Tiêu dùng
Tiểu thương Hà Nội lên sàn, hết cảnh chật vật cửa hàng mặt phố
Như Loan - 07/07/2022 15:10
Từng loay hoay tìm mặt bằng trung tâm hút khách và xoay sở đủ đường để duy trì cửa hàng thời dịch, nhiều tiểu thương Hà Nội tìm thêm hướng kinh doanh hiệu quả hơn trên sàn TMĐT.

Khoảng 5 năm về trước, không hiếm tiểu thương Hà Nội chấp nhận đánh đổi “được cái nọ mất cái kia” khi tìm cửa hàng kinh doanh mặt phố. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 khiến hành vi người tiêu dùng thay đổi. Mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, kết hợp những lợi ích từ kênh bán hàng online đã thúc đẩy tiểu thương lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thích ứng với chuyển đổi số để thu về nhiều “cái được” hơn.

Từ phố lên sàn - Lợi ích nào cho tiểu thương?

Khởi sự kinh doanh trang sức nữ từ năm 2016, anh Hồ Tiến (phường Ba Đình, Hà Nội), Chủ thương hiệu Bảo Ngọc Jewelry mất hơn nửa tháng dạo khắp Thủ đô chỉ mong tìm thấy mặt bằng ngay trung tâm, có chỗ đậu xe thuận tiện với chi phí hợp lý. Nơi anh Tiến “chốt hạ” tọa lạc ngay mặt tiền, song diện tích không được như kỳ vọng bởi nguồn ngân sách hạn hẹp.

Thời điểm ấy, người tiêu dùng Hà Nội vẫn có tâm lý sờ tận tay, xem tận mắt trước khi mua sắm. “Mặt bằng quyết định đến 65% thành công của mô hình kinh doanh trực tiếp”, anh Tiến cảm thán. Vì vậy, không quá khó hiểu khi phần lớn tiểu thương ra sức tìm cửa hàng mặt phố mặc cho giá thuê đắt đỏ.

Cửa hàng trang sức của anh Tiến 3 năm trước. Ảnh: NVCC

Kinh doanh hơn 3 năm, anh Tiến buộc phải đóng cửa do không thể duy trì mặt bằng. Những tưởng biến động khiến việc bán buôn trì trệ, nam tiểu thương lại tìm thấy hướng đi mới trên sàn TMĐT Lazada. “Doanh thu trên Lazada nhỉnh hơn cửa hàng truyền thống khá nhiều, giúp tôi có thêm động lực chuyển sang kinh doanh trên TMĐT”, anh Tiến nhớ lại.

Vào những dịp lễ hội mua sắm lớn trong năm hay sinh nhật Lazada, doanh thu đổ về gian hàng anh Tiến tăng gấp 3-4 lần, có giai đoạn đột biến đến 6-7 lần. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng được duy trì đều đặn chứ không có dấu hiệu “trồi sụt”.

Nam tiểu thương hào hứng khi chia sẻ về LazLive - công cụ anh tâm đắc nhất trên sàn TMĐT này. LazLive cho phép các nhà bán hàng livestream trò chuyện và tương tác trực tiếp cùng khách hàng. Đồng thời, khách hàng có thể vừa theo dõi livestream, vừa thoải mái mua sắm, hưởng đa tầng ưu đãi từ sàn đến gian hàng.

Được biết, LazLive vừa ra mắt giải pháp Livestream O2O (online to offline), giúp các tiểu thương truyền thống dễ dàng tiếp cận hình thức livestream chỉ bằng chiếc điện thoại tại cửa hàng của mình. Livestream O2O cho phép nhà bán hàng kết nối nhanh chóng và hiệu quả hơn với khách hàng thông qua các hình thức trải nghiệm mua sắm thực tế, dùng thử sản phẩm ngay tại cửa hàng.

Giải pháp Livestream O2O mới ra mắt trên Lazada cho phép nhà bán hàng dễ dàng tiếp cận với hình thức livestream chỉ bằng chiếc điện thoại tại chính cửa hàng của mình

Có thể nói Lazada là sàn TMĐT tiên phong trong việc áp dụng hình thức livestream vào bán hàng và là bệ phóng khai phá thế hệ KOC (Key opinion customer – Người tiêu dùng có sức ảnh hưởng) chuyên nghiệp. Họ là cầu nối giúp nhà bán hàng tiếp cận và đưa sản phẩm của mình đến gần với khách hàng hơn.

Giải pháp đột phá doanh thu của tiểu thương Hà thành

Ngoài anh Tiến, không ít tiểu thương Hà Nội chọn Lazada cho chiến lược đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến. Anh Nam, chủ gian hàng mắt kính Lily Store là một trong số đó. Lựa chọn lên sàn TMĐT này giúp anh tăng lượng đơn hàng trong mỗi dịp lễ hội mua sắm lên gấp 40-50 lần ngày thường, bên cạnh những hỗ trợ về chi phí quảng cáo, đăng ký chương trình tốt, flash sales, banner hiển thị vào 3 tháng đầu lên sàn.

“Nhiều khách hàng, ngay cả tôi, rất thích mua hàng trên Lazada bởi chính sách quảng cáo và khuyến mãi hấp dẫn. Mắt kính Lily Store vừa tham gia LazMall từ tháng 3 và chắc chắn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư kinh doanh trên sàn”, anh Nam khẳng định.

Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố, TP. Hà Nội với 85,9 điểm, tăng 30,2 điểm so với năm 2021, đứng thứ hai trong bảng xếp hạng. Trong kế hoạch năm nay, Hà Nội phấn đấu mục tiêu doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng) chiếm 11% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn; tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 50%. 

Trước sức tăng trưởng của TMĐT, xu hướng lên sàn được dự đoán tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt khu vực phía Bắc. Để sẵn sàng cho những thay đổi này, đồng thời khuyến khích nhà bán hàng chuyển đổi sang nền tảng số với hiệu quả tối ưu hơn, đại diện Lazada cho biết sàn sẽ đẩy mạnh sáng tạo chương trình mới, công cụ độc đáo nhằm hỗ trợ tiểu thương và thu hút người dùng tại đây. Đồng thời, nền tảng này cũng tích cực mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng logistics tại nhiều tỉnh thành với tổng kinh phí đầu tư đến hàng trăm triệu USD. Trong đó, Lazada dự kiến xây dựng thêm một trung tâm phân loại hàng hóa tại Hà Nội với tổng diện tích khoảng 20.000 m2 cùng dây chuyền tự động hóa hiện đại.

“Sự đầu tư của chúng tôi nhắm đến mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn. Lazada mong muốn trở thành sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng và các doanh nghiệp thông qua những lợi ích vượt trội mà chúng tôi mang lại”, vị đại diện này nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác