Không để số ca tử vong do Covid-19 tăng cao
Tính từ 18 giờ ngày 12/8 đến 18 giờ ngày 13/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.180 ca nhiễm mới. Trong đó, 30 ca nhập cảnh và 9.150 ca ghi nhận trong nước.
Theo Bộ Y tế, nước ta có thêm 3.593 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 13/8. Tổng số ca được điều trị khỏi là 92.738 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 511 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 20 ca.
Chiều 13/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 275 ca tử vong.
Trong số các ca tử vong, TP.HCM có 223 ca, Bình Dương (25), Tiền Giang (8), Đồng Tháp (4), Bến Tre (3), Bình Thuận (3), Đồng Nai (3), Long An (3), Khánh Hòa (2 ), Cần Thơ (1).
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tính đến 13/8 là 5.088 ca, xếp thứ 69/222 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 162.820 xét nghiệm cho 617.166 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 7.842.864 mẫu cho 22.000.347 lượt người.
Trong ngày 12/8 có 1.075.584 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 13.256.472 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 12.064.617 liều, tiêm mũi 2 là 1.191.855 liều.
Trước việc số ca mắc Covid-19 tử vong tăng cao tại TP.HCM những ngày qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định có 3 nguyên nhân khiến số lượng F0 tại TP.HCM tử vong tăng mỗi ngày.
Thứ nhất, do quá tải số lượng bệnh nhân, lần đầu tiên Thành phố tiếp nhận một lượng F0 lớn như vậy.
Thứ hai, đặc tính của biến chủng Delta vừa lây lan nhanh vừa khiến diễn biến bệnh nặng rất nhanh.
Thứ ba, do điều kiện chuẩn bị về trang thiết bị và con người tại một số đơn vị chưa thật sự đầy đủ, người bệnh chưa được chăm sóc, điều trị với những điều kiện tốt nhất.
Còn theo GS. Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch hội Hồi sức cấp cứu và chống độc, Tổ trưởng Tổ điều trị bệnh nhân Covid-19, trước đây triệu chứng lâm sàng ở các bệnh nhân Covid-19 chủ yếu là sốt, ho, đau cơ, khó thở nhưng hiện nay với sự xuất hiện của biến chủng Delta, các triệu chứng dần thay đổi.
Với biến chủng mới, tỷ lệ bệnh nhân không triệu chứng là 50-60% (trong các đợt dịch trước, tỷ lệ này là 80%); 30% người có biểu hiện nhẹ giống cảm cúm thông thường; 10-15% cần hỗ trợ oxy và thuốc; 5-10% cần máy thở, lọc máu, ECMO. Ngoài ra, khoảng 15-20% bệnh nhân Covid-19 bị viêm cơ tim và tắc mạch, 5-10% tổn thương thận, tổn thương gan, biến chứng trong não.
***
Để phòng chống dịch, TP. Cần Thơ thành lập 320 đội lấy mẫu và xét nghiệm nhanh Covid-19 trong cộng đồng. Trong đó 314 đội chính thức và 6 đội dự phòng để lấy mẫu và xét nghiệm nhanh ở các xã, phường, thị trấn của 9 quận, huyện trong 9 ngày.
TP.HCM xây dựng kế hoạch tăng cường phòng, chống dịch trong giai đoạn từ ngày 15/8 đến 15/9, trong đó phân ra hai giai đoạn từ 15/8 đến cuối tháng 8 và 1/9 đến 15/9, mỗi giai đoạn sẽ xác định nhiệm vụ cụ thể, quyết tâm đến 15/9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh.
Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai xét nghiệm định lượng kháng thể sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Phương pháp này áp dụng cho nhóm có nhu cầu xét nghiệm để biết được cơ thể có kháng thể hay không, và nếu có sẽ đạt được nồng độ bao nhiêu sau khi tiêm vắc-xin. Kết quả này giúp đánh giá khả năng đáp ứng của cơ thể đối với tiêm chủng.
Tỉnh Bình Dương thiết lập Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu với 437 giường ICU, cùng các trang thiết bị liên quan tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Becamex (TP. Thuận An), áp dụng theo mô hình tháp 3 tầng điều trị Covid-19 của Bộ Y tế.
Tỉnh Khánh Hòa triển khai lấy mẫu xét nghiệm, với khu vực phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân từ 3-5 ngày/lần tại nhà ở, hộ gia đình (lấy mẫu gộp để xét nghiệm RT-PCR hoặc gộp mẫu 3 đối với xét nghiệm test kháng nguyên nhanh).
