Sam Dogen 41 tuổi, là người sáng lập trang web tài chính cá nhân Financial Samurai. Ở tuổi 28, anh đã có khối tài sản ròng trị giá một triệu đôla. Năm 34 tuổi, anh nghỉ hưu sau 13 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư và hiện là một huấn luyện viên tennis, cộng tác viên cho nhiều trang báo tài chính...
Mỹ hiện có khoảng 11,8 triệu người có tài sản ròng hơn một triệu đôla, chiếm 3% dân số toàn quốc. Dù trở thành triệu phú ngày nay không phải là điều gì quá to tát như trước, nhưng đạt được cột mốc đó vẫn là một thành tựu đáng kể. Theo Sam, không có công thức bí mật nào cho sự thành công, nhưng con đường trở thành triệu phú sẽ dễ dàng hơn nhiều khi bạn đang ở độ tuổi 20, bởi lúc này bạn nhiều năng lượng hơn, ít sự phụ thuộc hơn và cũng ít mất mát hơn.
Sam cho rằng, làm việc chăm chỉ ngay từ khi còn trẻ giúp một người tiến xa nhanh hơn. Ảnh: jacoblund |
Dưới đây, Sam Dogen chia sẻ 10 quy tắc tài chính đã giúp mình trở thành triệu phú:
1. Chăm chỉ học tập
Lười biếng, thả lỏng bản thân sẽ không giúp bạn đi đến đâu. Thói quen xem truyền hình hay phim bộ chỉ làm xấu bảng điểm của bạn. Bạn đã tốn rất nhiều tiền để đi học, tại sao không tận dụng?
Bạn có thể khăng khăng rằng điểm số không quan trọng, nhưng sự cạnh tranh trên thị trường lao động sẽ không thay đổi. Một số công ty uy tín nói "Điểm không phải là tất cả" không có nghĩa họ không hỏi bảng điểm của bạn. Tốt nghiệp với điểm trung bình 3,78 đã giúp tôi có một công việc tại Goldman Sachs, sau 6 tháng ráo riết xin việc và trải qua 55 cuộc phỏng vấn.
2. Tiết kiệm cho đến khi cảm thấy khó khăn
Tôi từng là một sinh viên nghèo, lúc đó, kiếm được một công việc với bất kỳ mức lương phù hợp nào cũng khiến tôi cảm thấy giàu có. Nhưng tôi vẫn tiếp tục sống như một sinh viên trong nhiều năm tôi đi làm toàn thời gian.
Tôi không thấy lý do gì khiến mình phải cần quần áo đẹp hoặc một chiếc xe mới. Tôi đã thuê chung một căn phòng trọ với một người bạn trong hai năm để chi phí sinh hoạt ở mức thấp nhất có thể. Nhờ thế, tôi có thể tối đa hóa quỹ lương hưu của mình (dù nhận lương khiêm tốn) và tiết kiệm thêm được 20% thu nhập nữa.
Hãy cố gắng tiết kiệm ít nhất 20% thu nhập sau thuế của bạn. Hãy nhớ rằng, nếu bạn không bị khó khăn vì số tiền bạn tiết kiệm được mỗi tháng, thì bạn chưa tiết kiệm đủ.
3. Làm việc chăm chỉ và biết vị trí của bạn
Nếu bạn là nhân viên đầu tiên có mặt ở văn phòng và là người cuối cùng rời đi, chắc chắn bạn sẽ vượt lên. Làm việc chăm chỉ từ khi trẻ, bạn có thể thư giãn khi già hơn. Tất nhiên, cuộc sống xã hội của bạn sẽ bị ảnh hưởng phần nào, nhưng bạn còn trẻ và năng lượng của bạn là vô hạn.
Hồi mới đi làm, tôi luôn đến công sở lúc 5h30 sáng và về sau 7h30 tối. Tôi đã học được nhiều, làm việc nhiều hơn và nhận được sự tôn trọng của các đồng nghiệp. Ông chủ nhận ra sự chăm chỉ của tôi, nên tôi vẫn giữ được công việc của mình trong thời kỳ kinh tế suy thoái những năm 2000.
4. Xem xét cả chiến lược tích cực và bảo thủ
Đầu tư vào một quỹ chỉ số S&P 500 là tốt, nhưng nếu bạn muốn làm giàu nhanh, có thể đặt cược vào những nơi có rủi ro cao hơn, nguy cơ rủi ro càng nhiều cao thì thắng lợi càng lớn. Đừng điên cuồng và đặt cược tất cả tiền của bạn, nhưng hãy sẵn sàng thử nghiệm các chiến lược đầu tư mạo hiểm, bởi khi còn trẻ, bạn có rất ít để mất.
