Tiêu dùng
Tiếp tục “hạ nhiệt” giá xăng dầu bằng công cụ thuế
Thế Hải - 12/08/2022 11:09
Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương về phương án giảm thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.
Giá xăng đã có 5 đợt giảm liên tiếp trong gần 2 tháng qua nhờ việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường và giá dầu thế giới hạ nhiệt.

Kỳ vọng thuế xăng dầu tiếp tục giảm

Trong nỗ lực của Chính phủ nhằm kéo giảm giá xăng dầu trong nước trước đà tăng mạnh của giá dầu thế giới, một số loại thuế, phí xăng dầu đã được dỡ bỏ hoặc “hạ nhiệt”. Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường được giảm về mức kịch sàn từ ngày 11/7 đến hết năm 2022 và thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng được giảm từ 20% về 10% từ ngày 8/8.

Sau chuỗi ngày tăng nóng trong quý II/2022, giá xăng đã có 5 đợt giảm liên tiếp trong gần 2 tháng qua nhờ việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường và giá dầu thế giới hạ nhiệt. Giá xăng RON 95 từ mức cao điểm gần 33.000 đồng/lít về quanh mức 24.000-25.000 đồng/lít.

Theo các doanh nghiệp đầu mối, giảm 10% thuế MFN với xăng động cơ, xăng không pha chì không giúp nhiều cho việc giảm giá xăng, bởi tỷ trọng nhập khẩu từ các nước áp thuế này hiện chiếm không đáng kể trong tổng lượng xăng tiêu thụ cả nước. Dù vậy, động thái này giúp thị trường đa dạng hóa nguồn cung, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia

Lúc này, dư địa để kéo giảm giá xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế đang trông chờ vào thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt. Với chỉ đạo của Chính phủ nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh..., mới đây, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương về phương án giảm các loại thuế này đối với xăng dầu.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai xây dựng văn bản theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Mặt hàng xăng dầu đang chịu mức thuế giá trị gia tăng 10% tương tự nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ khác. Về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị tăng thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay.

Giá hàng hóa cần hạ nhiệt mạnh hơn

Trong bối cảnh giá xăng RON 95 đã giảm mạnh, giá cả hàng hóa, dịch vụ tuy giảm, nhưng vẫn ở mức cao, giá dịch vụ taxi, vận tải vẫn đang “đứng im”. Mới đây, đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu phải kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ theo đà giảm của giá xăng dầu.

Lúc này, dư địa để kéo giảm giá xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế đang trông chờ vào thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Sau một loạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các trưởng ngành về quản lý giá, điều hành giá dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh, trên thị trường, giá hàng hóa đã bắt đầu hạ nhiệt, nhưng mức độ giảm chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân.

Lý giải về việc giá xăng dầu trong nước giảm mạnh, nhưng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn biến động tăng, Bộ Tài chính cho rằng, do nhiều yếu tố tác động đan xen như giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ. Một số mặt hàng có giá nguyên liệu đầu vào tăng trong thời gian dài, nên chưa thể giảm giá ngay, hoặc cần độ trễ sau khi giá xăng dầu giảm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm, giá xăng dầu tăng gần 50% so với cùng kỳ, cộng với giá thực phẩm tăng, ăn uống ngoài gia đình tăng… là những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,54%, lạm phát cơ bản tăng 1,44%.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, gánh nặng chi phí của người tiêu dùng sẽ nhẹ bớt khi giá xăng dầu giảm, kéo theo giá cả hàng hóa thiết yếu giảm theo tương ứng. Nhưng nghịch lý là, dù giá xăng giảm mạnh, nhưng giá hàng hóa không giảm kịp theo giá xăng.

Không thể chờ giá hàng hóa tự động giảm theo giá xăng dầu, ngay lúc này, đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và bảo đảm cung cầu hàng hóa đang được triển khai theo chỉ đạo khẩn của Bộ trưởng Công thương. Đợt kiểm tra kéo dài đến hết năm.

Tin liên quan
Tin khác