Ông Nguyễn Hữu Hiệp (giữa), Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng. |
Chuyển đổi mô hình sản xuất
Là huyện nằm trong vùng trọng điểm của tỉnh Điện Biên có lợi thế phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, những năm qua, huyện Mường Ảng luôn quan tâm đầu tư phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả gắn với chế biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã và đang triển khai tại địa phương.
Trò chuyện với chúng tôi về chủ trương phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả của huyện Mường Ảng trong những năm qua, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, cho biết: Khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ phù hợp với việc phát triển cây cà phê. Do đó trong những năm qua Mường Ảng luôn coi trọng mục tiêu mở rộng diện tích cây cà phê.
Cao điểm nhất là quãng năm 2016 toàn huyện có gần 3.500ha cây cà phê, trong đó hơn 3.000 ha cho thu hoạch. Song vì không có nhà máy chế biến mà chủ yếu sơ chế rồi bán cho thương lái nên giá trị cà phê không cao; năm nào cũng trong vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” hoặc được giá thì lại mất mùa đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân trồng cà phê Mường Ảng.
Thực trạng đó khiến cấp ủy, chính quyền và mỗi cán bộ làm công tác nông nghiệp ở huyện Mường Ảng không khỏi trăn trở. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra đều xoay quanh nội dung: “Làm gì để nâng cao đời sống người nông dân?”; “Giữ cây cà phê hay bỏ trồng cây khác?”… và rồi, sau nhiều cuộc họp bàn, tìm hiểu thực tế việc chuyển đổi cây trồng ở các tỉnh bạn: Sơn La, Hòa Bình… Mường Ảng đã đi đến thống nhất, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế dần diện tích cà phê già cỗi kém hiệu quả bằng các loại cây ăn quả, tiến tới hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và vùng chuyên canh từng loại cây trồng phù hợp địa hình, điều kiện từng địa bàn trong huyện.
Mường Ảng là vùng trồng cà phê nổi tiếng khu vực miền núi phía Bắc từ những năm 1960. |
Theo mục tiêu đó, từ năm 2017, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Mường Ảng, nông dân một số xã trong huyện, như: Ẳng Nưa, Ẳng Cang, Ẳng Tở… đã bắt đầu chuyển đổi các diện tích cà phê già cỗi sang trồng các loại cây ăn quả, như: Chanh leo, bưởi da xanh, xoài Đài Loan.
Từ đó, diện tích cây ăn quả của huyện tăng dần theo các năm. Ông Kiều Xuân Hoàng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Ảng, cho biết: Cùng với tuyên truyền, vận động, Phòng NN-PTNT huyện đã cử cán bộ phụ trách các xã có nhiều diện tích cà phê già cỗi để vận động người dân chuyển sang trồng cây ăn quả; hướng dẫn người dân làm thủ tục chuyển đổi đúng quy định; hỗ trợ thêm về cây giống, kỹ thuật để nông dân yên tâm sản xuất.
Nhờ đó, chỉ sau bốn năm thực hiện, diện tích cây ăn quả của huyện đã tăng từ 17 ha (năm 2017) lên 323 ha vào năm 2020. Diện tích cây cà phê toàn huyện giảm từ 3.300 (năm 2017) xuống còn 2.939 ha (năm 2020), song giá trị kinh tế không giảm. Tại xã Búng Lao, theo chủ trương kêu gọi thu hút đầu tư của huyện, trong năm 2017 doanh nghiệp Tư nhân xây dựng Quang Hà đã cam kết đầu tư trồng 217,5 ha cây ăn quả công nghệ cao và 50ha trồng rừng sản xuất, với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng. Ðến nay, Dự án đã triển khai trồng được trên 70ha cây ăn quả tại địa bàn ba bản: Huổi Cắm, Pá Sáng, Hồng Sọt.
