Tín dụng đi chậm lại
Đến cuối tháng 3/2018, tín dụng ước tăng khoảng 3,5% với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 4,3%); trong đó, tín dụng VND ước tăng 3,3%, chiếm 91,9% tổng tín dụng, trong khi tín dụng ngoại tệ tăng 5,4%, chiếm 8,1% tổng tín dụng (cuối năm 2017 là 7,9%). Đặc biệt, trong quý I, tín dụng trung và dài hạn tăng 4,3%, trong khi tín dụng ngắn hạn chỉ tăng 2,6%. Tín dụng trung, dài hạn đến cuối tháng 3 chiếm 53,2% tổng dư nợ cho vay toàn ngành (cuối năm 2017 là 52,8%).
Huy động vốn của các ngân hàng chủ yếu là kỳ hạn ngắn |
Tín dụng tăng chậm lại là điều hơi bất ngờ vì lãi suất vẫn trong xu hướng giảm. Lãi suất liên ngân hàng trung bình tuần qua có xu hướng giảm nhẹ đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần với biên độ giảm từ 0,05 - 0,09%/năm, theo Bản tin trái phiếu tuần từ 26/3 - 30/3/2018 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC). Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,05%/năm về mức 0,8%/năm; lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần giảm 0,09%/năm về mức 0,9%/năm; lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần giảm 0,05% về mức 1,16%/năm.
Diễn biến lãi suất này, theo một lãnh đạo cao cấp BIDV, là bình thường và nằm trong dự báo. Lãi suất giảm nhẹ do huy động vốn dự kiến tăng trưởng nhanh hơn so với cho vay trong bối cảnh tiền mặt tiếp tục trở lại hệ thống ngân hàng, trong khi tín dụng dự kiến vẫn chưa thể tăng trưởng mạnh trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước dự kiến giảm nhẹ, nhưng vẫn duy trì ở mức cao do giải ngân đầu tư công trong giai đoạn đầu năm chưa có nhiều cải thiện.
Trong một diễn biến khác, tuần cuối cùng của tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 14.000 tỷ đồng tín phiếu mới loại 28 ngày, trong khi không có lượng vốn đáo hạn qua kênh này. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 14.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu trong tuần. Đây cũng là tuần thứ 6 liên tiếp kể từ sau Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước hút ròng tiền về, với tổng lượng hút ròng lên tới gần 158.000 tỷ đồng.
“Việc phát hành một khối lượng tín phiếu lớn như vậy, nhưng hệ thống vẫn hấp thụ hết cho thấy thanh khoản của các ngân hàng hiện vẫn tích cực trong ngắn hạn, tuy nhiên trong dài hạn cần phải quan tâm”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
… nhưng cho vay trung và dài hạn đang tăng lên
Tuy nhiên, TS. Hiếu cho rằng, thanh khoản hiện tại của hệ thống không nói lên được nhiều điều, bởi đây chỉ là thanh khoản tạm thời. Các ngân hàng cần chú ý đến diễn biến tín dụng trung và dài hạn đang tăng lên, bởi vốn lưu động của các ngân hàng chủ yếu là kỳ hạn ngắn.
“Để tăng nguồn vốn huy động cho trung, dài hạn, hệ thống ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất trung dài hạn. Tuy nhiên, điều này sẽ đi ngược với chủ trương hạ lãi suất, nhưng nếu thanh khoản không được đảm bảo sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác”, TS. Hiếu nhấn mạnh.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng hạn mức cấp tín dụng đối với lĩnh vực BOT, BT giao thông tính đến ngày 30/9/2017 là gần 169.000 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng xấp xỉ 91.000 tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối năm 2016, chiếm khoảng 1,5% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đến thời điểm 30/11/2017 đạt 416.000 tỷ đồng, tăng gần 9% so với 31/12/2016, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 7% dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế. Dư nợ cho vay phục vụ đời sống đối với nhu cầu mua nhà tại thời điểm 30/11/2017 là hơn 552.000 tỷ đồng, tăng trên 24% so với tháng 1/2017, chiếm khoảng 9% dư nợ tín dụng chung.
Được biết, giai đoạn 2000 - 2015, có tới 45 dự án BOT giao thông hoàn thành và đưa vào khai thác đều vay các ngân hàng đến 94.106 tỷ đồng, chiếm 85,3% tổng mức đầu tư của các dự án. Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng thừa nhận, nhu cầu vốn cho các dự án BOT rất lớn, cho nên hệ thống ngân hàng vẫn có thể tiếp tục cung ứng vốn cho vay.
Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tăng cường chức năng thẩm định để đảm bảo lựa chọn được các nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự và có các dự án khả thi thì mới tiếp tục cho vay; đồng thời quản lý chặt tình hình sử dụng vốn của chủ đầu tư và các diễn biến có liên quan để không gây rủi ro đến các khoản tín dụng của ngân hàng.
“Hệ thống ngân hàng vẫn cho vay nhưng với điều kiện phải an toàn… Các dự án BOT có thời gian cho vay từ 15 đến 20 năm và thậm chí cao hơn với nguồn vốn rất lớn trong khi chủ yếu nguồn vốn của hệ thống ngân hàng đến từ nguồn vốn huy động ngắn hạn, nên rủi ro về chênh lệch kỳ hạn là rất lớn, nếu chúng ta không kiểm soát tốt”, Thống đốc nhấn mạnh.