Y tế - Sức khỏe
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 9/9: TP.HCM quy định đảm bảo chất lượng ô-xy; Hà Nội vừa chống dịch và sản xuất
D.Ngân - 09/09/2021 08:59
Sở Y tế TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM, đề nghị xây dựng quy định đảm bảo nguồn cung và chất lượng ô-xy phục vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn.

TP.HCM giảm 1.759 F0 so với ngày 8/9

Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước 12.420 ca Covid-19, giảm 264 ca. TP.HCM giảm 1.759 ca, Bình Dương tăng 1.359 ca, Đồng Nai tăng 66 ca, Long An tăng 40 ca, Tây Ninh giảm 10 ca. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 12.750.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 576.096 ca nhiễm, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, nước ta đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.856 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 571.745 ca, trong đó có 335.396 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (278.703), Bình Dương (146.296), Đồng Nai (32.059), Long An (27.216), Tiền Giang (11.274).

Hơn 770.000 liều vắc-xin được tiêm trong một ngày

Tối 9/9, Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 công bố thêm 272 ca tử vong tại TP.HCM (203), Bình Dương (40), Long An (8), Đồng Tháp (6), Tiền Giang (5), Cần Thơ (1), Khánh Hòa (2), Đà Nẵng (trong 2 ngày 8-9/9 là 3 ca), Hà Tĩnh (1), Quảng Nam (1), Tây Ninh (1), Vĩnh Long (1).

Ngoài ra, Bộ Y tế công bố bổ sung 73 ca tử vong trong thời gian trước đó tại Đồng Nai (64), Kiên Giang (5), Bình Thuận (4). Trung bình số bệnh nhân tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 310 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 14.470 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong trên thế giới (2,1%).

Trong ngày 8/9, 778.673 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 24.781.185 liều. Trong đó, tiêm 1 mũi là 20.591.403 liều, tiêm mũi 2 là 4.189.782 liều.

Bộ Y tế trình Chính phủ xem xét cơ chế phụ cấp cho nhân viên y tế

Ngày 9/9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế.

Tuy nhiên, hiện nay lực lượng y tế vẫn gặp không ít khó khăn, phải chịu sự hy sinh, mất mát, đối mặt với các nguy cơ đe dọa sức khỏe và tính mạng trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Để bù đắp phần nào những khó khăn và động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, ngày 9/9, Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét và thông qua các cơ chế chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt là chế độ phụ cấp cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch nói chung; phụ cấp đặc thù chuyên môn cùng chế độ ăn và sinh hoạt đối với lực lượng y tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ xem xét các chế độ chính sách cho cán bộ y tế cơ sở và cán bộ y tế làm công tác dự phòng với những điều khoản về hỗ trợ, đào tạo, thu hút cán bộ y tế, nhất là cán bộ y tế có trình độ đại học trở lên.

Một trong những điểm đáng chú ý trong các chính sách này là việc hỗ trợ hàng tháng cho lực lượng cán bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng. Điều này đã nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét các chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế, cô đỡ thôn bản tại những vùng miền núi, khó khăn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông tin thêm trước đó, theo kiến nghị của Bộ Y tế, tại Nghị quyết số 58/NĐ-CP ngày 8/6, Chính phủ đã phê duyệt các chính sách phụ cấp đặc thù đối với cán bộ tham gia công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19.

Đồng thời, Chính phủ phê duyệt chính sách áp dụng chế độ trong thời gian tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19 đối với học viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp khối ngành y dược, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách gồm chế độ bồi dưỡng chống dịch và chế độ tiền ăn, chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong thời gian ở lại nơi tình nguyện.

Kế hoạch phân bổ 1 triệu liều vắc-xin Sinopharm của Hà Nội

Từ nguồn vắc-xin VeroCell được Bộ Y tế cấp, Sở Y tế Hà Nội đã phân bổ cho 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Quận Hoàng Mai là địa bàn được phân bổ vắc-xin Sinopharm nhiều nhất, với gần 147.000 liều, tiếp sau là Hà Đông gần 104.000 liều, Đống Đa gần 86.000 liều, Thanh Trì có 70.000 liều, Cầu Giấy có gần 68.000 liều, Thanh Xuân gần 64.000 liều, Hai Bà Trưng có gần 62.000 liều, Bắc Từ Liêm gần 55.000 liều…

Sở Y tế Hà Nội cho biết tiêu chí phân bổ cho các quận, huyện, thị xã dựa trên nguyên tắc ưu tiên cho các địa bàn vùng một (vùng đỏ) và theo tỷ lệ người dân cần tiêm chủng theo dân số sau khi đã trừ số vắc-xin đã được cấp.

