Khác với các ứng dụng công nghệ, Vinasun trực tiếp đầu tư vào phương tiện vận tải và chịu khoản chi khấu hao hàng kỳ |
Quý đầu tiên thua lỗ của Vinasun
CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã VNS) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2020 với doanh thu hoạt động kinh doanh chính đạt hơn 365 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 16,8 tỷ đồng.
Lo ngại dịch bệnh đã làm giảm mạnh lượng khách du lịch cũng như nhu cầu đi lại của người dân, qua đó làm giảm lượng hành khách của các đơn vị vận tải như Vinasun. Điểm thuận lợi bù lại của doanh nghiệp này là giá xăng dầu giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm, hỗ trợ chi phí đầu vào. So với cùng kỳ năm 2019, chi phí nguyên liệu và nhân công lần lượt giảm 25% và 30%. Nhưng các khoản chi phí cố định như lãi vay (11 tỷ đồng) và chi phí khấu hao (99 tỷ đồng) vẫn tiếp tục phải hạch toán.
Đây là quý đầu tiên Vinasun báo lỗ và cũng kỳ kinh doanh có mức doanh thu thấp nhất kể từ quý I/2010.
Hơn hai năm trở lại đây, quy mô doanh thu của Vinasun bị thu hẹp đáng kể do sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh như Grab, Uber (sau này đã sáp nhập vào Grab)... Theo thông tin từ báo cáo thường niên năm 2019, Vinasun cho rằng hiện đang có gần 30.000 chiếc taxi dưới sự quản lý của nhóm các công ty nước ngoài riêng trên thị trường TP.HCM và áp dụng các phương thức cạnh tranh không bình đẳng.
Ngoài nỗ lực bảo vệ thị phần, nét nổi bật được điểm lại trong hoạt động kinh doanh năm 2019 là việc công ty đã dồn sức kiên trì đấu tranh về mặt pháp lý nhằm đảm bảo sự công bằng trong các điều kiện kinh doanh vận tải taxi. Vụ kiện giữa Vinasun và Grab cũng vừa có bản án phúc thẩm hôm 10/3. Một điều không thể phủ nhận là vụ kiện đã tiêu tốn không ít nguồn lực và thời gian của cả hai đơn vị. Vinasun được tuyên thắng kiện và nhận bồi thường 4,8 tỷ đồng từ Grab.
Doanh thu của Vinasun liên tục giảm từ năm 2016 đến nay |
Dòng tiền vẫn cân đối, chi phí khấu hao hơn 1 tỷ đồng mỗi ngày
Cạnh tranh miếng bánh thị phần là câu chuyện nổi lên của lĩnh vực vận tải taxi hai ba năm gần đây, nhưng bối cảnh năm 2020 đang đặt ra với Vinasun nói riêng và các đơn vị trong ngành này nói chung còn là sự thu hẹp đáng kể của thị trường. Khác với các ứng dụng gọi xe, hãng taxi truyền thống như Vinasun trực tiếp đầu tư hoặc hợp tác đầu tư để sở hữu các phương tiện vận tải. Đến cuối năm 2019, Vinasun có hơn 6.000 xe bao gồm 4.921 xe thuộc sở hữu trực tiếp và 1.113 xe thương quyền (hợp tác kinh doanh, ưu tiên thanh lý cho lái xe).
Theo báo cáo tài chính quý I vừa công bố, chi phí khấu hao của Vinasun riêng quý I là 99 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong điều kiện không đầu tư thêm tài sản cố định mới, chi phí khấu hao sẽ giảm dần khi ngày càng có nhiều tài sản đã được khấu hao hết. Tính bình quân mỗi ngày, chi phí khấu hao của Vinasun xấp xỉ 1,1 tỷ đồng/ngày trong quý đầu năm và sẽ còn tiếp tục quanh mức này ở các quý tới.
Dù đây không phải là khoản chi phí bằng tiền, nhưng sẽ trực tiếp trừ vào lợi nhuận hàng kỳ của công ty bất kể biến động của doanh thu. Khi Covid-19 lan rộng trên toàn thế giới, chỉ thị của Chính phủ về giãn cách xã hội đã khiến Vinasun phải tuyên bố tạm dừng hoạt động kinh doanh từ 01/04 đến nay. Điều này cũng đồng nghĩa Vinasun không ghi nhận được đồng doanh thu nào từ hoạt động vận tải taxi ít nhất trong ba tuần. Trong khi chi phí khấu hao và chi phí lãi vay còn khá lớn, các khoản định phí này dự kiến sẽ tiếp tục kéo kết quả kinh doanh xuống mức thua lỗ nếu doanh thu không kịp phục hồi để bù đắp.
Một điểm sáng trong tình hình tài chính của Vinasun thời điểm hiện tại là công ty đang sử dụng rất hạn chế đòn bẩy tài chính. Nguồn vốn vay chỉ chiếm hơn 30% tổng nguồn vốn xấp xỉ 2.450 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay ngân hàng là 490 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty có khoảng 230 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, tương đương 6% tổng tài sản. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh vẫn dương dù Vinasun lỗ trong quý I, nhờ tích cực thu hồi các khoản phải thu.