Tiêu dùng
Sơn La làm giàu từ chanh leo “vàng”
Phương Anh - 20/12/2020 12:44
Sơn La đang đầu tư gieo trồng sản xuất giống chanh leo vàng có xuất xứ từ Colombia mang lại lợi ích kinh tế cao và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Chanh leo vàng được trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân Sơn La.

Giống mới từ Colombia, năng suất cao

Chanh leo hay còn gọi là chanh dây loại quả được trồng phổ biến ở nước ta, thậm chí còn được trồng thành vùng chuyên canh hàng hoá lớn để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thế nhưng, từ trước đến nay, phần lớn trên thị trường chỉ có chanh leo vỏ tím, ăn chua, thường được mua về để làm sinh tố, pha nước uống, nước sốt,... khi chế biến hay pha chế đều phải cho thêm đường để giảm bớt vị chua.

Cách đây khoảng 3 năm, trên thị trường bất ngờ xuất hiện loại chanh leo vàng, được xách tay từ Colombia về. Loại chanh này lập tức gây sốt, được giới nhà giàu Việt ráo riết lùng mua. Bởi, thay vì vị chua, chanh leo Colombia lại có vị ngọt, cắm ống hút vào hút trực tiếp không cần bỏ thêm đường. Thế nhưng, cùng với sự mới lạ, giá loại chanh leo thuộc hàng siêu đắt đỏ. Các cửa hàng bán tới 100.000-120.000 đồng/quả vẫn "cháy hàng".Gần đây, chanh leo vàng được bán khá nhiều trên thị trường, được trồng rất nhiều ở Mộc Châu, đang vào mùa thu hoạch.

Bê 4 thùng chanh leo vàng về khu chung cư nhà mình để chia cho mọi người, chị Lê Bảo Yến ở Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) nói: “Các chị em trong khu mua chung của một nhà vườn trên Mộc Châu, đạt chuẩn chất lượng VietGap. Chanh leo này thơm lừng, phần mật (hạt và nước) có vị ngọt, không chua. Chanh càng chín mật càng ngọt”.

Là một trong những người tiên phong đưa chanh leo “leo núi”, bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Chanh leo Thuận Châu, đã phối hợp với Công ty TNHH Lỏi Tươi Agrico (Mộc Châu), đưa giống chanh leo vàng gieo trồng trên 20 ha từ 2018.

Nói rõ hơn về quy trình sản xuất, anh Thào A Hồ, Phó Giám đốc HTX Chanh leo Thuận Châu, chia sẻ: So với giống chanh leo truyền thống, thì giống chanh leo vàng cho quả to, mẫu mã đẹp và giá bán cao gấp đôi so với chanh leo tím. Dự kiến vụ thu hoạch năm nay, diện tích trồng chanh leo vàng của HTX sẽ cho thu hoạch, với việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Lỏi Tươi Agrico nên người dân yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng thuốc hóa học, áp dụng các biện pháp thủ công như sử dụng máy phát cỏ, cắt bỏ cành, lá già sâu bệnh, đặc biệt sản phẩm không sử dụng chất bảo quản... Nhờ đó, sản phẩm chanh leo của HTX được người tiêu dùng và thị trường đón nhận

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thạch Tùng Linh, Giám đốc một công ty nông nghiệp ở thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La), cho biết, chanh leo vàng hay còn gọi là chanh leo ngọt được trồng nhiều ở Mộc Châu khoảng 3 năm trở lại đây.

Loại chanh này có đặc điểm vỏ vàng, quả to tròn, khi chín phần mật chanh ở bên ăn có vị ngọt thơm. Lấy dao cắt phần núm quả phía trên và có thể xúc ăn trực tiếp. Doanh nghiệp của ông đang liên kết với các hộ nông dân trong vùng trồng chanh leo vàng, diện tích lên tới 100ha.

Chanh leo vàng rất năng suất, 1ha có thể cho thu tới 40-50 tấn quả. Thời điểm thu hoạch bắt đầu từ tháng 6 đến cuối năm mới hết mùa. Thế nên, trên thị trường chanh leo này được bày bán rất nhiều.