Khi tôi 22 tuổi, tôi chỉ có khoảng 4.000 đô la. Tôi đã đầu tư 80% tiền của mình vào một cổ phiếu và lãi 50% một phần nhờ may mắn. Nhưng tôi đã nghiên cứu chấp nhận một rủi ro lớn và đã được đền đáp.
5. Biến bất động sản thành người bạn tốt nhất
Để tránh lạm phát, hãy đặt mục tiêu sở hữu một ngôi nhà hay căn hộ ngay khi bạn chắc chắc nơi mình muốn sống trong 5 đến 10 năm tới. Năm 26 tuổi, tôi đã dùng số tiền kiếm được từ chứng khoán mua một căn hộ. Tôi trả hết tiền ngay từ đầu, vì thế căn hộ đã tạo ra cho tôi một nguồn thu nhập ổn định sau này.
6. Hãy sống dưới khả năng của bạn
Bạn càng trở nên giàu có, bạn càng nên tiết kiệm. Quá nhiều người trẻ lãng phí tiền vào những thứ họ không cần, chỉ để khoe với bạn bè hoặc trên mạng xã hội.
Không có gì xấu hổ khi còn trẻ và nghèo. Đi xe giá rẻ, sống trong một ngôi nhà khiêm tốn, không ăn quán hàng ngày, không mua những trang phục mà bạn không cần, bạn sẽ sớm trở thành triệu phú âm thầm.
Khi đã trở thành triệu phú, tôi mua một chiếc ôtô cũ đã lăn bánh được sáu năm và lái nó trong 10 năm tiếp theo. Sau đó, tôi thuê một chiếc xe bình dân và lái nó trong ba năm. Tôi vẫn mặc những bộ quần áo thể thao mà tôi đã mặc ở độ tuổi 20.
7. Làm thêm một công việc khác
Bạn có thể kiếm tiền bằng cách xin việc hoặc bắt đầu kinh doanh. Tốt hơn nữa, bạn có thể làm cả hai. Theo thời gian, công việc kinh doanh thêm có thể biến thành một doanh nghiệp lớn, tạo ra thu nhập thậm chí nhiều hơn so với công việc toàn thời gian của bạn.
Vào năm 2009, tôi đã ra mắt trang web Samurai Financial như một cách để hiểu được tất cả sự hỗn loạn tài chính. Tôi không ngờ trang web phát triển nhanh như vậy. Nó giúp tôi đủ tự tin để nghỉ việc vào năm 2012 và rời bỏ công việc chính của mình mãi mãi.
8. Xây dựng mạng lưới đồng minh
Để vượt lên, bạn nên có càng nhiều đồng minh càng tốt. Làm việc chăm chỉ chưa đủ, bạn phải nói chuyện với mọi người, thể hiện sự quan tâm đến họ và khiến họ thích bạn.
Khi bạn được một người có sức mạnh hỗ trợ, sự nghiệp của bạn sẽ thăng tiến nhanh hơn nhiều. Tôi luôn coi trọng việc ra ngoài uống cà phê cùng đồng nghiệp, ít nhất một lần một tuần. Xây dựng mối quan hệ sâu sắc giúp tôi được thăng chức phó chủ tịch ở tuổi 27.
9. Đầu tư vào giáo dục
Bộ não là tài sản lớn nhất của bạn. Hãy tiếp tục mở rộng kiến thức ngay cả khi đã tốt nghiệp đại học. Nhờ có internet, giờ đây bạn có thể học hầu hết mọi thứ miễn phí.
Sau khi hoàn thành chương trình MBA bán thời gian, tôi tiếp tục tham gia các khóa học để cập nhật mọi thứ liên quan đến tài chính. Điều đó cũng thúc đẩy tôi tiếp tục viết trên Financial Samurai, và càng làm, tôi càng kiếm được nhiều tiền.
10. Theo dõi tiến trình của bạn
Số tiền bạn tiết kiệm quan trọng hơn số tiền bạn kiếm được. Tôi biết nhiều người kiếm được hàng triệu đôla nhưng đã trắng tay sau đó vài năm vì họ không biết tiền đi đâu.
Tôi đã sử dụng một công cụ quản lý tài sản trực tuyến miễn phí từ năm 2012. Bằng cách chăm chỉ theo dõi giá trị ròng của mình, tôi đã có thể tối ưu hóa tài sản của mình một cách đầy đủ nhất.