Ngân hàng - Bảo hiểm
Tín dụng quý I tăng, dự phòng giảm
Thùy Vinh - 08/04/2018 08:57
Nhìn chung, kết quả kinh doanh quý I/2018 của ngân hàng khởi sắc, với tín dụng tăng trưởng tích cực, trong khi áp lực dự phòng rủi ro giảm.

Lãi ngàn tỷ đồng

Mặc dù mới kết thúc quý đầu năm nay, song không ít nhà băng đã báo lãi ngàn tỷ đồng, gần bằng một nửa so với mức thực hiện được trong năm ngoái. Chẳng hạn, tại HDBank - một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong 2017 - ước tính lợi nhuận quý I/2018 đạt 1.050 tỷ đồng.

Lợi nhuận quý I/2018 của OCB tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Đức Thanh

Năm 2017, HDBank đạt hơn 2.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và nhà băng này dự kiến đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận cho năm nay là 3.921 tỷ đồng, tăng 65,3% so với năm trước. Như vậy, với mục tiêu lợi nhuận đưa ra, quý đầu năm 2018, nhà băng này đã thực hiện được hơn 25%.

Một trong những yếu tố giúp lợi nhuận HDBank tăng trưởng mạnh trong năm qua cũng như mức dự kiến thu về năm nay chính là nhờ sự đóng góp tích cực từ “con gà đẻ trứng vàng” HD Saison - Công ty tài chính mà HDBank nắm giữ hơn 50% vốn. Lãnh đạo HDBank cho biết, lợi nhuận đóng góp từ HD Saison hiện chiếm khoảng 30% trong tổng lợi nhuận của Ngân hàng trong những năm gần đây.

Trong khi đó, Ngân hàng MB cho hay, quý I/2018, doanh thu đạt 3.500 - 3.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tối thiểu là 1.600 tỷ đồng, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm 2017. Năm 2018, MB đặt chỉ tiêu lợi nhuận tăng 47%, tương ứng với khoảng 6.800 tỷ đồng.

Thông tin từ TPBank cho hay, đến hết tháng 2/2018, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 275,8 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên vừa diễn ra ngày 28/3, ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LienVietPostBank cho hay, quý đầu năm nay, Ngân hàng ước đạt hơn 500 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 28% kế hoạch cả năm và tăng hơn 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank trong năm nay là 1.800 tỷ đồng.

Dự phòng giảm

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng OCB cho biết, ước lãi quý I/2018 của ngân hàng này đạt 600 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước, bằng 30% kế hoạch năm. Một trong những lý do dẫn đến lợi nhuận ngân hàng tăng là tín dụng tích cực và áp lực dự phòng giảm. Ngân hàng đã có điều kiện tốt hơn trong xử lý nợ xấu kể từ khi có Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng. OCB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 là 2.000 tỷ đồng, gấp đôi mức thực hiện năm trước.

Mục tiêu lợi nhuận đưa ra của OCB cho năm nay được xem là đột phá so với những năm trước đó, song OCB cho biết, ngân sách trích lập dự phòng rủi ro dự kiến năm 2018 là 500 tỷ đồng, nhưng nhiều khả năng, Ngân hàng sẽ thu hồi được toàn bộ nợ xấu 728 tỷ đồng trái phiếu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và không phải trích lập dự phòng. Tuy nhiên, ban điều hành chưa đưa điều này vào dự toán lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng năm 2018. Mặt khác, với mức lợi nhuận đạt được trong quý đầu năm nay, người đứng đầu OCB cho biết, Ngân hàng tự tin để hoàn thành kế hoạch đưa ra cho cả năm, thậm chí vượt.

VIB cũng báo lãi trước thuế hơn 500 tỷ đồng trong quý I/2018, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2017. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2018 được HĐQT VIB trình cổ đông thông qua ở mức 2.005 tỷ đồng, nhưng nhà băng này cho biết, đó chỉ là mức sàn và hy vọng đạt cao hơn. Mức trích lập dự phòng của VIB dự kiến năm nay khoảng 420 tỷ đồng.

Lãnh đạo VIB còn cho biết, chỉ tiêu hơn 2.000 tỷ đồng lợi nhuận đưa ra năm nay là dựa trên chỉ tiêu tín dụng sàn, chứ không phải trần, tức là trong mọi trường hợp, mọi kịch bản tăng trưởng tín dụng, thì mức thấp nhất đặt ra là lợi nhuận 2.005 tỷ đồng. Room tín dụng của VIB do Ngân hàng Nhà nước phân bổ đầu năm nay là 14%, song nhà băng này kỳ vọng sẽ xin điều chỉnh lên 25%. VIB cũng tự tin rằng, trong quý I/2018, Ngân hàng đã đạt 510 tỷ đồng, nên cả năm rất có thể đạt 2.400 - 2.500 tỷ đồng, chứ không chỉ ở mức 2.000 tỷ đồng.

Ngành ngân hàng năm 2018 được dự báo vẫn có các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và xử lý nợ xấu tiếp tục được cải thiện nhờ Nghị quyết 42/2017/QH14. Nhờ vậy, lợi nhuận ngân hàng kỳ vọng tăng khoảng 30%.

Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, kết quả kinh doanh khả quan của ngành ngân hàng sẽ là động lực cho cổ phiếu “vua” tăng trưởng và thúc đẩy làn sóng lên sàn của các nhà băng trong năm nay, như OCB, TPBank, VIB.

Tin liên quan
Tin khác