Với khu vực nguy cơ rất cao, thực hiện tương tự như khu vực phong tỏa, khác biệt là có thể thí điểm gộp mẫu 5 đối với xét nghiệm RT-PCR.
Hà Nội tăng cao số ca mắc mới
Trong ngày 13/8 Hà Nội đã ghi nhận 101 ca mắc mới. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 2.126 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.178 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 948 ca.
Sáng ngày 13/8, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (CDC) Hà Nội đã tiếp nhận 1 xe ô tô chuyên dụng tiêm chủng vắc-xin Covid-19 lưu động phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tại cuộc làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với TP. Hà Nội ngày 13/8, Chủ tịch nước yêu cầu Thủ đô không để quá tải bệnh viện, không để bệnh nặng tăng nhanh và đặc biệt không để nhiều người tử vong.
Chủ tịch nước đề nghị không chủ quan trước những biến thể mới của Covid-19; tiếp tục phát huy tinh thần 5K + vắc-xin cần nhiều biện pháp quyết liệt, cụ thể hơn nữa, không được để trái tim của cả nước bị dịch bệnh đe dọa.
Gợi ý một số biện pháp phòng, chống Covid-19 cho Thành phố, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến các vấn đề: giãn cách, xét nghiệm, điều trị, vắc-xin và công nghệ; thực hiện nghiêm túc, phù hợp với diễn biến ở từng khu vực và trên địa bàn trong tiến hành giãn cách.
Chủ tịch nước cho rằng, cần tiếp tục xem xét tăng cường năng lực xét nghiệm quy mô lớn, thời gian nhanh để kịp thời khoanh vùng những khu vực nguy cơ cao.
Chủ tịch nước yêu cầu bảo vệ tốt nhất cho đội ngũ y bác sĩ và lực lượng tuyến đầu khác, sớm tiêm 2 mũi để đảm bảo an toàn trong thực thi nhiệm vụ. Thành phố cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ trong phát hiện, truy vết.
Các tỉnh ĐBSCL đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin ngừa covid-19
Song hành với công tác lấy mẫu xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng nhằm truy tìm nhanh F0, tiến đến cách ly dập dịch trong cộng đồng, hiện các tỉnh ĐBSCL đang khẩn trương đẩy nhanh tiêm vắc-xin Covid-19.
Tại Cà Mau, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Tỉnh, qua 4 đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19, Tỉnh đã tiêm tổng cộng 99.996 liều cho 89.788 người, chiếm tỷ lệ gần 7,52% dân số (trong đó mũi 1 là 79.281 người, mũi 2 là 10.507 người).
Từ ngày 09/8 – 11/8/2021, Tỉnh đã triển khai tiêm 32.200 liều vắc-xin phòng Covid-19 đợt 5, cho gần 36.000 người (mũi 1) trên địa bàn các huyện Trần Văn Thời, Ngọc Hiển, Phú Tân và thành phố Cà Mau.
Ngoài các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, Tỉnh đã mở rộng đối tượng tiêm đến công nhân các nhà máy xí nghiệp, tài xế vận chuyển hàng hóa thiết yếu, các hộ buôn bán kinh doanh… trên địa bàn Tỉnh. Cà Mau được ghi nhận là tỉnh có tiến độ tiêm chủng nhanh đứng đầu so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Cà Mau Đặng Hải Đăng cho biết: “Đội ngũ nhân viên y tế tham gia tiêm đều được tập huấn, bồi dưỡng kỹ về công tác tiêm chủng. Các điểm tiêm vắc-xin đều có dự kiến các tình huống, biện pháp xử trí những trường hợp phản ứng sau tiêm. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Sở Y tế tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, đôn đốc, bảo đảm công tác chuẩn bị, cũng như suốt quá trình tiêm. Qua đó, kịp thời giải quyết tốt các vướng mắc, khó khăn, đảm bảo công tác tiêm phòng vắc-xin trong các đợt tiếp theo diễn ra nhanh chóng, an toàn”.
***
Xe tiêm vắc xin lưu động ngừa covid-19 trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ |
Tại Cần Thơ, từ ngày 6/8, UBND Thành phố ban hành kế hoạch tiếp nhận và triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đợt 5 năm 2021 có một số thay đổi về nguyên tắc phân bổ, đối tượng tiêm (thay thế Kế hoạch số 165/KH-UBND ban hành ngày 2/8/2021), với tổng số vắc-xin được Bộ Y tế dự kiến phân bổ cho thành phố Cần Thơ đợt 5 (lần 1 tháng 8/2021) là 170.370 liều.
Về đối tượng tiêm, kế hoạch nêu tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn, thứ tự đối tượng ưu tiên tiêm đợt 5 là: Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi. Các đối tượng sinh sống trong vùng dịch gồm khu vực phong tỏa, cách ly y tế, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh theo quy định được ưu tiên tiêm nhưng chưa được tiêm trong các đợt trước đây và các đối tượng đủ thời gian tiêm mũi thứ 2 theo quy định.
Đối tượng được tiêm gồm: người lao động tại các doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” trong các khu công nghiệp, người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu (bao gồm shipper) và người cung cấp dịch vụ thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng, dầu, điện nước, nhiên liệu… Các công ty dược phẩm, phòng khám ngoài công lập và các nhà thuốc trên địa bàn Thành phố. Các đối tượng khác theo Nghị quyết số 21/2021 của Chính phủ và Quyết định 3355/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế. TP Cần Thơ triển khai tổ chức tiêm đồng loạt ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố từ ngày 6/8/2021 đến khi tiêm hết số lượng vắc xin được phân bổ.
Không phun khử khuẩn trực tiếp lên người
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa yêu cầu các giám đốc Sở Y tế các địa phương, giám đốc các bệnh viện, thủ trưởng y tế các ngành ngừng ngay việc phun khử khuẩn lên đồ phòng hộ, quần áo, đồ dùng cá nhân của nhân viên y tế; người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Theo Bộ Y tế, việc lạm dụng các biện pháp phun khử khuẩn trên không hiệu quả mà còn gây hậu quả nặng nề như ô nhiễm môi trường, lãng phí hóa chất, không an toàn cho sức khỏe người bệnh, người nhà và nhân viên y tế.
Ngoài ra không phun khử khuẩn trong và ngoài phòng bệnh, lối đi, khu vực ngoại cảnh tại các bệnh viện cũng không được phun hóa chất.
Việc phun chỉ tiến hành ở nơi không thể lau được và không có người. Các bề mặt nhiều người thường xuyên tiếp xúc như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, phím bấm cầu thang... cần khử khuẩn bằng cách lau.
Trước đó vào ngày 2/8, Bộ Y tế cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương ngừng phun khử khuẩn ngoài trời, trên đường, nơi công cộng cũng như phun hóa chất trực tiếp vào người hoặc sử dụng buồng khử khuẩn phun hóa chất…
Các khuyến cáo của Bộ Y tế được đưa ra dựa trên các khuyến cáo của WHO và CDC Hoa Kỳ.
Tiếp nhận nhiều thiết bị y tế chống dịch từ Thụy Sỹ
Sáng ngày 13/8, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP. Hồ Chí Minh đã đại diện Bộ Y tế tiếp nhận lô hàng viện trợ từ Chính phủ và nhân dân Thụy Sỹ gồm 30 máy thở, 500.000 test xét nghiệm kháng nguyên, 300.000 khẩu trang phẫu thuật, với tổng trị giá khoảng 4,9 triệu Franc Thụy Sỹ (CHF), tương đương 126 tỷ đồng.
Sau khi tiếp nhận tài trợ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cam kết sẽ phân bổ các trang thiết bị và vật tư y tế quý giá này tới các đơn vị và địa phương phòng, chống dịch căn cứ theo tình hình thực tế để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch khẩn cấp, đảm bảo phù hợp, hiệu quả.
Tất cả trang thiết bị vật tư trong lô hàng viện trợ từ Chính phủ và nhân dân Thụy Sỹ sau khi tiếp nhận sẽ được chuyển đến kho dã chiến của Bộ Y tế được thiết lập tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau đó sẽ được phân bổ đến các đơn vị để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc "không cho người dân di chuyển trong 7 ngày" ở TP.HCM là giả mạo
Tối ngày 12/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM khẳng định thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội về việc "không cho người dân di chuyển trong 7 ngày" là giả mạo.
Hiện các cơ quan chức năng đang tập trung phối hợp, khẩn trương xác định và xử lý đối tượng tung tin giả mạo trên theo đúng quy định của pháp luật.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM khuyến cáo trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trên không gian mạng xuất hiện nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc, xấu độc nhằm gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của Thành phố, vì vậy người dân cần theo dõi, nắm bắt thông tin qua các kênh thông tin chính thống; không chia sẻ các thông tin chưa được xác thực.
Trà Vinh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 30.076 công nhân lao động
Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh vừa tiếp tục sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, từ ngày 16/8/2021 đến ngày 22/8/2021, tỉnh Trà Vinh sẽ tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong đó, ưu tiên cho các doanh nghiệp có số lượng công nhân lao động nhiều để sớm phục hồi sản xuất kinh doanh. Vaccine tiêm cho công nhân là vaccine AstraZeneca, từ nguồn phân bổ của Bộ Y tế.
UBND tỉnh Trà Vinh giao Sở Y tế trực tiếp chỉ đạo việc thành lập Tổ tiêm vaccine trên từng địa bàn, những nơi có số lượng tiêm nhiều (TP. Trà Vinh và một số huyện) cần có sự điều tiết hỗ trợ lực lượng từ Tỉnh và nơi khác để đảm bảo hoàn thành kế hoạch tiêm trong thời gian đã định, kết quả thực hiện báo cáo Chủ tịch UBND Tỉnh chậm nhất đến ngày 15/8/2021.
Đồng thời, Sở Y tế hướng dẫn doanh nghiệp trong việc lập hợp đồng với cơ sở y tế thực hiện dịch vụ test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Doanh nghiệp có trách nhiệm hợp đồng thuê cơ sở y tế thực hiện test nhanh kháng nguyên cho công nhân lao động tại doanh nghiệp (test trước khi tiêm vaccine, khi vào hoạt động sản xuất kinh doanh định kỳ 03 ngày test một lần), các chi phí có liên quan đến việc này do doanh nghiệp chi trả, Nhà nước chỉ hỗ trợ miễn phí vaccine (có thể sử dụng phương pháp gộp để giảm chi phí cho doanh nghiệp). Công nhân lao động được tiêm vaccine phải đảm bảo là lao động hợp pháp của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Trà Vinh giao Ban Quản lý Khu Kinh tế, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ các địa phương trao đổi với các doanh nghiệp việc triển khai thực hiện chủ trương này; phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các địa phương hướng dẫn quy trình cho các doanh nghiệp trở lại sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định, hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVD-19 và của Bộ Y tế.
Theo danh sách doanh nghiệp tiêm vaccine đợt 1/2021, tỉnh Trà Vinh có 30.076 người lao động tại 60 doanh nghiệp được tiêm vaccine, gồm: 27 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế với 13.780 người lao động; 22 doanh nghiệp trong khu công nghiệp Long Đức với 13.635 người lao động và 11 doanh nghiệp trong khu kinh tế Định An với 2.661 người lao động.
***
Hướng dẫn của Bộ Y tế quy định rõ cơ sở y tế phải thông báo với bệnh nhân hoặc người nhà của họ các thông tin về việc thuốc được cấp phép nhập khẩu. Cơ sở y tế chỉ được sử dụng thuốc sau khi có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người nhà.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thuốc này được chỉ định với người mắc Covid-19 điều trị nội trú tại bệnh viện có suy hô hấp, thở oxy, thở HFNC hoặc thở máy không xâm nhập. Thời điểm dùng thuốc là trong vòng 10 ngày đầu từ khi khởi phát bệnh.
Remdesivir được ưu tiên sử dụng cho nhóm nguy cơ cao gồm người trên 65 tuổi, có bệnh nền, béo phì (BMI >25).
Bộ Y tế lưu ý không bắt đầu sử dụng thuốc cho người bệnh Covid-19 cần thở máy xâm nhập, ECMO. Với các trường hợp được điều trị bằng Remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO, tiếp tục dùng cho đủ liệu trình.
Thuốc này chống chỉ định với trường hợp phản ứng quá mẫn với bất kỳ thành phần của thuốc; suy chức năng thận eGFR < 30 mL/phút; tăng enzyme gan ALT > 5 lần giá trị giới hạn trên; suy chức năng đa cơ quan nặng.
Bộ Y tế lưu ý thuốc này thận trọng sử dụng với phụ nữ có thai và cho con bú, chưa có dữ liệu đầy đủ nên không khuyến cáo trừ trường hợp lợi ích vượt trội so với nguy cơ.
Người suy giảm chức năng thận cũng chưa có dữ liệu đánh giá, nhưng với eGFR ≥ 30 mL/phút, không cần chỉnh liều. Xét nghiệm enzyme gan ALT và thời gian prothrombin (PT) trước khi chỉ định. Đặc biệt, không truyền Remdesivir cùng lúc với các thuốc khác.
Tác dụng không mong muốn của thuốc là tụt huyết áp, buồn nôn, nôn, chảy mồ hôi, rùng mình.
Được biết, Remdesivir là loại thuốc đầu tiên - và duy nhất, tính đến nay - được FDA phê duyệt đầy đủ để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Remdesivir được sản xuất bởi công ty Gilead Sciences và được lưu hành dưới tên thương mại Verklury.
Với khả năng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm mạnh tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ..., đưa vào phác đồ điều trị từ tháng 5/2020.
Trước đó, ngày 2/8, dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế, Tập đoàn Vingroup đã đàm phán thành công đơn hàng gồm 500.000 lọ thuốc Remdesivir.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, Remdesivir là thuốc mới, liều dùng cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trong quá trình điều trị, các cơ sở y tế cũng cần theo dõi chặt chẽ về hiệu quả của thuốc. Việc sử dụng thuốc cho người bệnh phải được bác sĩ chỉ định.
Tính đến tối 12/8, tổng cộng 40.000 lọ thuốc điều trị Covid-19 Remdesivir đã về tới Việt Nam. Trong đó, 10.000 lọ được chuyển vào TP.HCM - tâm dịch lớn nhất của cả nước để điều trị các F0 nặng ở 10 bệnh viện.
Hà Nội: Quét mã QR khi vào cơ quan, công sở
Sáng 13/8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 12/8 đến 6 giờ ngày 13/8, Hà Nội ghi nhận 19 ca mắc mới, trong đó 8 ca cộng đồng, 11 ca khu cách ly.
Phân bố bệnh nhân (BN) theo quận, huyện: Ba Đình (5), Hai Bà trưng (3), Hà Đông (3), Đông Anh (2), Gia Lâm (2), Thanh Trì (1), Quốc Oai (1), Hoàng Mai (1), Đống Đa (1). Phân bố BN theo chùm ca bệnh: Ho sốt thứ phát (15), sàng lọc ho sốt (4).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 2.044 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.147 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 897 ca.
Để phòng chống dịch Covid-19, UBND thành phố Hà Nội đã có các văn bản chỉ đạo khai báo y tế bằng QR code khi vào - ra các địa điểm công cộng bằng hai hình thức: Khai báo trực tuyến tại đường dẫn https://tokhaiyte.vn hoặc khai báo thông qua ứng dụng “Vietnam Health Declaration” “Bluzone” “Ncovi” cài đặt trên điện thoại thông minh.
Tính đến hết ngày 9/8/2021, trên phạm vi toàn thành phố số địa điểm đã đăng ký quét mã QR code là 191.872 điểm; 7 ngày vừa qua trung bình có 141.869 lượt quét/ngày, số lượng người đã quét là rất ít so với thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu truy vết nhanh theo đúng chỉ đạo của Trung ương và thành phố.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nghiêm việc quét mã QR code để quản lý thông tin tất cả người vào/ra tại cơ quan, tổ chức, cơ sở, địa điểm; người vào/ra, người đến giao hàng tại các chất kiểm soát của các xã, phường, thị trấn, khu chung cư, khu đô thị, thôn, tổ... phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố.
Các đơn vị, địa phương phải bảo đảm tất cả các trường hợp vào/ra phải được khai báo y tế và cập nhật thông tin lên hệ thống tờ khai y tế của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với trường hợp bị nghẽn mạng, người dân không có thiết bị điện tử, không biết sử dụng thì đơn vị có trách nhiệm cử người hướng dẫn hoặc khai báo trên tờ khai sau đó cập nhật ngay lên hệ thống.
Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu chưa thực hiện đúng, đủ nội dung chỉ đạo trên. Trường hợp có khó khắc vướng mắc, liên hệ trực tiếp đến số điện thoại 19009095 của Ban Chỉ đạo quốc gia hoặc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội để được hướng dẫn.
Sở Công Thương chỉ đạo, phối hợp với các công ty quản lý các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối có giải pháp người đến mua hàng, vận chuyển hàng hóa thực hiện nghiêm thông điệp “5K”, khai báo y tế điện tử bằng hình thức quét mã QR code; phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông có giải pháp kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện khai báo y tế tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ, đề xuất giải pháp chấn chỉnh hoặc tháo gỡ khó khăn (nếu có).
UBND quận, huyện, thị xã được giao đề nghị các tập đoàn, tổng công ty; doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn thành phố thực hiện việc khai báo y tế bằng mã QR code nêu trên đối với tất cả người vào/ra tại đơn vị.
Đồng thời, rà soát, hướng dẫn, yêu cầu các cửa hàng lương thực, thực phẩm (không theo chuỗi), chợ dân sinh, các cơ sở bán hàng... (được phép hoạt động) thuộc thẩm quyền quản lý; các chốt kiểm soát của các xã, phường, thị trấn, khu chung cư, khu đô thị, thôn, tổ.... phải bảo đảm việc khai báo y tế bằng mã QR code nêu trên đối với toàn bộ người vào/ra.