CEO Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận ví von các sản phẩm tín dụng trong ngành lúa gạo đang ở tình trạng “áo thì có nhưng không mặc được”, hoặc “mặc áo nhưng vẫn lạnh”. Thông tin này được ông Thuận chia sẻ tại Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam, nằm trong khuôn khổ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam-Hậu Giang 2023.
Ông Thuận cho biết Việt Nam có nhiều sản phẩm tín dụng hỗ trợ người nông dân cũng như các công ty sản xuất, kinh doanh lúa gạo, nhưng hiệu quả chưa cao, có những sản phẩm chưa phù hợp. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có thiết kế mới cho tín dụng trong ngành lúa gạo.
Ông đề xuất trong dự án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, room tín dụng được “chốt” cố định cho người nông dân là 1 tỷ USD; room tín dụng cho các nhà máy mua lúa là 3 tỷ USD. Vòng quay tín dụng cho nông dân kéo dài 4 tháng, tương ứng thời gian của 1 vụ lúa. Vòng quay tín dụng cho các nhà máy sản xuất là 6 tháng, để tiêu thụ hết lượng lúa gạo trong kho.
“Room tín dụng không cần tăng và cũng không thể tăng do giới hạn bởi diện tích, nhưng cần được thiết kế để đảm bảo phù hợp với thời gian thu hoạch, tránh việc room này phải quay về ngân hàng trước khi thu hoạch lúa hoặc trước khi bán hết lượng gạo trong kho. Hiện tượng này đang xảy ra, khiến hiệu quả sử dụng dòng vốn cực kỳ kém”, ông Nguyễn Duy Thuận cho biết.
Riêng đối với nông dân, đại diện Lộc Trời tiết lộ, tỷ suất lợi nhuận trồng lúa là 60% sau 4 tháng. Trong chuỗi giá trị lúa gạo, về mặt kinh tế, nông dân là thành phần được hưởng tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong chuỗi.
Tuy nhiên, với các quy định hiện nay về cho vay tín chấp, nông dân phải chịu lãi suất rất cao do nông dân bị coi là thành phần rủi ro cao, và khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng. Ông Lộc tiết lộ trong năm 2023, Lộc Trời đã thay nông dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và trả thay nông dân lãi suất 18%/năm, để duy trì mối liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp. “Nhưng điều này đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân trên cánh đồng lớn”, ông nói.
Phía Lộc Trời đề xuất hạn mức tín dụng dành cho nông dân là 25 triệu đồng/hecta và tất toán sau 4 tháng (vì một vụ lúa kéo dài 4 tháng). Ngoài ra, ngân hàng có thể giảm hệ số rủi ro của nông dân trồng lúa để lãi suất dành cho nông dân trồng lúa được cấp ở mức dưới 6%. Điều kiện áp dụng là nông dân phải đăng ký liên kết sản xuất với một doanh nghiệp có nhà máy chế biến.
Ngoài các đề xuất liên quan đến tín dụng, Lộc Trời cũng mong muốn có thêm các biện pháp hỗ trợ kinh tế cho người trồng lúa như miễn trừ hoặc điều chỉnh mức thuế thu nhập cá nhân cho nông dân trồng lúa; có cơ chế hỗ trợ vốn để trang bị máy móc đồng bộ, tăng năng suất lao động nông nghiệp và giảm giá thành sản xuất lúa; hỗ trợ xây dựng hệ thống MRV (đo đạc, báo cáo, đánh giá) đạt chuẩn quốc tế để có thể xác nhận việc trồng lúa giảm phát thải, tạo ra chứng chỉ carbon có thể thương mại hóa trên thị trường thế giới.
“Lộc Trời đề xuất các doanh nghiệp được cấp chứng chỉ carbon sẽ đóng góp 30% cho quỹ trung hòa carbon của chính phủ, còn lại 70% được phép tự do bán trên thị trường. Lộc Trời cam kết toàn bộ lợi nhuận thu được từ chứng chỉ carbon sẽ chia sẻ hết cho bà con nông dân là những người đóng góp chính trong việc tạo ra chứng chỉ”, đại diện doanh nghiệp khẳng định.