Việc gia tăng tiền gửi không kỳ hạn giúp các ngân hàng huy động được nguồn vốn rẻ, tiết giảm chi phí đầu vào |
VietinBank cho biết, trong nửa đầu năm nay, tỷ lệ CASA vẫn đi ngang quanh mức 20%. Số dư tiền gửi không kỳ hạn ở BIDV tuy có tăng trong nửa đầu năm, thêm 5.700 tỷ đồng, lên hơn 278.000 tỷ đồng, song tỷ lệ CASA của BIDV vẫn đi ngang ở mức 19,8%.
Tương tự, CASA của VCB chủ yếu duy trì đi ngang, từ mức 35,7% hồi đầu năm 2022, tăng lên 36,1% vào cuối quý I/2022, rồi lại lùi về 35,4% vào cuối quý II/2022.
Hầu hết ngân hàng lớn đều ghi nhận CASA sụt giảm trong quý II/2022. Dù vẫn trụ vững ở mức cao 47,5%, nhưng CASA quý II của Techcombank đã ghi nhận sự sụt giảm so với dấu mốc kỷ lục hơn 50% của quý I/2022. Song, lãnh đạo Techcombank đánh, giá tỷ lệ CASA bị ảnh hưởng chỉ là tạm thời, Ngân hàng đã có những hành động ngay lập tức và dự kiến lấy lại phong độ 50% vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, không khó để thấy, chính sách miễn phí hàng loạt giao dịch trực tuyến vốn là “đặc sản” hút CASA của riêng Techcombank, thì nay đã được các ngân hàng áp dụng.
Thực tế, có một “cuộc đua” CASA âm thầm giữa các ngân hàng vài năm gần đây. Việc gia tăng tiền gửi không kỳ hạn giúp các ngân hàng huy động được nguồn vốn rẻ, tiết giảm chi phí đầu vào, từ đó cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là trước áp lực giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, CASA càng trở thành một trong những chỉ tiêu được các ngân hàng quan tâm đặc biệt.
Tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), tỷ lệ CASA cũng giảm từ 38,33% hồi cuối quý I/2022, xuống còn 36,72% ở thời điểm cuối quý II vừa rồi. Dù vậy, so với cuối năm 2021, tỷ lệ CASA hiện tại vẫn cao hơn nhờ việc MSB đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ và chương trình khuyến mại hấp dẫn, hướng tới mục tiêu tối ưu hóa cấu trúc vốn. Tương tự, VPBank cũng giảm mạnh đến 2,5% tỷ lệ CASA so với quý trước, xuống còn 19%. Với TPBank, ABBank, tỷ lệ CASA cuối quý II/2022 cũng giảm nhẹ so với quý đầu năm nay.
Giới phân tích tài chính nhận định, CASA của ngân hàng sẽ khó giữ phong độ như trước. Nguyên nhân dòng tiền đang có xu hướng quay trở lại ngân hàng khi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền ảo... không mấy sáng sủa, thay vì để tiền trong tài khoản thanh toán chờ cơ hội lướt sóng như trước, nhiều người lựa chọn tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn nhằm gia tăng lợi nhuận, nhất là khi lãi suất tiền gửi tăng.
Một thực tế là các ngân hàng đã có nhiều chính sách để tăng lượng khách hàng sử dụng ngân hàng số. Sau 6 tháng miễn phí toàn bộ giao dịch chuyển tiền trên kênh số, thu nhập hoạt động dịch vụ của hầu hết ngân hàng đều bị ảnh hưởng.
Tại Vietcombank (VCB), lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong 6 tháng đầu năm ở mức 3.405 tỷ đồng, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng đổi lại, tỷ lệ khách hàng sử dụng ngân hàng số của VCB tăng lên đáng kể.
Tính đến cuối tháng 6/2022, có khoảng 8 triệu khách hàng dùng ngân hàng số VCB, tăng so với 6,6 triệu khách hàng đầu năm 2022, tương đương 36% tổng số khách hàng cá nhân của VCB. Ngân hàng này cũng đặt mục tiêu có 10 triệu người dùng ngân hàng số vào cuối năm 2022, tỷ lệ sử dụng đạt 40-45%.
VietinBank cũng ghi nhận lãi thuần từ hoạt động thanh toán sụt giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022 do Ngân hàng miễn giảm nhiều loại phí dịch vụ. Nhưng nhờ đó lượng khách hàng sử dụng ngân hàng số tăng lên...