Ông Lê Trường Tùng (ngoài cùng, bên phải), Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến nông sản Trung Thành khởi nghiệp thành công nhờ nguồn vốn chính sách |
Từ những đồng vốn vay nhỏ
Nhìn lại 6 trụ cột chính sách đối với thanh niên hiện nay, có thể thấy, Ngân hàng Chính sách xã hội đang góp phần thực hiện 3 trụ cột lớn là: chính sách của Nhà nước đối với thanh niên về học tập và nghiên cứu khoa học; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên về lao động, việc làm; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên về khởi nghiệp.
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác cho biết, 15 năm phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tính đến cuối năm 2022, đã giúp cho trên 3,8 triệu lượt học sinh, sinh viên được vay vốn để chi phí học tập, với doanh số cho vay 71.408 tỷ đồng.
Tính đến tháng 2/2023, dư nợ cho vay chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt 12.431 tỷ đồng, với 296.988 hộ đang vay. Đối với chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến trong giai đoạn Covid-19, dư nợ chương trình đến hết tháng 2/2023 là 823,8 tỷ đồng, với 56,229 khách hàng vay.
“Tín dụng chính sách đối với học sinh, sinh viên là chương trình có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội. Chương trình đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước, được nhân dân đón nhận và nhiệt tình ủng hộ”, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận.
Điểm tựa lập nghiệp
Hơn 20 năm, với 41.000 tỷ đồng nguồn vốn chính sách của Chính phủ, cả nước đã có trên 950.000 đoàn viên thanh niên được vay vốn để phát triển kinh tế, lập thân lập nghiệp, trong đó tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,21%. Điều này cho thấy, hệ thống đoàn thanh niên các cấp đã và đang nỗ lực thực hiện tốt công tác quản lý và nhận ủy thác vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Hiệu ứng của các chương trình tín dụng chính sách đối với phát triển thanh niên cũng là nền tảng để bên cạnh các chương trình tín dụng chính sách xã hội chung của Chính phủ, nhiều địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đã chung tay ủy thác nguồn vốn ngân sách, thúc đẩy hạt nhân tương lai của đất nước, đặc biệt là phong trào khởi nghiệp.
Chị Đặng Thị Hậu, trú tại thôn Chấu, xã Bảo Đài, huyện Lục Nam (Bắc Giang), được vay 50 triệu đồng để phát triển nhà màng trồng rau, củ, quả sạch, nhưng mô hình vẫn nhỏ lẻ và manh mún. Đến năm 2020, khi được vay 200 triệu đồng từ nguồn vốn thanh niên khởi nghiệp, chị đã mở rộng phát triển nhà màng và chăn nuôi cá hiệu quả. Hiện gia đình duy trì được trên 10.000 m2 nhà màng, với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho một số lao động địa phương, tổng thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí còn lãi 200 - 300 triệu đồng/năm.
Tại Thanh Hóa, việc Tỉnh đoàn nhận ủy thác vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay khởi nghiệp đã tạo ra nhiều mô hình sản xuất mới, khai thác hiệu quả tiềm năng địa phương và tạo việc làm. Đơn cử như Công ty cổ phần Chế biến nông sản Trung Thành, tại xã Trung Thành, huyện Nông Cống, thành lập tháng 7/2017. Đầu năm 2018, khi triển khai kế hoạch sản xuất, Công ty đã được vay 1 tỷ đồng từ nguồn vốn ưu đãi để khởi nghiệp ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
“Một tỷ đồng lúc đó to lắm, giúp tôi thực hiện việc chuẩn hóa một số khâu sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, đồng thời hiện thực hóa mong muốn tạo việc làm cho bà con lúc nông nhàn tại quê hương và những lao động gián tiếp cho nhà máy trồng, cung ứng nguyên liệu”, ông Lê Trường Tùng, Giám đốc Công ty nhớ lại.
Từ những đơn hàng nhỏ lẻ đầu tiên, sau nhiều nỗ lực xây dựng uy tín, đến nay, thương hiệu của Công ty cổ phần Chế biến nông sản Trung Thành đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Hiện doanh nghiệp đã tạo việc làm ổn định cho gần 150 lao động địa phương và tới mùa vụ có thể lên tới hàng trăm lao động.