Y tế - Sức khỏe
Tin dịch Covid-19 mới nhất ngày 10/8: Khởi động thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154; Xuất hiện chùm ca bệnh liên quan Viettel Post
D.Ngân - 10/08/2021 08:32
Bộ Y tế thông báo bắt đầu thu tuyển người tình nguyện tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 vắc-xin ARCT-154 phòng Covid-19.

Số ca mắc tại các ổ dịch Covid-19 tiếp tục giảm

Tối 10/8, Bộ Y tế công bố 3.241 ca mắc Covid-19, nâng tổng số người nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày ở mức 8.385, giảm 938 ca so với ngày 9/8.

Tính từ khi dịch Covid-19 xâm nhập vào nước ta đến chiều 10/8, Việt Nam đã có 228.135 ca nhiễm. Trong đó, 2.367 ca nhập cảnh và 225.768 ca nhiễm trong nước.

Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm virus trong nước được phát hiện là 224.198 người. Trong đó, 77.574 trường hợp đã được công bố khỏi bệnh.

Quan sát số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM cho thấy dịch tại đây có xu hướng đi ngang và giảm đáng kể từ ngày 28/7 đến nay.

Hôm nay, số bệnh nhân mới tại Thành phố giảm 35 so với hôm qua. Các chuyên gia đánh giá nếu tiếp tục các biện pháp kiểm soát như hiện nay, số ca tại TP.HCM có thể giảm mạnh trong những ngày tới.

So với ngày 9/8, số ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận tại Bình Dương hôm nay giảm tới 1.562 người. Đây là mức chênh lệch rất lớn so với những ngày vừa qua.

Tại Hà Nội, số ca mắc trong ngày giảm 8 ca so với ngày 9/8. Theo đó, trong ngày Hà Nội ghi nhận 62 trường hợp dương tính mới, trong khi đó ngày 9/8, số ca mắc mới là 70.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay là 1.915 trường hợp, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.111.

Thành phố tiếp tục khuyến cáo, tất cả người dân có dấu hiệu ho, sốt, viêm họng, mất vị giác, khứu giác... cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế gần nhất để được lấy mẫu xét nghiệm miễn phí.

Gần 500.000 liều vắc-xin AstraZeneca tiếp tục về Việt Nam

Ngày 10/8 nguồn tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác nhận thêm 494.400 liều vắc-xin Covid-19 AstraZeneca từ Cơ chế COVAX đã về tới sân bay Nội Bài. Hiện số vắc-xin này đã được chuyển về kho bảo quản của Viện.

Như vậy, tổng số vắc-xin hỗ trợ cho Việt Nam qua cơ chế COVAX đến nay là hơn 9,1 triệu liều, trong đó có hơn 5 triệu liều vắc-xin Moderna và hơn 4 triệu liều vắc-xin AstraZeneca.

Việt Nam đã cấp phép khẩn cấp cho 6 loại vắc-xin Covid-19 gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer/BioNTech, Sinopharm và Janssen.

Trong đó, vắc-xin AstraZeneca là vắc-xin đầu tiên được Việt Nam cấp phép sử dụng và cũng là vắc-xin có số lượng sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.

Hiện Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng hơn 11,5 triệu liều vắc-xin AstraZeneca, 12.000 liều vắc-xin Sputnik V, 746.000 liều vắc-xin Pfizer, hơn 5 triệu liều vắc-xin Moderna và 1,5 triệu liều vắc-xin Sinopharm. Tổng số liều vắc-xin Covid-19 Việt Nam có là trên 19 triệu.

Đến ngày 10/8, sau 5 tháng triển khai, Việt Nam đã triển khai tiêm được khoảng 10 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19, trong đó hơn 1 triệu người đã được tiêm đủ 2 mũi. TP.HCM đang là địa phương có tốc độ tiêm vắc-xin nhanh nhất cả nước.

TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng với gần 10 triệu liều đã được tiêm, WHO đánh giá cao từng nhân viên, cán bộ đã làm việc hết mình cho chiến dịch tiêm chủng chưa từng có này.

WHO khuyến cáo ưu tiên tiêm chủng cho nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu chống dịch và những người có nguy cơ cao hơn mắc bệnh nặng và tử vong như người cao tuổi và những người có bệnh nền.

Quy định mới về sàng lọc trước tiêm vắc-xin Covid-19

Ngày 10/8, Bộ Y tế ban hành quyết định 3802/QĐ-BYT kèm Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 thay thế những văn bản trước đó.

Đây là lần thứ 4 Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm vắc-xin Covid-19. Trong văn bản ban hành ngày hôm nay, cơ quan này đưa ra nhiều lưu ý mới.

Bộ Y tế quy định, các trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng là người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần vắc-xin.

Theo hướng dẫn mới này, phụ nữ mang thai và đang cho con bú chống chỉ định với vắc-xin Sputnik V. Ngoài ra, khi khám sàng lọc, nhân viên y tế cần hỏi tuổi thai với trường hợp là phụ nữ mang thai.

Nhân viên y tế cần giải thích nguy cơ/lợi ích, chỉ nên cân nhắc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho phụ nữ mang thai ≥13 tuần khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi.

Nhóm người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng gồm: Có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng; đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.

Các trường hợp phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng là người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền, bệnh mạn tính; người mất tri giác, mất năng lực hành vi, người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu; phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần; người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống...

Bộ Y tế yêu cầu không tiêm cho người có ít nhất một yếu tố phải trì hoãn. Trường hợp có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào cần chuyển điểm tiêm đến cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu phản vệ.

Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần sau khi được giải thích nguy cơ/lợi ích nếu đồng ý tiêm chủng cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.

Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo phụ nữ đang mang thai, cho con bú, có ý định mang thai đều nên tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Bởi vắc-xin không ảnh hưởng khả năng sinh sản, chu kỳ kinh nguyệt, an toàn với cả mẹ và bé. Phụ nữ mang thai có thể được tiêm nếu lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn do vắc-xin gây ra.

Đặc biệt, WHO nhấn mạnh phụ nữ mang thai có nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 (ví dụ nhân viên y tế) hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh nặng (đang bị bệnh lý nền) nên tư vấn với bác sĩ để cân nhắc tiêm phòng Covid-19.

Theo hướng dẫn trước, Bộ Y tế yêu cầu người trên 65 tuổi phải thận trọng khi tiêm vắc-xin Covid-19.

Những người này phải được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu. Hướng dẫn ban hành ngày 10/8 đã bỏ thông tin này.

Hiện tại, khoảng cách giữa mũi 1 và mũi 2 khi tiêm vắc-xin Covid-19 đã được phê duyệt tại Việt Nam gồm AstraZeneca: 8-12 tuần; Sputnik V: 3 tuần; Comirnaty (Pfizer): 3 tuần; Spikevax (Moderna): 4 tuần; Vero Cell: 3 - 4 tuần.

Hà Nội: Test Covid-19 diện rộng tại 30 quận, huyện

Theo CDC Hà Nội, từ 6h ngày 10/8 đến 12h ngày 10/8 Thành phố ghi nhận 42 ca mắc mới Covid-19, trong đó huyện Đông Anh (14), Thanh Trì (8), Mê Linh (6), Thường Tín (4), Hoàng Mai (3), Bắc Từ Liêm (3), Hoàn Kiếm (1), Hai Bà Trưng (1), Chương Mỹ 91), Đống Đa (1).

Như vậy tính từ 18 giờ ngày 9/8 đến 12 giờ ngày 10/8 Hà Nội có 56 ca mắc mới. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 1.909 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.108 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 801ca.

Đặc điểm các ca bệnh ghi nhận trong 3 tuần gần đây: 634/1.369 ca (46%) được phát hiện sau khi xét nghiệm tại cộng đồng (xét nghiệm lần 1) tại thôn Thọ Am (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì), tổ dân phố Hoa Vôi (huyện Quốc Oai), chợ Phùng (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất).

Để phòng chống dịch, Hà Nội dự kiến lấy khoảng 300.000 mẫu test Covid-19 nguy cơ cao tại 30 quận, huyện, thị xã trong 7 ngày từ 10 - 17/8 để "bóc sạch" F0 khỏi cộng đồng.

Lãnh đạo CDC Hà Nội cho biết, kế hoạch xét nghiệm lần này nhằm phát hiện sớm người mắc bệnh trong các khu vực nguy cơ cao, các nhóm nguy cơ cao, dễ mắc bệnh và lây lan. Từ đó, đánh giá tình hình và có các biện pháp chống dịch kịp thời. Việc xét nghiệm phải đảm bảo giãn cách, không tụ tập đông người, tránh lây lan dịch bệnh.

Đối tượng lấy mẫu gồm người đang sinh sống tại các khu vực nguy cơ cao (thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân phố), nơi có nhiều bệnh nhân, nhiều ổ dịch, mật độ dân cư lớn, giao lưu đi lại nhiều có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. 

Nhóm người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh và làm lây lan dịch bệnh, gồm: Người làm dịch vụ vận chuyển hàng hoá, bán hàng ở chợ, siêu thị, vận chuyển phân phối các mặt hàng thiết yếu, người làm dịch vụ vệ sinh công cộng, lái xe taxi, công nhân các khu công nghiệp… 

Việc lựa chọn đối tượng đối với khu vực nguy cơ, lấy mẫu gọn theo khu vực địa lý, theo thôn xóm, tổ dân phố, theo hộ gia đình, cửa hàng, nhà trọ liền kề, phòng trọ, công ty, cơ quan, xí nghiệp… chọn 2 người có mật độ tiếp xúc, đi lại nhiều để lấy mẫu đại diện cho mỗi hộ, cửa hàng, phòng trọ. Đối với nhóm người nguy cơ, lập danh sách để lấy mẫu đại diện hoặc toàn bộ tuỳ thuộc vào số lượng cụ thể từng đơn vị.

CDC Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tổ chức xây dựng kế hoạch và chỉ đạo lấy mẫu đúng đối tượng, đảm bảo an toàn không lây lan dịch bệnh. Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo phân luồng lấy mẫu và xét nghiệm cho các bệnh viện tư nhân, công lập, các đơn vị có khả năng xét nghiệm trên địa bàn Hà Nội. 

***

Tính từ 18h30 ngày 9/8 đến 6h ngày 10/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 5.149 ca nhiễm mới tại TP.HCM (2.490), Bình Dương (1.325), Đồng Nai (354), Long An (313), Bà Rịa - Vũng Tàu (109), Tây Ninh (102), Tiền Giang (100)…

Như vậy, tính đến sáng 10/8, Việt Nam có 224.894 ca nhiễm gồm 2.367 ca nhập cảnh và 222.527 ca trong nước.

Bộ Y tế thông báo bắt đầu thu tuyển người tình nguyện tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 vắc-xin ARCT-154 phòng Covid-19. 

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 220.957 ca, trong đó có 73.146 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Ngày 9/8, 599.941 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 9.987.587 liều (tiêm 1 mũi là 8.984.300 liều, tiêm mũi 2 là 1.003.287 liều).

Về tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19, Bộ Y tế cho biết một số tỉnh, thành phố có tiến độ tiêm chủng chậm so với số lượng được phân bổ. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý các địa phương đẩy nhanh tiến độ, bố trí cả điểm tiêm cố định và lưu động, càng nhiều điểm tiêm càng tốt.

Chuẩn bị khởi động thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154 

Bộ Y tế thông báo bắt đầu thu tuyển người tình nguyện tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 vắc-xin ARCT-154 phòng Covid-19. 

Đây là vắc-xin công nghệ Mỹ, chứa RNA tự nhân bản, được cải tiến để có thể phòng chống biến chủng Delta. Ngày 15/8, nhóm nghiên cứu sẽ khởi động chương trình thử nghiệm.

Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3679/QĐ-BYT phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154 phòng Covid-19. 

Trường Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Học viện Quân Y là 3 đơn vị chịu trách nhiệm thử nghiệm lâm sàng. Nghiên cứu sẽ được thực hiện cả 3 giai đoạn 1, 2, 3 ở Việt Nam trên người tình nguyện tham gia nghiên cứu từ 18 tuổi trở lên.

Theo kế hoạch ngày 15/8/2021 sẽ tổ chức khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154 phòng Covid-19 tại trường Đại học Y Hà Nội. 

Hiện tại nhà trường đang bắt đầu thu tuyển người tình nguyện khỏe mạnh, độ tuổi từ 15-59, không có tiền sử mắc các bệnh nhiễm trùng SARS, MERS hoặc SARS-CoV-2.

Trong đó, giai đoạn 1, thực hiện tại Trường Đại học Y Hà Nội trên 100 người tình nguyện. Ngoài ra, tình nguyện viên trong giai đoạn 1 phải chưa từng tiêm vắc-xin ngừa Covid-19; đồng ý tuân thủ các quy trình của nghiên cứu và thực hiện ít nhất 8 lần thăm khám lâm sàng theo lịch trình nghiên cứu tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội.

Giai đoạn 2, thực hiện trên 300 tình nguyện viên tại các tổ chức nhận thử và tại cộng đồng. Giai đoạn 3 thử nghiệm trên 20.600 đối tượng, trong đó giai đoạn 3a (600 người tình nguyện) và 3b (20.000 người tình nguyện).

Vắc-xin ARCT-154 do công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Mỹ sản xuất được một tập đoàn của Việt Nam đàm phán để chuyển giao công nghệ.

Hà Nội:14 ca mắc Covid-19, riêng Thạch Thất 7 ca

Sáng 10/8, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 14 trường hợp mắc mới (11 tại khu cách ly, 3 tại cộng đồng) tại 5 quận, huyện là Thạch Thất (7), Cầu Giấy (3), Đống Đa (2), Chương Mỹ (1), Hà Đông (1). Phân bố theo chùm ca bệnh gồm ho, sốt thứ phát (12); liên quan nhà thuốc Đức Tâm, 95 Láng Hạ (2).

Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.867 trường hợp dương tính, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.098, số mắc là đối tượng đã được cách ly 769. Hiện tại, Hà Nội vẫn còn 1598 bệnh nhân dương tính nằm ở các ổ dịch đang hoạt động, trong đó chỉ có 234 bệnh nhân thuộc các ổ dịch xác định được nguồn lây còn lại 1364 bệnh nhân thuộc các chùm ca bệnh chưa xác định rõ nguồn lây.

Đáng chú ý là chùm sàng lọc ho, sốt cộng đồng ghi nhận 100 bệnh nhân và chùm ho, sốt thứ phát với 756 bệnh nhân. 

Chính vì vậy, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục khuyến cáo người dân trên địa bàn thành phố có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ với y tế địa phương để được hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí.

Về ca bệnh Covid-19, tối 9/8, quận Bắc Từ Liêm thông báo khẩn tìm người liên quan đến Công ty Viettel Post.

Cụ thể, trong các ngày từ ngày 25/7 đến ngày 9/8/2021, những người có tiếp xúc với nhân viên, lái xe, người giao nhận của Công ty Viettel Post và Viettel Logistic tại Hà Nội và các tỉnh lân cận cần thực hiện ngay tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay Trạm Y tế gần nhất hoặc liên hệ với Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm (khoa Kiểm soát dịch bệnh, số điện thoại: 0383340868) hoặc gọi điện thoại đến CDC Hà Nội, số 0969.082.115 hoặc số 0949.396.115 để được tư vấn. 

Chiều 9/8, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 22 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 9 ca tại khu cách ly, 13 ca tại cộng đồng, nâng số mắc trong ngày lên 70 ca (21 ca tại cộng đồng và 49 ca tại khu cách ly). 

Đáng lưu ý, trong 22 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ghi nhận chiều nay, có đến 6 nhân viên Công ty Viettel Post mắc Covid-19.

Tin liên quan
Tin khác