Từ vỏ cà phê sau quá trình sản xuất, cà phê Bích Thao đã sáng tạo nên sản phẩm trà siro làm mát gan, giảm mỡ máu... được người tiêu dùng ưa chuộng. |
Khai thác triệt để quả cà phê
Trao đổi về ý tưởng sáng tạo sản phẩm trà siro làm từ vỏ quả cà phê, ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc Hợp tác xã cà phê Bích Thao cho biết, những năm trước, việc chế biến cà phê bột của Hợp tác xã làm phát sinh 1 lượng lớn vỏ quả cà phê thường phải bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, vỏ của cà phê lại chứa 1 lượng lớn vitamin, đường và các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.
“Từ ý tưởng đó, tôi tìm đến Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê EAKMAT đề xuất phối hợp nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm sản phẩm trà siro. Sau thời gian nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, đầu năm 2018, chúng tôi đã sản xuất thành công sản phẩm trà siro vỏ cà phê có mùi thơm tự nhiên, giàu vitamin có tác dụng làm mát gan, giảm mỡ máu... Sản phẩm được người tiêu dùng trong nước ưa thích và đã xuất khẩu thành công đi nhiều nước như Cộng hòa liêng bang Đức, Cộng hòa Pháp, Hoa Kỳ”, ông Thao chia sẻ.
Theo Giám đốc Hợp tác xã cà phê Bích Thao, điều mà ông tâm đắc nhất từ việc sản xuất trà siro vỏ cà phê là khai thác triệt để sản phẩm quả cà phê. Trong quá trình sản xuất, chế biến không hề sử dụng nước, không phát sinh chất thải, vừa có thêm lợi nhuận lại góp phần bảo vệ môi trường. Bí quyết để sản xuất được trà siro là quả cà phê phải được thu hái trong khoảng thời gian từ 8-10 giờ sáng và 15-17 giờ chiều để giữ được lượng đường tự nhiên trong vỏ cà phê. Cà phê thu hái về được rửa, hong khô trước khi thực hiện tách vỏ; vỏ cà phê được sản xuất thành trà; nhân dùng chế biến cà phê “mật ong”.
Với các sản phẩm độc đáo, được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài ưa chuộng, năm 2020, Hợp tác xã cà phê Bích Thao đã mở rộng quy mô sản xuất, ký kết hợp đồng thu mua nông sản với 800 hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Ông Nguyễn Xuân Thao Giám đốc Hợp tác xã cà phê Bích Thao đang kiểm tra nguyên liệu trong quá trình sản xuất |
Công nghệ là yếu tố quyết định
Sản phẩm cà phê bột nguyên chất và trà siro làm từ quả cà phê của Hợp tác xã cà phê Bích Thao hiện là sản phẩm đạt 4 sao tại chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Sơn La và Top 10 cà phê đặc sản Việt Nam năm 2020, có giá trị kinh tế cao.
Để đạt được thành công đó, theo Giám đốc Hợp tác xã cà phê Bích Thao, công nghệ là yếu tố có ý nghĩa quyết định. Từ năm 2018, Hợp tác xã đã ứng dụng khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất, triển khai mô hình trồng 15 ha cà phê an toàn, được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; Phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên trồng thử nghiệm 15 ha trồng cà phê chè giống mới (THA 1) trên địa bàn xã Hua La (Thành phố) và xã Mường Do (Phù Yên); sản xuất theo hướng hữu cơ. Đến nay, diện tích trồng cà phê giống mới đã cho thu hoạch với năng suất cao, phục vụ chế biến xuất khẩu.
Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê bằng phân hữu cơ và chế biến quả cà phê theo phương pháp không sử dụng nước, phơi trong nhà kính, đảm bảo phẩm chất nội tại của hạt cà phê, cho ra sản phẩm cà phê nhân có màu sắc và chất lượng đồng nhất nên cà phê luôn có chất lượng tốt và giá trị thương mại cao, giảm thiểu tối đa chất thải gây ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường trong lành, thân thiện. Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, UTZ… là điều kiện cần thiết để xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Đức, Mỹ, Pháp,…
“Với giá bán từ 40.000-60.000 đồng/kg cà phê nhân thông thường; 450.000-700.000 đồng/kg cà phê “mật ong” và 450.000 đồng/kg trà siro vỏ cà phê, năm 2019, doanh thu của Hợp tác xã đạt trên 40 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 9 lao động địa phương, thu nhập bình quân đầu người 5-6 triệu đồng/người/tháng”, ông Thao chia sẻ.