Doanh nghiệp
Bắc Kạn: Sản phẩm OCOP gắn kết doanh nghiệp
Hà Quang - 19/06/2019 17:07
Từ các sản phẩm đặc thù của địa phương như miến rong hữu cơ, tinh bột nghệ, gừng, mật ong… tỉnh Bắc Kạn đã tìm ra mối liên kết, hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương ra thị trường cả nước.
.

Hội doanh nhân OCOP đầu tiên

Sau gần 2 năm triển khai rộng rãi phong trào phát triển mỗi xã một sản phẩm (OCOP), UBND tỉnh Bắc Kạn đã quyết định thành lập Hội doanh nhân OCOP, tạo diễn đàn tiếp cận cơ chế chính sách, tín dụng, quảng bá sản phẩm cho các hộ kinh tế, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ của địa phương.

Bắc Kạn cũng trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Hội doanh nhân OCOP, nhằm tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Tân, Chủ tịch Hội doanh nhân OCOP tỉnh Bắc Kạn cho biết, ngay sau khi thành lập, Hội doanh nhân OCOP Bắc Kạn tổ chức nhiều gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại các địa bàn trong và ngoài tỉnh. Điều kiện tự nhiên và xã hội tỉnh Bắc Kạn khá thuận lợi khi thực hiện Đề án OCOP vì có nhiều nông sản đặc trưng có khả năng phát triển thành hàng hóa có thể cạnh tranh trên thị trường. Người tiêu dùng đã từng bước biết đến các sản phẩm nông sản chất lượng cao của Bắc Kạn như gạo nếp Khẩu Nua Lếch, miến dong Bắc Kạn, hồng không hạt Ba Bể, cam Chợ Đồn, quýt Bạch Thông, thịt dê, trâu, bò, ngựa Pác Nặm, rượu ngô men lá, mơ ngâm, thịt hun khói….

Tính đến thời điểm này, Hội doanh nhân OCOP Bắc Kạn có hơn 90 hội viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh hàng chục sản phẩm nông nghiệp đặc thù của địa phương. Trong đó, có 37 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên theo tiêu chí xếp hạng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được người tiêu dùng đánh giá cao. 

Gìn giữ chất lượng sản phẩm địa phương

Là người tham gia vận động thành lập Hội doanh nhân OCOP Bắc Kạn từ những ngày đầu tiên, ông Hoàng Ngọc Đường, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn vui mừng trước sự trưởng thành của các mô hình kinh tế hộ gia đình. Các cơ sở sản xuất đã từng bước chuyên nghiệp hóa, thành lập doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chinh phục người tiêu dùng cả nước.

“Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Bắc Kạn phù hợp để trồng nghệ, nhất là nghệ nếp vàng bản địa giàu hàm lượng curcumin cao. Hoạt chất curcumin được chiết xuất từ nghệ (chiếm 0,3% trong củ nghệ) có khả năng chống lại nhiều loại bệnh. Các sản phẩm tiêu biểu như Vi-cumax Nano của Công ty TNHH nhà máy Curcumin Bắc Hà; Trịnh Năng Curcumin, Trịnh Năng gừng của Công ty TNHH Nhiệt công nghiệp HTL; tinh bột nghệ Bắc Kạn của Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn… đều là những sản phẩm có thương hiệu, gây tiếng vang trên thị trường toàn quốc trong thời gian gần đây”, ông Đường cho biết.

Tuy nhiên, ông Đường cũng chia sẻ nỗi lo về sự chuyên nghiệp của các mô hình kinh tế hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ của địa phương. Khi chưa có OCOP thì rất tốt, đến khi OCOP rồi có giữ được chất lượng sản phẩm không. Ông Đường dẫn chứng những sản phẩm một thời được xem là sản vật quý của Bắc Kạn là rượu Pắc Nặm. Đến khi được thị trường biết đến, tiêu dùng rộng rãi thì không còn giữ được “chất” Pắc Nặm, nguyên liệu không đảm bảo, quy trình trưng cất bị rút ngắn, pha chế thêm rượu cồn… khiến người tiêu dùng quay lưng.

“Việc tập hợp các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, hộ sản xuất tham gia Hội doanh nhân OCOP tỉnh Bắc Kạn là cơ sở quan trọng trong việc giữ gìn chất lượng sản phẩm, bảo tồn nét văn hóa địa phương trong các sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Hoàng Ngọc Đường nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác