Tín dụng chính sách xã hội giúp người nghèo đổi đời, thay đổi tư duy |
Nhớ lại những ngày tháng khó khăn trước đây, chị Trương Thị Lệ (sinh năm 1970), thôn Quán Thẻ 3, xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vẫn không giấu được xúc động khi một mình nuôi 4 con nhỏ, nhà cửa không có, ăn thì bữa đói, bữa no...
“Nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền, Hội Nông dân xã và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, tôi không có cơ hội để tự hào nói với mọi người rằng, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo một cách bền vững”, chị Lệ nói.
Được biết, năm 2009, gia đình chị Lệ vay vốn chương trình hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 20 triệu đồng để chăn nuôi heo. Công việc chăn nuôi thuận lợi. Khi heo lớn, xuất chuồng, chị Lệ trả nợ cho Ngân hàng và sau khi cải tạo lại chuồng trại lại tiếp tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư. Rồi các con lần lượt bước chân vào đại học, đứa lớn chưa kịp ra trường, thì đứa nhỏ thi đậu vào đại học, khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Thật may mắn, chị Lệ được biết đến chính sách vay vốn cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Không những một, mà cả 4 người con của chị được tạo điều kiện vay vốn đi học và đi xuất khẩu lao động.
“Ngày giải ngân cho tôi 100 triệu đồng vốn vay đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài, cô bé cán bộ tín dụng nói với tôi một câu mà tôi nhớ mãi: Con tin cô, nên cô đừng để cho con khổ”, chị Lệ kể lại.
Với niềm tin của mọi người, đến năm 2018, gia đình chị Lệ đã chính thức thoát nghèo, số tiền nợ tại Ngân hàng đã trả được gần hết. Không những vậy, chị Lệ còn xây được nhà cửa khang trang và 4 người con đã có công việc ổn định.
“Tôi muốn nhắn nhủ với tất cả các hộ nghèo như tôi rằng, dù chúng ta có nghèo khổ như thế nào, thì cũng phải luôn cố gắng vươn lên, vì xung quanh chúng ta luôn có những cánh tay sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ, sẻ chia với hoàn cảnh của chúng ta. Hãy tin rằng, mọi sự cố gắng sẽ luôn được đền đáp và đến một ngày nào đó chúng ta sẽ nhận được quả ngọt”, chị Lệ nói.
Có thể thấy, tín dụng chính sách xã hội được thiết kế thành hệ thống chính sách đồng bộ, hỗ trợ đa chiều, giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo, đối tượng chính sách khác. Theo đó, hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong cả nước.
Được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, người nghèo và các đối tượng chính sách khác tập trung đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, làm quen với dịch vụ tài chính, ngân hàng; từng bước nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, trình độ quản lý vốn; mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả; giúp nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Theo đó, đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo và đối tượng chính sách khác không ngừng được cải thiện, giúp họ thêm tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.
Trong gần 22 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ hơn 6,7 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 7 triệu lao động (trong đó, hơn 153.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); hỗ trợ hơn 3,9 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 90.000 máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, nguồn vốn này đã hỗ trợ xây dựng hơn 19 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng hơn 730.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 47.000 căn nhà ở xã hội. Gần 2.000 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vay vốn tín dụng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động...
Tất cả những nỗ lực trên đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước: giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%.