Ngân hàng - Bảo hiểm
Tiền gửi tiết kiệm tăng khi lãi suất đi lên
T.V - 28/04/2022 14:19
Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng đã tác động tích cực lên nguồn tiến gửi, nhất là đối với tiền gửi từ khu vực dân cư có dấu hiệu cải thiện rõ nét.

Tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng trở lại

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó tổng giám đốc NHNN TP.HCM cho biết, 4 tháng đầu năm 2022 các ngân hàng trên địa bàn huy động vốn tăng 2,74% so với cuối năm 2021, trong đó tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng 3,26%.    

Số liệu thống kê của NHNN thành phố cho thấy, tốc độ huy động vốn trong 4 tháng đầu năm 2022 tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 1,25%) và năm 2020 (tăng 0,13%).

Tiền gửi tiết kiệm dân cư trong 4 tháng đầu năm 2022 cao hơn so với các hình thức tiền gửi khác và chiếm 37% trong tổng tiền gửi của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu về tổng phương tiện thanh toán, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2022.

Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán cuối tháng Hai đạt hơn 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 1,81% so với cuối năm 2021. Tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,38% so với đầu năm. Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhóm khách hàng dân cư.

Tiền gửi dân cư tiếp tục duy trì đà tăng trong tháng Hai, đạt 5,46 triệu tỷ đồng, tăng hơn 56.400 tỷ đồng so với cuối tháng Một và tăng hơn 159.600 tỷ đồng so với cuối năm 2021 (tăng 3,01%). Có thể thấy mức tăng này còn cao hơn mức tăng trưởng tiền gửi của người dân trong năm 2021 là 158.623 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế ghi nhận giảm 0,16% so với cuối năm 2021, tương đương giảm 8.869 tỷ đồng.

Trước đó, trong tháng Một, tiền gửi của tổ chức kinh tế sụt giảm hơn 68.000 tỷ đồng chủ yếu do yếu tố mùa vụ khi đây là thời điểm các doanh nghiệp thực hiện chi trả tiền lương, thưởng cho người lao động.

Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng việc tiền nhàn rỗi đổ về ngân hàng ngay những tháng đầu năm có thể là do các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh thu hút tiền gửi từ tháng 12/2021 bằng việc tăng lãi suất huy động dành cho các khách hàng cá nhân và tung nhiều chương trình ưu đãi dành cho người gửi tiết kiệm.

Khi ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi

Theo quan sát, lãi suất tại nhiều ngân hàng đã tăng 0,3%-0,7% trong 3 tháng trở lại đây, mặt bằng được nâng lên đáng kể. 

Techcombank đang dẫn đầu với 7,8%/năm. Tiếp sau đó là Ngân hàng Sài Gòn với 7,6%/năm, Ngân hàng Nam Á 7,4%/năm. ACB, MSB hay VietCapitalBank cũng có mức lãi suất cao nhất từ 7%-7,1%/năm...

Tuy nhiên để được hưởng mức lãi suất này tại một số ngân hàng, khách hàng cần đáp ứng điều kiện gửi tiền từ vài trăm tỷ đồng trở lên.

Bước sang năm 2022, theo các chuyên gia phân tích Chứng khoán SSI, với triển vọng nền kinh tế mở cửa hoàn toàn trong giai đoạn tới, nhu cầu tín dụng tăng mạnh và áp lực lạm phát gia tăng, lãi suất huy động có thể đã chạm đáy và sẽ bắt đầu nhích tăng trong nửa cuối năm 2022.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mặt bằng lãi suất nói chung chịu lực đẩy chủ yếu từ xu hướng đi lên của lạm phát do giá cả hàng hóa tăng, thanh khoản của một số ngân hàng có thời điểm sẽ gặp khó khăn do nợ xấu gia tăng.

Điều này sẽ có tác động không nhỏ đến chi phí sử dụng vốn của công ty tài chính khi khả năng huy động vốn bị hạn chế nhiều so với các ngân hàng thương mại.

Do đó, công ty nào có sự hậu thuận lớn về nguồn vốn sẽ là đòn bẩy thúc đẩy tình hình kinh doanh hồi phục và tăng trưởng tích cực.

Theo đánh giá của lãnh đạo NHNN TP.HCM, tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng cao do tính ổn định và những tiện ích dịch vụ ngân hàng đã thu hút người dân gửi tiền.

Diễn biến này phản ánh niềm tin của người gửi tiền, doanh nghiệp đối với hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng khai thác và sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của người gửi tiền để hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh.

Tin liên quan
Tin khác