Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược |
Giảm quy mô dự án được hỗ trợ đầu tư
Chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tám (tháng 10/2024), Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Dự thảo) vừa được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong phiên họp chuyên đề pháp luật ngày 12/8.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, sau Kỳ họp thứ bảy (Quốc hội cho ý kiến lần đầu về Dự thảo), Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra) đã phối hợp chặt chẽ với Ban Soạn thảo (Bộ Y tế) và các cơ quan có liên quan tổ chức nhiều hội thảo, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để tiếp thu, chỉnh lý.
“Dự thảo lần này đã làm rõ và cụ thể hơn nhiều quy định so với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ bảy”, bà Thanh nêu rõ.
Nội dung đầu tiên Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến là chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược.
Bà Thanh nhấn mạnh, Dự thảo quy định một số chính sách mới có tính đột phá về các lĩnh vực ưu tiên được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt, trong đó có quy định lĩnh vực và quy mô của dự án đầu tư cho một số lĩnh vực dược với tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu là 1.000 tỷ đồng trong thời hạn là 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư dược được áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt.
Trong khi đó, luật hiện hành quy định là, áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với dự án có quy mô vốn đầu tư là 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu là 10.000 tỷ đồng trong thời hạn là 3 năm. “Lần này điều chỉnh theo quy mô giảm xuống rất nhiều để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là quy mô chưa đủ lớn, còn nhỏ và vừa được ưu đãi”, bà Thanh giải thích.
Ngoài ra, theo Phó chủ tịch Quốc hội, Dự thảo còn quy định cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 15% thu nhập tính thuế hằng năm để lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và được thực hiện trong vòng 10 năm. “Đây là chính sách nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược, đề nghị các đồng chí quan tâm”, bà Thanh nêu.
Cũng đề cập chính sách mới này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói, quy định ưu đãi đối với dự án có quy mô 3.000 tỷ đồng và mức giải ngân trên 1.000 tỷ đồng là mức khác biệt lớn so với Luật Đầu tư.
Ông Mẫn đề nghị Chính phủ bổ sung trong báo cáo giải trình, làm rõ cơ sở xác định quy mô đầu tư để được hưởng chính sách ưu đãi, tính khả thi của chính sách, đồng thời cần nghiên cứu xem cần có chính sách riêng trong lĩnh vực này hay không hay áp dụng chung.
Đề nghị Chính phủ có quan điểm chính thức
Phát biểu sau đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nói, trong quá trình Bộ Y tế soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản góp ý kiến rất đầy đủ, rất kỹ về các nhóm vấn đề liên quan đến đầu tư.
Bà Ngọc cũng cho biết, chưa rõ đề xuất lĩnh vực dược được bổ sung ưu đãi vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng và thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư xuất phát từ thời điểm nào, nhưng khi lấy ý kiến thành viên Chính phủ thì chưa thấy có nội dung này. “Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng, báo cáo Chính phủ xem xét”, theo lời Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc.
- Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi
Bà Ngọc cũng báo cáo thêm, chế định ưu đãi đầu tư đặc biệt quy định ở Điều 20, Luật Đầu tư (dự án có quy mô vốn đầu tư là 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu là 10.000 tỷ đồng trong thời hạn là 3 năm) là xuất phát từ chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Theo đó, Bộ Chính trị chỉ đạo, cần phải có một cơ chế, chính sách ưu đãi, thật vượt trội, thật đặc thù để thu hút những dự án có tính lan tỏa lớn trong nền kinh tế, có quy mô lớn, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp trong nước vào các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo.
Vẫn theo Thứ trưởng Ngọc, theo quy định hiện hành, dược đã là ngành ưu đãi đặc biệt, khuyến khích đầu tư, còn việc phát triển ngành công nghiệp dược cần nhìn từ rất nhiều khía cạnh khác nhau, từ liên quan đến phát triển nguồn nguyên liệu, trình tự, thủ tục đối với việc tiếp cận đất đai để phát triển nguồn nguyên liệu và các vấn đề liên quan đến đóng gói, thành phẩm, tức là nằm trong gói tổng thể để phát triển ngành công nghiệp dược.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin phép tiếp thu ý kiến của Ủy ban Xã hội của Quốc hội và sẽ tiếp tục cùng với Bộ Y tế trao đổi để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và báo cáo Chính phủ. Về quan điểm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, đối với ngành dược, cần phải có ưu đãi, nhưng cách tiếp cận ưu đãi như thế nào, quy mô ưu đãi ra sao để đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, có chọn lọc, tránh việc nguồn lực bỏ ra quá nhiều, mà mức độ ưu đãi không được như mong muốn. Để định hướng phát triển ngành, cần phải tính trên tổng thể”, bà Ngọc nêu quan điểm.
Cũng liên quan đến chính sách ưu đãi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phân tích, theo quy định hiện hành, tỷ lệ trích tối đa trên thu nhập tính thuế hằng năm để lập Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp dược là 20%, nhưng Dự thảo điều chỉnh xuống còn 15%.
Ông Tùng đặt vấn đề, việc điều chỉnh giảm tỷ lệ trích Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ của các doanh nghiệp dược có phù hợp với mục tiêu và quan điểm sửa đổi luật là có chính sách ưu đãi cụ thể, vượt trội, đủ mạnh nhằm khuyến khích, thúc đẩy ngành công nghiệp dược trong nước phát triển đột phá, đáp ứng nhu cầu thuốc chữa bệnh cho nhân dân hay không.
Theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, khi xác định định hướng, quan điểm là phải tập trung đầu tư để nghiên cứu phát triển mà lại giảm tỷ lệ chi để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, như vậy có phù hợp giữa quy định cụ thể và quan điểm sửa đổi hay không, cần được làm rõ thêm.
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, “đang báo cáo Chính phủ để lấy ý kiến thành viên Chính phủ về các chính sách thu hút đầu tư”. “Đây là đề xuất ban đầu trong quá trình dự kiến tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến chính thức của Chính phủ sẽ trên cơ sở rà soát lại các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Bộ Chính trị và những định hướng chung”, Bộ trưởng nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh giải thích, nếu chỉ quy định chung về hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp dược, thì sẽ dừng lại như Luật Dược năm 2016. Bà Thúy Anh nhấn mạnh, Luật Dược hiện nay chưa đủ mạnh để phát triển công nghiệp dược, Dự thảo phải có những giải pháp đủ mạnh, có tính chất vượt trội, nhưng phải có đối tượng để có thể áp dụng được. Nếu quy định điều kiện được áp dụng ưu đãi ở mức cao quá, thì sẽ không có đối tượng. Như vậy, với mục đích ban hành chính sách, thì liệu có phù hợp hay không?
Gút lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nói, Thường vụ Quốc hội nhất trí cao về chủ trương quy định lĩnh vực, quy mô áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt, nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng phát triển mạnh mẽ công nghiệp dược, làm thay đổi tỷ trọng về thuốc trong nước trên thị trường thuốc. Song, cũng cần làm rõ cơ sở các quy định về chính sách ưu đãi từ thủ tục hành chính cho đến các chính sách khác.
Bà Thanh đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ các tác động, tính khả thi và đảm bảo tính phù hợp với hệ thống pháp luật về đầu tư của các chính sách ưu đãi. “Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí cao cần phải có chính sách và chính sách đặc thù, đặc biệt, tuy nhiên quy định như thế nào để cho phù hợp và khả thi thì đề nghị Chính phủ chính thức có quan điểm về nội dung này”, Phó chủ tịch Quốc hội nêu rõ.