Nhiều cơ hội mở ra
Cùng với xu thế chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển các vùng trồng, vùng nguyên liệu sạch, nhiều doanh nghiệp trong nước cho biết, họ đang chờ chính sách về triển khai thị trường tín chỉ carbon để tận dụng nguồn thu nhập mới này.
Phát triển tại huyện Cần Giờ - nơi được mệnh danh là lá phổi xanh của TP.HCM - Công ty cổ phần Dừa nước Việt Nam (VietNipa) cho biết, sau khi có chính sách về giao dịch tín chỉ carbon, giá trị cây dừa nước có thể tăng gấp 50 - 100 lần.
Ông Phan Minh Tiến, Giám đốc VietNipa thông tin, một héc-ta dừa nước có thể hấp thụ 137 tấn carbon/năm. Trong khi đó, việc khai thác mật dừa nước của Công ty còn làm tăng lượng carbon được hấp thụ và chuyển hóa. Vì vậy, nếu có cơ chế, quy định, thì việc bán tín chỉ carbon là điều hoàn toàn có thể.
“Giá trị cây dừa nước tăng lên, đồng nghĩa với việc bà con nông dân trong vùng liên kết khai thác cây dừa nước có thêm thu nhập”, ông Tiến nói.
Trong khi đó, Công ty cổ phần RYNAN Technologies cũng đã làm việc với nhiều bên để thẩm định các tiêu chí trong cung cấp tín chỉ carbon.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch RYNAN Technologies cho biết, lĩnh vực sản xuất của RYNAN là nuôi tôm với mô hình TomGoxy, với tiêu chí quan trong nhất cần được xem xét là trung hòa carbon (carbon-neutral).
Theo TS. Nguyễn Thanh Mỹ, việc đạt được trung hòa carbon trước tiên là để sản phẩm có thể dễ dàng xuất khẩu đi các thị trường lớn với giá thành tốt hơn; còn đối với việc bán tín chỉ carbon thì còn phải chờ đợi các chính sách.
Tuy nhiên, không chờ chính sách để bán tín chỉ carbon, TS. Nguyễn Thanh Mỹ cho biết, RYNAN Technologies đang nghiên cứu các sản phẩm đo lường phát thải khí nhà kính, hỗ trợ quá trình giao dịch tín chỉ carbon trong tương lai gần.
Hiện tại, các doanh nghiệp lớn như Vingroup, FPT, MoMo... cũng đã kêu gọi các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia giải bài toán khó về thúc đẩy giao dịch và quản lý tín chỉ carbon. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm, giải pháp tới các khách hàng lớn tiềm năng.
Vẫn phải chờ chính sách
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, các doanh nghiệp ngóng trông chính sách, kỳ vọng việc triển khai chính thức thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Lý do là, xanh hóa đã là yêu cầu bắt buộc, không có sản xuất xanh thì gần như không thể xuất hàng. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần có sự vào cuộc nhanh hơn từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Đồng thời, theo ông Hòa, cộng đồng doanh cũng mong và cần được tư vấn, hướng dẫn về các quy chế, tiêu chuẩn trong giao dịch tín chỉ carbon, như giao dịch như thế nào, qua đâu, hành lang pháp lý ra sao…
Trong khi đó, theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, tín chỉ carbon đang là một đề tài hấp dẫn cho cả doanh nghiệp mua và bán. Ngân hàng Thế giới cũng đã có những hỗ trợ bước đầu cho hình thành thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo bà Hạnh, để hình thành thị trường tín chỉ carbon không chỉ đơn giản phụ thuộc vào việc doanh nghiệp khai thác được nhiều tín chỉ carbon, mà còn phải có hành lang pháp lý được xây dựng phù hợp, lực lượng bên mua, bên bán, lực lượng tư vấn… sẵn sàng, thì mới có một thị trường tương đối đầy đủ thành phần để hoạt động.
TS. Nguyễn Thanh Mỹ cho rằng, thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam sẽ phải mất vài năm nữa để chuẩn bị, bởi bên cạnh chính sách chưa hoàn thiện, thì công nghệ đo lường, phương pháp canh tác… cũng còn nhiều thiếu hụt.
Chính vì vậy, đây là thời điểm các doanh nghiệp cần bắt tay đầu tư, hướng dẫn người nông dân canh tác hợp chuẩn tại các vùng nguyên liệu nhằm đem lại lợi ích cho chính lực lượng lao động này cũng như cho doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Thanh Mỹ nên ví dụ trong canh tác lúa, với mỗi héc-ta lúa phát thải khoảng 4,2 tấn khí nhà kính mỗi vụ. Nếu có phương pháp canh tác phù hợp, sử dụng phân bón tốt hơn… thì có thể giảm tới 40% lượng phát thải, khoảng 2 tấn khí nhà kính/ha/vụ. Hiện nay, giá tín chỉ carbon 30 - 50 USD/tấn, với tỷ lệ giảm như trên, bà con nông dân có thể có thêm 1 - 3 triệu đồng thu nhập từ giao dịch tín chỉ carbon.
“Hình thành thị trường giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam còn là một hành trình dài hơi, cần có sự tiên phong từ các doanh nghiệp lớn trong nước, nhằm tạo động lực thúc đẩy chuỗi liên kết trong hành trình hướng tới Net Zero”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ nhận định.