Không khí “rực lửa” tràn ngập khắp căn phòng |
1.
Tôi nhớ năm 1998, khi đất nền Bình Dương bắt đầu bùng lên cơn sốt, nằm trong tổng thể căn bệnh tăng giá đất trên khắp mọi miền đất nước, được chứng kiến một buổi bán hàng tại Hàng Xanh, quận Bình Thạnh mà ấn tượng có lẽ không bao giờ quên được. Mới 6h30, chưa kịp ăn sáng gì đã phải có mặt tại nơi diễn ra sự kiện này. Lên hội trường nhìn người ta ngồi mà hãi quá. Không còn chiếc ghế nào trống, tính ra phải hơn 500 người. Trước đó, người mua đã phải đặt chỗ 20 triệu đồng. Trung bình 1 miếng đất là 180 triệu đồng - giá được cho là chấp nhận được ở thời điểm ấy.
Vì số lượng người mua đông nên cuối cùng nơi bán hàng phải bốc thăm. Đến tên ai được đọc lên ngay đầu tiên, người ta hò reo lên sung sướng, và kéo nhau sang phòng bên cạnh để trả tiền cọc. Còn lại thì ngồi ủ rũ buồn bã. Nhóm chúng tôi được đọc tên vào phía sau nên khi sang được phòng đóng tiền cọc thì tất nhiên chẳng còn miếng đất nào nữa. Thiệt là khủng khiếp, người ta đã vét sạch hàng tưởng như ngày mai là không còn bất cứ miếng đất nào trên cõi đời này.
Đói lả, mệt lử, một đám “tàn quân” thất trận ra về, gần 11h trưa mới được ăn bữa đầu tiên trong ngày. Hai năm sau, đất Bình Dương không lên giá. Ba năm sau, mời gọi mãi bán bằng giá cũng khó. Rồi không thấy ai hồ hởi nói về mua bán đất ở Bình Dương nữa.
Và đến giờ, vào giữa tháng 8/2015, tôi lần nữa quay trở lại không khí ấy khi tham dự một chương trình đặt chỗ của căn hộ nằm tại Vũng Tàu. Bước vào căn phòng chừng 25m2 của công ty vừa là chủ đầu tư, vừa bán hàng, trên bàn để la liệt tiền. Các sàn tới mua sỉ để về bán lại. Một bà người phốp pháp, nghe nói là chủ một sàn tại quận 5 đang đập bàn cãi tay đôi với một người đàn ông. Họ không tiếc lời tặng nhau những lời “hoa mỹ” theo nghĩa ngược lại, mục đích để giành căn hộ nào đó ở lầu 10.
Rồi cuối cùng, các khách hàng lẻ lại được ưu tiên trước. Trong khi khách đang đóng tiền giữ chỗ, những người xung quanh sốt ruột và bực bội. Chỉ cần hòn bấc chưa kịp ném qua thì hòn chì cũng đã kịp đáp xuống. Không khí “rực lửa” tràn ngập khắp căn phòng, giống như lúc bán đất nền phải bốc thăm ở Bình Dương. Thời điểm cách nhau 8 năm, nhưng chẳng biết có khác về kết quả gặt hái hay không.
2.
Bữa nay ngồi họp trong toà soạn, cô em kế bên làm công tác phát hành báo quay qua hỏi: “Chị, tiền Việt bị mất giá 3% rồi, theo cách hiểu nôm na của em là như vậy. Vậy nhà đất có lên cao không?”.
Câu hỏi của em nếu trả lời nhanh, thì tất nhiên là: “Nhà đất chắc còn lên cao nữa!”, nhưng như vậy thì quá hồ đồ. Nhưng nếu trả lời ngược lại, thì cũng có vẻ không hợp thời. Người ta đã từng dự tính, cơn sốt đất thường có chu kỳ 3 - 5 năm, sau đó sẽ tạm ngưng, có khi sụt giảm trong chừng ấy năm, và rồi lại tiếp tục vòng quay nữa. Cứ như thế.
Một đời con người sẽ chứng kiến nhiều đợt sốt đất. Người ta thường xuýt xoa, khu vực ấy trước đây hẻo lánh lắm, toàn dừa nước thôi, giờ thì sờ vô bỏng tay rồi. Và ai đã từng chứng kiến các cuộc mua bán theo kiểu giành giật như hàng tôm hàng cá mà tôi đã kể ở trên, thì chắc sẽ tự đưa ra câu trả lời riêng cho mình.
Đã bắt đầu khởi động vòng quay mới rồi đó!