Bà đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016?
Kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục sau khủng hoảng. Trong ngắn hạn, chúng tôi lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trong dài hạn, Việt Nam cũng cần chuẩn bị tốt để đối phó với các thách thức đến từ bên ngoài, nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Các thách thức và áp lực mà Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới là gì, thưa bà?
Tôi kỳ vọng vào sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm nay, nhưng cũng còn nhiều lo ngại liên quan đến cải cách trong tương lai. Chẳng hạn, đối với các doanh nghiệp nhà nước, trong năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh cổ phần hóa, song tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn khá chậm, khiến nhà đầu tư e ngại. Những cải cách của khu vực doanh nghiệp là rất quan trọng, bởi nếu không cải cách, Việt Nam sẽ khó có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Do vậy, áp lực cải cách đối với Việt Nam rất lớn.
Bà Izumi Devalier, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Việt Nam của Khối Nghiên cứu kinh tế Ngân hàng HSBC |
Các yếu tố bên ngoài sẽ tác động ra sao đến tình hình kinh tế nói chung và tỷ giá nói riêng?
Không nên chủ quan với tình hình tăng trưởng kinh tế đang ổn định hiện nay. Chẳng hạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa có động thái mới sau đợt tăng lãi suất cuối năm rồi, nhưng chúng ta cũng phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường.
Năm 2015, tiền đồng đã giảm giá trên ngưỡng cam kết của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), nhưng sau đó, tỷ giá đã được ổn định nhờ các biện pháp cải cách từ NHNN, giúp giảm áp lực lên tiền đồng. Tuy nhiên, áp lực giảm giá tiền đồng sẽ không mất đi trong một sớm một chiều và khả năng sẽ còn mất giá trong thời gian tới.
Còn lãi suất của Việt Nam thì thế nào, liệu có biến động so với mặt bằng hiện nay?
Năm 2015, NHNN duy trì lãi suất thấp. Áp lực lạm phát năm 2016 dự báo tăng lên, nên sẽ tạo áp lực nhất định đến lãi suất. Mặc dù Chính phủ và NHNN kỳ vọng lãi suất sẽ giảm thêm nữa, nhưng trên thực tế, diễn biến lãi suất bắt đầu có chiều hướng tăng lên.
Nợ xấu của Việt Nam đã đưa về mức 3% hiện nay có phải là con số thấp, thưa bà?
Con số tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam đã được kiểm soát dưới 3% vào cuối năm 2015 có thể được coi là hơi thấp so với thực tế. Do vậy, nếu NHNN không kiềm chế tỷ lệ này thì nợ xấu sẽ cao hơn mức đó và lượng nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.
Điều quan trọng là, Việt Nam phải làm sao xử lý được nợ xấu, thay vì chỉ gom lại rồi để đó. Việt Nam trải qua giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng trong những năm 2008 - 2009, sau đó kéo nợ xấu tăng, nhưng chính sách tiền tệ đã từng bước siết lại. Các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc bán nợ, kéo tỷ lệ nợ xấu xuống thấp so với mục tiêu của NHNN đưa ra.
Ngành ngân hàng vẫn đang từng bước đẩy mạnh tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng đang dần được tăng lên nhằm đáp ứng cầu vốn của nền kinh tế. Tuy nhiên, tôi cho rằng, hiện các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ cao đối với tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, hoạt động của khối doanh nghiệp này hiệu quả không cao như kỳ vọng.n