“Vì chất lượng quả ngon, hợp với khẩu vị nhiều người nên chanh leo nhiều khi thu hái về không đủ bán cho các đầu mối lấy sỉ”, ông Linh cho hay. Doanh nghiệp của ông đang cung cấp một lượng chanh leo vàng rất lớn cho hệ thống các cửa hàng trái cây ở Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, kể cả khách hàng ở Đà Nẵng, TP.HCM...

“Hàng dễ bán, năng suất cao. Trồng mỗi 1ha chanh leo vàng, nông dân có thể lãi tới 300-500 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập rất cao đối với nông dân vùng này. Sắp tới, chúng tôi sẽ liên kết với nông dân vùng khác để tiếp tục mở rộng diện tích trồng loại cây đặc sản này”, ông Linh nói.

Nhưng nếu phát triển ồ ạt, chanh leo vàng có thể bị rớt giá tương tự như chanh leo tím trước đây.

Bài họ từ chanh leo tím…

Tuy chanh leo vàng đang được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng theo các chuyên gia trong ngành, người dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng cân đối diện tích trồng để cung đủ cầu. Tránh tình trạng trồng ồ ạt, đến mùa thu hoạch cung quá cầu  khó khăn trong tiêu thụ hoặc bán với giá rất thấp như bài học từ chanh leo tím.

Trước đây cây chanh leo được coi là một trong những cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao, được nhiều nông hộ sinh sống trên địa bàn huyện Mộc Châu (Sơn La) lựa chọn phát triển kinh tế, không ít hộ vươn lên khấm khá, làm giàu. Nhưng từ năm 2019, giá chanh leo trên thị trường liên tục sụt giảm, khiến bà con như ngồi trên đống lửa...

Vừa là người nông dân gắn bó với cây chanh leo, vừa là thương lái chuyên mua bán chanh leo nhiều năm nay, anh Trần Văn Giáp, tiểu khu 12, xã Tân Lập (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), chia sẻ: “Năm ngoái giá chanh leo rớt giá thê thảm, tôi buôn chanh leo cũng được một thời gian khá dài, nhưng chưa thấy chanh xuống giá thê thảm như thời điểm hiện tại. Tôi mua chanh leo theo 3 loại, loại 1 bán đổ ở các chợ lớn Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam là 6.000 đồng/kg nhưng loại này mẫu mã phải đẹp, loại 2 là bán cho nhà máy 5.000 đồng/kg, loại 3 bán hút dịch thủ công cho các nhà hàng, quán nước là 3.000 đồng/kg. Tôi đánh xe tải thu mua chanh leo ở các xã khác trên địa bàn huyện đều ở mức giá như vậy. Ngoài buôn bán chanh leo, gia đình tôi cũng đang trồng gần 1ha, nhưng với giá cả như thế này thì chỉ có lỗ”.

Ông Vàng A Thào, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, cho hay: “Hiện trên địa bàn xã có hơn 200ha diện tích trồng chanh leo, nhiều nhất là ở bản Hoa, bản Dọi. Nếu so với năm 2017, 2018 thì năm nay giá chanh leo đã mất giá trầm trọng. Vào thời điểm chính vụ thì giá cả còn cao hơn 1 chút, nhưng khi chanh leo vào cuối vụ thì giá rất thấp”.

Theo chuyên gia Bùi Chí Bửu, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kĩ thuật Nông nghiệp miền Nam, để giải quyết bài toán được mùa mất giá đó là phải quy hoạch vùng trồng hợp lý. “ Chúng ta phải xuất phát từ “cầu” rồi mới tính đến “cung”. Có nghĩa là đầu ra sản phẩm phải biết chắc chắn, phải có cơ sở nghiên cứu thị trường một cách khoa học” ông Bửu nhấn mạnh.

Để tìm đầu ra cho chanh leo, ông Dương Gia Định, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La cho biết: Hiện nay diện tích trồng chanh leo trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tăng lên gần 1.400ha. Trong quá trình phát triển đã có một số đơn vị liên kết trồng chanh leo, tiêu biểu như Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc tăng tiêu thụ và chế biến.

Tin liên quan
Tin khác