Thu hút tư nhân đầu tư, liên kết với nông dân
Cũng theo chủ trương kêu gọi, thu hút đầu tư trồng cây ăn quả theo chuỗi của huyện, năm 2019 Công ty Bùi Gia Phát Điện Biên đã ký kết hợp tác phát triển 2.500 ha cây ăn quả theo mô hình trồng cây ăn quả công nghệ cao tại các xã: Búng Lao, Ẳng Tở, Ngối Cáy, Mường Lạn, với tổng mức đầu tư 1.250 tỷ đồng (100% vốn nhà đầu tư).
Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư khảo sát, triển khai dự án trên địa bàn, lãnh đạo UBND huyện Mường Ảng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn: Nông nghiệp, Tài nguyên môi trường, kiểm lâm và UBND các xã chủ động phối hợp, tạo điều kiện để Công ty TNHH Bùi Gia Phát tiến hành các bước triển khai dự án trên địa bàn; đồng thời quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền đến nhân dân về chủ trương, mục tiêu của dự án để nhân dân hiểu và đồng thuận.
Diện tích cà phê già cỗi sang trồng các loại cây ăn quả, như: Chanh leo, bưởi da xanh, xoài Đài Loan... |
Để hỗ trợ nông dân, nhà đầu tư tham gia trồng cây ăn quả theo chuỗi, Mường Ảng quan tâm đầu tư các khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường. Với sản phẩm cà phê, Mường Ảng đã đầu tư, tạo điều kiện cho bốn cơ sở cải tạo dây chuyển chế biến rang xay bằng máy móc hiện đại góp phần nâng sản lượng sản xuất lên 30 tấn sản phẩm cà phê rang xay, giá trị ước đạt 7 tỷ đồng. Các cơ sở này không chỉ tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần trăm lao động, mà còn từng bước tạo dựng thương hiệu cà phê rang xay Mường Ảng. Quá trình thực hiện phát triển cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi UBND huyện Mường Ảng đặc biệt quan tâm vận dụng, hỗ trợ cơ chế chính sách tối đa cho người sản xuất.
Theo đó, từ các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp chung của Trung ương, của tỉnh, Huyện ủy và UBND huyện đã cụ thể thành chính sách riêng tại huyện, như: Kế hoạch số 51-KH/HU ngày 22-5-2017 của Huyện ủy Mường Ảng về phát triển sản xuất Nông - Lâm nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch số 148/KH-UBND của UBND huyện Mường Ảng về cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện Mường Ảng đến năm 2020… Với các chính sách cụ thể, rõ ràng đã khuyến khích nông dân, nhà đầu tư yên tâm đầu tư và đồng hành cùng người nông dân Mường Ảng.
Đề cập cách làm riêng ở huyện Mường Ảng, ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Bùi Gia Phát Điện Biên, vui vẻ cho biết: Không chỉ tạo điều kiện, UBND huyện Mường Ảng, các phòng chuyên môn và UBND các xã còn đồng hành cùng nhà đầu tư ngay từ khi chúng tôi về khảo sát, xây dựng dự án. Do vậy, sau thời gian ngắn Công ty Bùi Gia Phát đã hoàn thành các bước quan trọng để đi đến ký kết đầu tư 2.500ha cây ăn quả tại Mường Ảng. Tới đây, Công ty sẽ triển khai trồng cây ăn quả và đồng thời khảo sát địa điểm đặt nhà máy chế biến ngay tại huyện.
Đánh giá bước đầu thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi ở Mường Ảng, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện, cho rằng: Với diện tích 323ha cây ăn quả hiện có đã phần nào cho thấy hiệu quả, tính đúng đắn của chủ trương chuyển đổi cây trồng mà huyện đề ra. Dự án đầu tư phát triển cây ăn quả của Công ty Quang Hà, Công ty Bùi Gia Phát Điện Biên được cán bộ, nhân dân huyện Mường Ảng đặt nhiều kỳ vọng góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao trình độ sản xuất, tư duy phát triển kinh tế gia đình cho người dân địa phương. Qua việc triển khai các dự án này, sẽ dần khẳng định thương hiệu nông sản của Mường Ảng, để Mường Ảng ngày càng có nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP vươn xa.