Sở Y tế Thành phố yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, các bệnh viện công lập và ngoài công lập, trung tâm y tế trên địa bàn huy động sự vào cuộc của tất cả các cấp, phát huy tối đa năng lực tiêm chủng, sử dụng các dây chuyền tiêm chủng đã được phân bổ và tổ chức thêm các điểm lưu động, các điểm tiêm gần dân nhất như tại phường, xã, tổ dân phố, khu phố.

“Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, giảm bớt thủ tục hành chính, bố trí nhân lực tham gia tiêm chủng làm việc toàn thời gian để đẩy nhanh tiến độ tiêm”, văn bản của Sở Y tế Hà Nội nêu rõ.

Cơ quan này yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch tiêm chủng hợp lý, đảm bảo sử dụng vắc-xin hiệu quả. Mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm một loại vắc-xin ở một thời điểm để tránh thắc mắc, đảm bảo công bằng, minh bạch cho người được tiêm.

Đến nay, ngành Y tế Hà Nội đã tiêm được gần 3 triệu mũi vắc-xin Covid-19. Theo thống kê, hơn 2,5 triệu người đã tiêm mũi một, gần 320.000 người đã tiêm 2 mũi.

Nếu tính thêm số liệu từ các viện, bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn Hà Nội, đến nay, gần 3,8 triệu liều vắc-xin được tiêm trên địa bàn TP. Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên ở Hà Nội được tiêm vắc-xin hiện khoảng 57%.

Hà Nội còn 6 ổ dịch phức tạp

Ngày 9/9 Hà Nội ghi nhận thêm 36 ca mắc Covid-19. Các ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung hay Văn Chương tiếp tục tăng số ca mắc.

Sở Y tế Hà Nội tối 9/9 cho biết trong 6 giờ chiều nay Thành phố chỉ ghi nhận 1 ca dương tính SARS-CoV-2 mới tại khu cách ly. Như vậy tính từ 18 giờ ngày 8/9 đến 18 giờ ngày 9/9, Hà Nội phát hiện 36 ca nhiễm mới.

Ca dương tính mới có địa chỉ tại Trần Kim Xuyến, phường Yên Hoà, Cầu Giấy. Bệnh nhân vào viện chăm sóc con là bé N.S.Q.M từ ngày 1/9 tại Bệnh viện Đức Giang và đã được xét nghiệm âm tính trước đó. Ngày 8/9, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 kết quả dương tính.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 3.696 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.578 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly có 2.118 ca.

Hiện Hà Nội có 6 ổ dịch mới phức tạp, vẫn tiếp tục ghi nhận số ca mắc gia tăng, gồm:

Ổ dịch ở ngõ 24 Kim Đồng (Giáp Bát, Hoàng Mai) phát hiện ca mắc đầu tiên hôm 24/8 đến nay ghi nhận 48 ca bệnh liên quan (riêng quận Hoàng Mai có 46 ca);

Ổ dịch ở xã Tân Lập, huyện Đan Phượng phát hiện ca mắc đầu tiên hôm 28/8 nay đã có 20 ca; Ổ dịch ở chợ Ngọc Hà có 22 ca trong đó ca đầu tiên phát hiện hôm 28/8;

Ổ dịch ở Phường Thanh Xuân Trung đến nay có 532 ca mắc, ca đầu tiên hôm 23/8; Ổ dịch phường Văn Miếu đến nay có 117 ca, ca đầu tiên hôm 3/7; Ổ dịch ở Văn Chương (Đống Đa) đến nay có 93 ca, ca đầu tiên phát hiện hôm 17/7.

Hà Nội vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất

Với mục tiêu vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Thành phố đã có 4.337 doanh nghiệp thành lập “Tổ An toàn Covid-19” trong doanh nghiệp, với 11.504 Tổ và 50.615 người tham gia.

Trong đó, Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã thành lập 2.116 “Tổ An toàn Covid-19” tại 408 doanh nghiệp, với 8.705 người tham gia; thành lập 304 “Tổ An toàn Covid-19” tại 112 doanh nghiệp, với 1.078 người tham gia ở các công đoàn cơ sở không trực thuộc Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất và doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn cơ sở.

Theo Liên đoàn lao động Thành phố, các công đoàn trong doanh nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động“Tổ An toàn Covid-19”; phối hợp chính quyền đồng cấp, lãnh đạo doanh nghiệp triển khai xây dựng mô hình“Vùng xanh doanh nghiệp” để quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ kép: “vừa chống dịch tốt, vừa sản xuất kinh doanh an toàn”.

Đặc biệt, đến nay đã có 615 điểm “Vùng xanh doanh nghiệp” được chính quyền địa phương phê duyệt phương án hoạt động; điển hình là Liên đoàn lao động quận/huyện: Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Ba Đình; huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thanh Oai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh…

Cũng theo Liên đoàn lao động Thành phố, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và qúa trình thực hiện giãn cách xã hội nên hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất-kinh doanh hoặc hạn chế hoạt động để đảm bảo công tác an toàn phòng, chống dịch theo quy định “3 tại chỗ”,“một cung đường, hai điểm đến”.

Qua thống kê, hiện có 881 doanh nghiệp với 65.396 công nhân lao động thực hiện “3 tại chỗ”; 431 doanh  nghiệp với 36.474 công nhân lao động thực hiện “Một cung đường, hai điểm đến”.

***

Về tình hình dịch, sáng 9/9, Hà Nội có 5 ca dương tính mới, gồm 2 ca ở Hoàng Mai, Hai Bà Trưng (1) và Thanh Trì (2). Trong số này, hai trường hợp từng có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Một số ổ dịch tại Hà Nội đang có những diễn biến phức tạp là: Thanh Xuân Trung (516 ca nhiễm), Văn Miếu (117), Văn Chương (90), ngõ 24 Kim Đồng (48), chợ Ngọc Hà (22), Tân Lập (20). Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.663 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Nhiều tỉnh, thành phố tiêm vắc-xin Sinopharm

Một triệu liều vắc-xin VeroCell do hãng dược Sinopharm sản xuất đã được cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế cấp cho Hà Nội.

Như vậy, đến nay Bộ Y tế đã cấp cho ngành Y tế thủ đô 4,3 triệu liều vắc-xin, chưa tính khoảng một triệu liều vắc-xin phân bổ cho các viện, bệnh viện, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn TP.

Tính đến hết ngày 8/9, có hơn 24,9 triệu liều vắc-xin các loại được tiêm. Hiện, nhiều địa phương trên cả nước triển khai tiêm vắc-xin VeroCell như TP.HCM, Bình Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Nghệ An, Đồng Nai… Riêng tại TP.HCM, 1,4 triệu người đã tiêm vắc-xin này.

***

Ngày 8/9, thành phố Hải Phòng đồng loạt tiêm vắc-xin Vero Cell mở rộng cho các nhóm ưu tiên gồm cán bộ, giáo viên, công nhân, người dân tại 54 điểm tiêm trên địa bàn Thành phố. 

Theo kế hoạch, từ hôm nay tới khoảng 24/9, Hải Phòng sẽ tiêm vắc-xin Vero Cell mũi 1 cho khoảng 500.000 người. Trong đó, đối tượng tiêm vắc-xin là nhóm tài xế, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, người tự nguyện đăng ký tiêm chủng.

Ngoài ra, trong đợt tiêm này, Hải Phòng mở rộng thêm đối tượng tiêm chủng là cán bộ nhân viên làm việc tại các bến cảng, bến tàu xe, cán bộ giảng viên, giáo viên, cán bộ quận huyện, xã phường và người cao tuổi, người có bệnh nền.

***

Tỉnh Bình Dương cũng vừa được phân bổ 1 triệu liều vắc-xin Vero Cell của Sinopharm để tiêm cho người dân. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết, cơ quan này đã thông báo cho các địa phương trong tỉnh rà soát đăng ký người tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vừa được Trung ương phân bổ thêm 1 triệu liều vắc-xin Vero Cell của hãng Sinopharm.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, để bảo vệ “vùng xanh” việc thực hiện nghiêm “5K + vắc-xin” là giải pháp để tạo miễn dịch trong cộng đồng góp phần giảm ca bệnh, giảm tỷ lệ tử vong. Theo kế hoạch, vắc-xin sẽ được ưu tiên tiêm cho những khu vực “vùng đỏ”.

Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã tiêm được khoảng 906.655 liều, trong đó có 867.125 người đã mũi 1 và 39.530 người đã tiêm mũi 2 (theo báo cáo trên Hệ thống phần mềm).

