Tin giả giống như doanh nghiệp đối đầu với “bóng ma”
Với sự bùng nổ của internet và các mạng xã hội, tin giả đã và đang gây ra nhiều mối hiểm họa nguy hại. Tin giả xấu độc không những có sức công phá nền kinh tế, tài chính, nông nghiệp mà còn đe dọa đến an toàn an ninh của mỗi quốc gia.
Trong phạm vi nhỏ hơn là quyền lợi của doanh nghiệp, cá nhân, tin giả cũng mang lại sức công phá khủng khiếp. Nhiều doanh nghiệp nằm trên bờ vực phá sản hoặc lao đao do tin đồn thất thiệt.
Trao đổi tại tọa đàm “Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay (15/11), ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) ví von, tin giả giống như doanh nghiệp đối đầu với “bóng ma”. Trước đây, nếu nguồn gốc tin giả có thể biết là được một tờ báo, một địa điểm nào hay một người cung cấp tin nhưng hiện nay với mạng xã hội, từng doanh nghiệp một sẽ rất khó biết nó từ đâu ra, vì cái gì, liên quan đến ai...
Ông Tuấn cho rằng, trước đây, tin đồn cũng đã xuất hiện, chẳng hạn như doanh nghiệp đang kinh doanh bình thường nhưng bỗng nhiên bị đưa tin về những tác động tiêu cực trong sản phẩm của họ - chẳng hạn ăn có thể bị ung thư. Ngay lập tức, việc cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp có thể chịu ảnh hưởng rất lớn, khách hàng có thể ngừng mua, ngừng nhập hàng, người ta đang kiểm định, đang tìm hiểu thì sẽ gây thiệt hại rất lớn.
“Một xu hướng điển hình nữa là chủ doanh nghiệp bị đồn là bị bắt hoặc bị bệnh tật, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rất lớn”, ông Tuấn nói.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Vũ Long, Quyền tổng giám đốc, Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho biết, trong giai đoạn vừa qua, khi thị trường chứng khoán rất xấu thì bản thân VNDirect cũng chịu rất nhiều thông tin sai lệch, bao gồm thông tin về hoạt động kinh doanh, thông tin về hoạt động tư vấn cho khách hàng, hay thậm chí Chủ tịch và Tổng giám đốc VNDirect bị bắt…
“Đây là câu chuyện không phải của một doanh nghiệp có thể tự đối mặt mà nó là câu chuyện của toàn bộ hệ thống”, ông Long nhìn nhận.
Theo ông Long, những thông tin sai lệch ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng, uy tín với các đối tác. “Ví dụ như ngân hàng có thể dừng hạn mức của công ty chứng khoán chẳng hạn hay là khách hàng họ chuyển hết tài khoản đi”, ông Long dẫn chứng.
Bổ sung , ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, những tin đồn dạng này lan tràn trên không gian mạng khiến doanh nghiệp lập tức “lĩnh hậu quả”. Thậm chí, tin giả có thể khiến cho một doanh nghiệp sụp đổ và đằng sau đấy là rất nhiều việc làm, hay thương hiệu đã được tạo lập rất nhiều năm. “Tức là tin giả nhưng hậu quả rất thật”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn kiến nghị, đây là vấn đề nghiêm trọng và đã đến lúc chính quyền, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc một cách tích cực.
Tọa đàm “Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả”. |
Xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật để ngăn chặn tin giả
Theo Nhà báo, Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, tin đồn, tin giả là sự lợi dụng lỗ hổng thông tin mà chúng ta đang vô tình tạo ra do không ý thức được vai trò của thông tin.
Ông Vinh cho rằng, trong kỷ nguyên số, càng cởi mở bao nhiều thì càng tạo ra cơ hội tiếp xúc với công chúng, trực tiếp giải thích các vấn đề công chúng đang băn khoăn, lo lắng.
Nguyên lý truyền thông trong thời đại số là tính minh bạch. Tính minh bạch là chúng ta sẽ chủ động nói với công chúng ngay cả khi những điều công chúng chưa quan tâm đến, thì chúng ta đã nói cho công chúng biết rồi.
Truyền thông bây giờ là đi bước một bước, đi trước là dự báo được câu chuyện gì sẽ cần phải nói, thông tin gì sẽ cần phải nói. Có điều gì không phải là bí mật của doanh nghiệp, tổ chức thì phải đưa thông tin lên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các kênh truyền thông của chính mình như trên các trang điện tử, trang web, fanpage. Khi mà có vấn đề ta chọn dữ liệu, thông tin có sẵn đó để thông tin.
Dẫn lại câu chuyện của VNDirect, ông Vinh cho rằng, mỗi nhóm đối tượng gồm cổ đông, khách hàng, các đối tác... sẽ có nhu cầu thông tin khác nhau. “Nếu có một chiến lược truyền thông thay đổi chủ động, tích cực, minh bạch thì tin đồn sẽ ít đất sống”, ông Vinh khẳng định.
Về mặt dài hạn, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, cần có đầu mối về vấn đề này để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân, thậm chí hỗ trợ cho các cơ quan nhà nước về cách thức xử lý tin đồn. Cần phải có nhân sự tốt, được đào tạo trong lĩnh vực nhà nước để có thể tư vấn trong lĩnh vực này. Về cơ bản chúng ta phải có nhiều thông tin tốt là gốc rễ của hạn chế tin đồn.
Đồng tình, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, đây là vấn đề mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm nên đã giao cho Bộ Thông tin Truyền thông triển khai một hoạt động quan trọng là tổ chức Hội nghị toàn quốc về truyền thông chính sách trong tháng 11 hoặc đầu tháng 12/2022. Đồng thời, tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực truyền thông chính sách cho các bộ, ngành, địa phương.
Đối với doanh nghiệp, ông Lê Quang Tự Do cho rằng, phải kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để đấu tranh với các tin đồn, tin giả. Đồng thời, doanh nghiệp phải có bộ phận truyền thông về hoạt động của công ty và đính chính tin đồn ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Dưới góc độ pháp luật, để ngăn chặn tình trạng tin giả, Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho rằng, tin giả, tin sai sự thật có thể gọi coi là những hành vi vi phạm pháp luật. Để giải quyết được tin giả cần nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật và đặc biệt là các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức đi đầu làm gương, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật.