Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế thế giới nói chung và diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng trong các tháng cuối năm nay?
Việc đẩy mạnh bơm tiền tại các nước phát triển khiến dòng vốn quốc tế ngày một dư thừa và chảy vào thị trường chứng khoán tại các nước mới nổi.
| ||
Ông Yun Hang Jin, Giám đốc khối thị trường mới nổi tại Công ty Korea Invesment & Securities (Hàn Quốc) |
Rất có thể Mỹ sẽ thực hiện chiến lược rút vốn vào các tháng cuối năm nay.
Kế hoạch rút vốn đã được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến trong nửa cuối năm 2013, bắt đầu giảm quy mô gói nới lỏng định lượng (QE3) và có thể tiến hành tăng lãi suất cơ bản (trong trường hợp tỷ lệ thất nghiệp là 6,5%, lạm phát kỳ vọng: 2,5%...).
Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, nhưng tác động tương đối yếu.
Sau khi mua ròng 6.260 tỷ đồng (tương đương gần 300 triệu USD) từ tháng 1 đến tháng 5/2013, khối ngoại đã bán ròng 1.770 tỷ đồng (hơn 80 triệu USD) vào tháng 6/2013.
Tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan do lo ngại về chiến lược rút vốn của Mỹ, các quỹ ETF (Exchanged Traded Fund) niêm yết tại nước ngoài như Market Vector Vietnam ETF, DBXT FTSE Vietnam ETF… đã bán mạnh nhằm hiện thực hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, điểm tích cực đáng ghi nhận là, Chính phủ Việt Nam đã cố gắng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng, nhất là những nỗ lực cố gắng nhằm giải quyết nợ xấu, như thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Đây là lực hỗ trợ cho thị trường trong thời gian ngắn.
Theo ông, dòng vốn ngoại có đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong các tháng còn lại của năm nay?
Do ảnh hưởng từ chiến lược thoái vốn của Mỹ, việc thành lập các quỹ đầu tư mới tại Việt Nam sẽ bị trì hoãn, khả năng các quỹ ETF và quỹ đầu tư đang hoạt động sẽ bán ra. Xu thế mua ròng với quy mô lớn của khối ngoại như 5 tháng đầu năm nay sẽ khó có thể lặp lại vào nửa cuối năm.
Nhà đầu tư nước ngoài ngày một lo lắng thêm rằng, động lực tăng trưởng của Việt Nam sẽ suy yếu dần do rủi ro trên toàn bộ các thị trường mới nổi gia tăng…
Tôi cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ giữ quan điểm trung lập trong các quyết định đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm nay. Nghĩa là, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không giải ngân quá mạnh, cũng không ồ ạt rút vốn, xu hướng mua - bán sẽ ở mức cân bằng.
Vậy, cách lựa chọn khôn ngoan của nhà đầu tư lúc này là nên bỏ vốn vào kênh đầu tư nào để hạn chế rủi ro và có lợi nhuận, thưa ông?
Dòng vốn cá nhân trong các tháng cuối năm có thể ít nhiều sẽ bị chi phối bởi các kênh đầu tư khác (như vàng, ngoại tệ, bất động sản) và xu hướng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.
Về kênh đầu tư vàng, sau khi quá trình tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng hoàn tất, thì xu hướng chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới có thể sẽ thu hẹp lại, cộng thêm xu hướng giá vàng giảm liên tục thời gian gần đây, khiến kênh đầu tư này không còn nhiều hấp dẫn. Vì thế, nhiều khả năng, dòng vốn nhà đầu tư cá nhân có thể sẽ rời bỏ khỏi kênh đầu tư này.
Về kênh đầu tư ngoại tệ, từ nay đến cuối năm, áp lực tăng tỷ giá vẫn còn, nhưng mức tăng sẽ không vượt quá 1-2%, cho nên lợi nhuận kỳ vọng từ mảng đầu tư này cũng chỉ ở mức thấp. Còn thị trường bất động sản vẫn khá trầm lắng, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng chỉ dành riêng cho phân khúc nhà ở xã hội, nên ảnh hưởng tích cực đến toàn bộ thị trường cũng không nhiều.
Như vậy, tiền nhàn rỗi sẽ quay lại chứng khoán, thay vì kênh đầu tư khác, thưa ông?
Do hiện tại, tỷ lệ sinh lời kỳ vọng của các kênh đầu tư khá thấp, nên khả năng dòng vốn dồi dào của các nhà đầu tư cá nhân sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán là khá cao. Hiện tại, do xu hướng hồi phục vẫn chưa rõ ràng, nên chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên cân nhắc giải ngân vào các doanh nghiệp đầu ngành có tiềm lực tài chính vững mạnh, có chiến lược phát triển hợp lý bền vững.
Nhóm ngành thực phẩm, thức uống có tính phòng vệ cao và ít bị ảnh hưởng khi nền kinh tế biến động xấu, do đây là mặt hàng thiết yếu. Thống kê cho thấy, lợi nhuận và giá cổ phiếu của nhóm ngành này luôn đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng ngay trong thời điểm kinh tế và thị trường chứng khoán gặp khó khăn.
Trên cơ sở đó, nhóm cổ phiếu ngành thực phẩm, thức uống tiếp tục là cơ hội đầu tư hấp dẫn và ít rủi ro. Tuy nhiên, cổ phiếu ngành này chỉ thích hợp cho các nhà đầu tư dài hạn do biến động giá cổ phiếu trong ngắn hạn rất nhỏ; song nếu xét trong khoảng thời gian dài, thì lợi nhuận cũng khá cao. Đơn cử như cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, tỷ suất lợi nhuận năm 2012 là 48%, năm 2011 là 55% (chưa tính đến phần trả cổ tức tiền mặt trong năm).
Ngoài ra, nhóm ngành năng lượng cũng có tính phòng vệ cao và ít bị ảnh hưởng khi nền kinh tế biến động xấu, nên nhà đầu tư có thể cân nhắc đầu tư vào nhóm ngành này.
Vân Linh