Chuyển động thị trường
Tiền lại chảy mạnh vào bất động sản
Hà Quang - 04/09/2015 08:19
Bất động sản đang tỏ rõ sức hút đặc biệt với giới đầu tư, khi dòng vốn đổ vào các dự án cũng như số doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này tăng mạnh.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đến cuối tháng 8/2015. Theo đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản hấp dẫn trở lại với nhà đầu tư ngoại với những dự án có quy mô cực lớn.

Đó là Dự án Empire City tại TP.HCM của Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái (liên doanh với nhà đầu tư  Denver Power  Ltd - Vương quốc Anh đầu tư trị giá 1,2 tỷ USD). Tính đến ngày 20/8/2015, lĩnh vực bất động sản đứng hai (dẫn đầu vẫn là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo) về hút vốn FDI với 18 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,82 tỷ USD, chiếm 13,7% tổng vốn FDI vào Việt Nam 8 tháng qua.

Bất động sản Việt Nam được coi là hấp dẫn do giá thấp, tỷ lệ sinh lời cao. Ảnh: Đức Thanh

 

Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, 8 tháng đầu năm 2015, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 80,2%, doanh nghiệp phải giải thể giảm 26,5%, doanh nghiệp gặp khó khăn tạm ngưng hoạt động là 390 doanh nghiệp giảm 21,4% so với cùng kỳ 2014.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnRea), các số liệu cho thấy, dòng tiền đang đổ mạnh vào lĩnh vực bất động sản. Số dư nợ tín dụng bất động sản đến nay đạt mức khoảng 360.000 tỷ đồng, so với mức 180.000 tỷ đồng khi thị trường bắt đầu khủng hoảng (năm 2009) và quy mô vượt cả mức 310.000 tỷ đồng tại thời điểm đỉnh cao nhất của thị trường bất động sản.

Còn dòng vốn từ người dân, theo ông Nam, nếu ước tính 25% lượng kiều hối mỗi năm (khoảng 11 - 12 tỷ USD) đổ vào bất động sản, thì hàng năm, thị trường sẽ đón nhận thêm khoảng 2,5 – 3 tỷ USD…  Từ những thống kê trên có thể thấy, so với các kênh đầu tư khác, bất động sản vẫn là kênh đầu tư tốt, tạo được việc làm cho doanh nghiệp, lợi nhuận cho nhà đầu tư, ông Nguyễn Trần Nam phân tích.

Nhận định về tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tín dụng bất động sản tăng chưa đến mức đáng lo ngại. Hơn nữa, thời gian qua, tín dụng bất động sản chủ yếu đổ vào việc xây dựng hoàn thiện các khu xây dựng nhà ở bán và cho thuê, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân chứ không phải đầu tư vào kinh doanh bất động sản. Việc tín dụng bất động sản tăng đã góp phần giải phóng hàng tồn kho trong lĩnh vực xây dựng, sắt thép, xi măng… thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Bình luận về những diễn biến mới trên thị trường bất động sản thời gian gần đây, bà Dương Thùy Dung, Trưởng phòng Nghiên cứu và Tư vấn (Công ty TNHH CBRE Việt Nam) cho rằng, bất động sản vốn là kênh đầu tư yêu thích của người Việt Nam so với các kênh đầu tư khác như: vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm… đặc biệt trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động như hiện nay. Các dự đoán về việc tăng lãi suất điều hành của Mỹ đã làm tăng giá đồng USD và làm giảm tính hấp dẫn của vàng. Giá vàng đã giảm đến mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua vào đầu tháng 8/2015. Với tình hình này, các nhà đầu tư trong nước có tiền nhàn rỗi sẽ quan tâm tới bất động sản nhiều hơn, đặc biệt là các cơ hội đầu tư có khả năng sinh lời ngay từ việc cho thuê và các cơ hội đầu tư có khoản sinh lời cố định để giúp họ bảo toàn tài sản trong bối cảnh thị trường tài chính tiền tệ tiếp tục có thể biến động.

Vẫn theo CBRE Việt Nam, trước khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá tiền đồng so với USD, bất động sản Việt Nam đã được coi là tương đối hấp dẫn do giá thấp hơn và tỷ lệ sinh lời cao hơn so với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Singapore hay Hong Kong. “Người nước ngoài tại thời điểm này quan tâm nhiều hơn đến các loại hình bất động sản được mua và cách thức quy trình để mua hơn là về giá cả”, báo cáo của CBRE Việt Nam nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác