antimo Mậu Dệ - Yên Minh của CTCP Cơ Khí Khoáng sản Hà Giang (168 tỷ đồng)…

Tỉnh Hà Giang cũng ký kết 6 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư, được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ký cam kết cho vay vốn.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết, với đặc điểm địa hình bị chia cắt, tỉnh hình thành 3 tiểu vùng mang những đặc điểm khác nhau về độ cao, khí hậu và thổ nhưỡng. Hà Giang phải căn cứ vào đặc điểm của từng vùng để kêu gọi đầu tư.

Đáng chú ý, vùng cao núi đá phía bắc có cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể, bảo tồn và phát huy giá trị giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn 2030.

Vùng đồi núi thấp cũng được coi là vùng kinh tế động lực của tỉnh vì có cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy nằm trong Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy, thuận lợi cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, gắn với phát triển kinh tế mậu biên.

Để thu hút đầu tư hiệu quả, tỉnh Hà Giang đã ban hành một số chính sách ưu đãi đầu tư, như giá thuê đất, thuê mặt nước, miễn giảm tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi địa bàn đầu tư, tối giản thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so vơi quy định.

Đánh giá về cơ hội đầu tư vào Hà Giang, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Giang là một địa phương ở biên cương tổ quốc, có rất nhiều tiềm năng, như cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu thổ nhưỡng đặc biệt, vùng cao nguyên núi đá - điển hình là cao nguyên đá… Đó là điều kiện thuận lợi để Hà Giang thu hút du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, phát triển các loại cây trồng đặc hữu như cây dược liệu…

   
  Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc phát biểu chỉ đạo hội nghị  

Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy cũng là một lợi thế vô cùng lớn, các khu cụm công nghiệp dọc theo quốc lộ 2, tạo điều kiện phát triển cụm công nghiệp, thương mại, dich vụ  gắn với phát triển kinh tế mậu biên.

Để phát huy tiềm năng lợi thế, thu hút đầu tư phát triển địa phương, Phó Thủ tướng để nghị tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là quy hoạch chi tiết từng vùng, có quy hoạch chính sách đột phá. Thực hiện liên kết với các địa phương trong vùng, phát huy kết nối hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai cũng như với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trong phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy thành cửa khẩu quốc tế hiện đại, gắn với bảo đảm trật tự xã hội, an ninh quốc phòng.

Đặc biệt, Phó thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, để cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh, cần bảo vệ chính đáng lợi ích của nhà đầu tư, xử lý nghiêm các vi phạm trên cơ sở luật pháp, thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Vấn đề này tỉnh phải coi là trọng tâm, tập trung quyết liệt (3 năm qua PCI của tỉnh thứ hạng khá thấp, năm 2011 xếp thứ 41, năm 2012 xếp thứ 55 và năm 2013 xếp thứ 48). Những năm tới, Hà Giang cần có những đột phá mạnh hơn, nhất là tập trung vào những thành tố còn thấp, như tính năng động, đào tạo lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, tính minh bạch, chi phí gia nhập thị trường. Hà Giang cần sớm thành lập trung tâm hành chính công của tỉnh tạo sự minh bạch, đồng thời có cơ chế hiệu quả tiếp nhận ý kiến phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

   
  TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng Hà Giang có những lợi thế tuyệt đối so với các vùng khác, cụ thể là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, văn hoá, lịch sử  

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra một số giải pháp đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh Hà Giang.

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, Hà Giang là tỉnh còn nghèo, nhiều khó khăn, lại ở vị trí xa xôi, cách trở so với các trung tâm phát triển lớn của cả nước.

Tuy nhiên, Hà Giang có những lợi thế lớn so với các vùng khác, cụ thể là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, văn hoá, lịch sử. Đây là vùng có thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, có nền văn hoá phong phú, giàu bản sắc dân tộc, được gìn giữ, bảo tồn qua chiều dài lịch sử với 19 dân tộc anh em.

Xu hướng thời hiện đại, con người thường hướng về những vùng thiên nhiên hoang sơ, đó chính là điểm khác biệt, điểm nhấn của Hà Giang cũng như các tỉnh Tây Bắc đối với du lịch trong nước và du lịch nước ngoài. Với tiềm năng về du lịch lớn như vậy, UBND tỉnh Hà Giang có thể xây dựng chiến lược phát triển du lịch với trọng tâm là Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, đồng thời có sự kết nối với du lịch các tỉnh Tây Bắc khác.

Bên cạnh đó, với sự khác biệt là vùng nông nghiệp nhiệt đới, cận nhiệt đới, thậm chí có cả cận ôn đới, nếu như Hà Giang phát triển được vùng nông nghiệp công nghệ cao, gắn liền với thị trường thế giới thì sẽ tạo ra giá trị gia tăng rất lớn. Hà Giang cần đẩy mạnh triển khai xây dựng các chuỗi hệ thống nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng trong các sản phẩm nông nghiệp.

TS.Vũ Tiến Lộc cũng tiết lộ, VCCI sẽ là đại diện xúc tiên thương mại đầu tư cho Hà Giang tại Hà Nội và nhiều nước trên thế giới. Trong đó, đặc biệt xây dựng chuỗi giá trị nông sản cho Hà Giang gắn với mô hình phát triển của nông sản thế giới.

   
  Đại diện các Phòng Thương mại và Đại sứ quán các nước tham gia hội nghị  

Hà Giang là tỉnh miền núi vùng cao nằm ở cực bắc Tổ quốc, phía Bắc giáp các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc), dân số tính đến năm 2013 khoảng gần 800 nghìn người. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ và các Bộ ngành cùng sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là sự nỗ lực không ngừng vượt khó của nhân dân các dân tộc Hà Giang, kinh tế của tỉnh tăng trưởng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, năm 2013, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 8,05%, trong đó nông lâm nghiệp tăng 5,15%, công nghiệp, xây dựng tăng 11,02%, các ngành dịch vụ tăng 8,78%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 14,6 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, Hà Giang có dân cư thưa thớt, hạ tầng kinh tế xã hội còn lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo tuy đã giãm nhưng vẫn còn cao trên 27%, gấp trên 3 lần mức bình quân cả nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài rất thấp (xếp thứ 62 cả nước).

TIN LIÊN QUAN
Doanh nhân trẻ với cơ hội đầu tư vào Thanh Hóa
Gọi được dự án 50 triệu USD, thưởng ngay 200 triệu đồng
Thanh Hóa: Lần đầu tổ chức xúc tiến đầu tư cấp huyện
Hàng loạt tập đoàn, DN cam kết đầu tư vào Quảng Bình
Ngẫm về phương châm "DN phát tài, Lào Cai phát triển"

Tin liên quan
Tin khác