***

Một số tỉnh, thành đã triển khai tiêm rộng rãi vắc-xin Vero Cell cho người dân như Quảng Ninh (đã tiêm hơn 80.000 liều), Đồng Nai (đã tiêm khoảng 3.000 liều), TP.HCM (đã tiêm hơn 900.000 liều). Những liều vắc-xin Vero Cell đã tiêm đến nay đều an toàn.

Vắc-xin này được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch Vắc-xin Vero Cell hôm 3/6, được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên. Lịch tiêm gồm 2 mũi cách nhau 3-4 tuần.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết trong quá trình phê duyệt sử dụng khẩn cấp, WHO đã đánh giá hiệu quả, tính an toàn và chất lượng của vắc-xin VeroCell do Sinopharm sản xuất. 

Thử nghiệm giai đoạn 3 tại nhiều quốc gia cho thấy 2 liều vắc-xin Sinopharm được tiêm cách nhau 21 ngày có hiệu quả là 79% chống lại SARS-CoV-2 không triệu chứng, được tính 14 ngày trở đi sau liều thứ hai.

WHO kết luận rằng lợi ích mà vắc-xin Sinopharm đem lại lớn hơn những nguy cơ đã được biết hoặc có thể xảy ra.

Trong chiến lược tiêm chủng, Việt Nam đang sử dụng 5 loại vắc-xin Covid-19 để tiêm cho người dân, gồm: AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm và Sputnik V.

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, có thể tiêm mũi 2 vắc-xin Moderna hoặc Pfizer cho người đã tiêm mũi một là AstraZeneca. 

Nếu tiêm mũi một bằng vắc-xin do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc-xin do Pfizer sản xuất và ngược lại. Như vậy, người đã tiêm mũi một bằng vắc-xin VeroCell hay Sputnik V thì phải tiêm mũi 2 cùng loại. 

Đề nghị lập quy trình đảm bảo nguồn cung, chất lượng ô-xy y tế ở TP.HCM

Ngày 8/9, Sở Y tế có tờ trình gửi UBND TP.HCM, đề nghị xây dựng quy định đảm bảo nguồn cung và chất lượng ô-xy phục vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn.

Sở Y tế có tờ trình gửi UBND TP.HCM, đề nghị xây dựng quy định đảm bảo nguồn cung và chất lượng ô-xy phục vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn.

Sở Y tế kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các cơ sở sản xuất và kinh doanh ô-xy phải cung cấp kết quả kiểm nghiệm ô-xy cho nơi sử dụng.

Kết quả kiểm nghiệm ô-xy dùng trong y tế là kết quả kiểm nghiệm chất lượng khí của nhà sản xuất hoặc của các cơ quan có chức năng, theo tiêu chuẩn cơ sở của nhà sản xuất đối với từng lô khí y tế cung cấp vào các cơ sở y tế. Hàm lượng ô-xy và các hợp chất CO, CO2, dầu, hơi nước phù hợp quy định.

Trước khi kết nối ô-xy điều trị cho bệnh nhân, cơ sở sử dụng khí y tế yêu cầu đơn vị cấp ô-xy kiểm nghiệm hàm lượng khí tại ngõ ra của hệ thống cung cấp ô-xy. Hàm lượng khí không thấp hơn hàm lượng quy định.

Riêng chi phí sử dụng ô-xy y tế tại 3 trung tâm hồi sức thuộc Trung ương sẽ do ngân sách Thành phố chi trả, gồm Trung tâm hồi sức Việt Đức, Trung tâm hồi sức Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế.

Sở Y tế cho biết theo tính toán, nếu ngành Y tế dùng đồng thời 100% số lượng máy và mặt nạ thở có sử dụng ô-xy mỗi ngày, nhu cầu ô-xy của toàn bộ cơ sở y tế tại thành phố là 466 m3. Tuy nhiên, số ô-xy mà ngành y tế đang được cấp thực tế mỗi ngày chỉ có 335 m3. Hệ số sử dụng đồng thời của các giường có ô-xy cũng chỉ 72%.

Theo Sở Y tế, lượng ô-xy bình đang lưu hành chủ yếu được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, đa số chưa được kiểm định kỹ thuật, an toàn vỏ bình nhưng vẫn sử dụng do tình huống cấp bách hỗ trợ bệnh nhân.

Trong khi đó, một số cơ sở nạp khí không chấp nhận nạp cho các bình chưa kiểm định vì vi phạm quy định về an toàn, phòng cháy.

Tin liên quan
Tin khác