Bà Nguyễn Thị Thu, Phó chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn |
Sản phẩm OCOP 4 sao là miến dong Bắc Kạn vừa có chuyến hàng đầu tiên xuất khẩu đi Cộng hòa Séc. Bà có thể chia sẻ cách thức để Bắc Kạn tiếp cận và đưa sản phẩm nông nghiệp địa phương ra thị trường như thế nào?
Thực hiện đề án “ Mỗi xã, phường một sản phẩm - OCOP” tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018 – 2020, từ cuối năm 2018, ngành nông nghiệp nói riêng và hệ thống chính trị tỉnh Bắc Kạn nói chung đã tuyên truyền vận động các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP của địa phương; tổ chức Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của địa phương tại thành phố Hà Nội để quảng bá và kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
Sau thời gian triển khai Chương trình OCOP quốc gia, nhiều sản phẩm nông nghiệp Bắc Kạn được thiết kế lại bao bì, kiểu dáng phù hợp, chất lượng đạt tiêu chuẩn quy định, được thị trường công nhận, nhiều sản phẩm đã trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao như: Gạo khẩu nua lếch, Miến dong, tinh bột nghệ, bí xanh thơm.... ký kết tiêu thụ sản phẩm với Trung tâm thương mại Big C – Hà Nội, các chuỗi cung ứng sản phẩm vùng miền tại Thành phố Hà Nội và một số tỉnh; một số sản phẩm tiếp cận với sàn thương mại điện tử; đặc biệt trong thời gian gần đây sản phẩm Miến dong của HTX Tài Hoan (sản phẩm OCOP 4 sao) đã xuất khẩu ra nước ngoài (Cộng hòa Séc đầu tháng 8/2020).
Chương trình OCOP quốc gia góp phần đưa người dân Bắc Kạn thoát nghèo, sinh kế bền vững. |
Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng như thế nào của chính quyền địa phương và người dân Bắc Kạn?
Bắc Kạn là tỉnh miền núi vùng cao, sản phẩm nông sản của địa phương khá phong phú và đa dạng nhưng quy mô nhỏ và manh mún. Từ năm 2018, thực hiện Chương trình OCOP quốc gia, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành kế hoạch và phê duyệt Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018 – 2020, ban hành Chỉ thị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” và triển khai Chương trình xuống đến từng thôn, xã.
Chương trình đã nhận được chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các địa phương và các tổ chức kinh tế. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 107 sản phẩm, trong đó 99 sản phẩm 3 sao, 8 sản phẩm 4 sao; dự kiến thực hiện đến hết năm 2020 có 143 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Hiện đã có 66 chủ thể tham gia thực hiện chương trình trong đó có: 39 hợp tác xã; 7 Công ty cổ phần, TNHH; 20 hộ có giấy phép đăng ký kinh doanh.
Sản phẩm OCOP 4 sao của Bắc Kạn |
Những thay đổi mà Chương trình OCOP quốc gia mang đến cho người dân khu vực nông thôn Bắc Kạn ra sao?
Có thể nói thực hiện Chương trình OCOP là giải pháp phát triển kinh tế khu vực nông thôn, khai thác được các lợi thế của địa phương trong khi không cần đầu tư quá nhiều kinh phí, đồng thời sản phẩm OCOP làm ra được thị trường đón nhận đã góp phần giải quyết việc làm tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn.
Thông qua thực hiện Chương trình OCOP đã phát huy được thế mạnh của các địa phương là các sản phẩm nông sản, đặc sản, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời góp phần củng cố hoạt động của kinh tế tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã…) trên địa bàn toàn tỉnh.
Bà nhận định như thế nào về kết quả đạt được của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP quốc gia được triển khai tại Bắc Kạn thời gian qua?
Sản phẩm OCOP Bắc Kạn mang đặc thù của 1 tỉnh miền núi |
Những năm qua, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm – OCOP” đã trở thành phong trào thi đua rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Nhận thức về nông thôn mới từ cán bộ đến người dân đã được chuyển biến, bộ mặt nông thôn đang từng bước được thay đổi. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, cơ sở hạ tầng được đầu tư phục vụ sản xuất và dân sinh cho người dân khu vực nông thôn; hình thành các vùng sản xuất nông sản như: miến dong, cam, quýt, hồng không hạt, bí xanh thơm, gạo japonica…
Chương trình đã góp phần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, củng cố và hình thành các hợp tác xã sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, sản xuất theo nhu cầu thị trường để khắc phục tình trạng “được mùa thì mất giá”; đồng thời đề xuất ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp, nông thôn trong tương lai.