Thêm 16.104 ca mắc Covid-19
Theo bản tin lúc 18h của Bộ Y tế, tính chiều 11/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.141 ca nhiễm mới, trong đó 37 ca nhập cảnh và 16.104 ca ghi nhận trong nước.
Như vậy, hôm nay, số bệnh nhân Covid-19 tiếp tục tăng 1.285 ca so với ngày trước đó. Ca bệnh lan rộng tại 59 tỉnh, thành phố, trong đó có 9.478 F0 phát hiện tại cộng đồng.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 500 ca bệnh trong ngày gồm TP.HCM (1.441), Bình Phước (1.164), Tây Ninh (903), Khánh Hòa (794), Bến Tre (756), Đồng Tháp (750), Cà Mau (722), Cần Thơ (689), Sóc Trăng (617), Vĩnh Long (576), Hà Nội (548), Tiền Giang (545), Bạc Liêu (505).
Ngoài TP.HCM, trong ngày 11/12, các địa phương có số ca F0 tăng nhiều nhất là Bình Phước (+585), Khánh Hòa (+207). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (-277), Cà Mau (-100), Hà Nội (-89). Bắc Kạn, Lai Châu là 2 tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận 7 ngày qua là 14.789 ca/ngày
Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.398.413 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.393.034.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP.HCM (486.043), Bình Dương (286.877), Đồng Nai (91.880), Long An (39.165), Tây Ninh (37.776).
Hơn 7.500 bệnh nhân nặng đang điều trị
Theo số liệu của Cục quản lý khám, chữa bệnh, trong ngày, Việt Nam có thêm 1.084 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi đến nay là 1.053.425.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.558 ca, gồm các bệnh nhân thở ô-xy qua mặt nạ (5.059 ca), thở ô-xy dòng cao HFNC (1.319 ca), thở máy không xâm lấn (270 ca), thở máy xâm lấn (893 ca) và ECMO (17 ca).
Từ 17h30 ngày 10/12 đến 17h30 ngày 11/12, cả nước ghi nhận 209 ca tử vong. Riêng 67 ca tử vong ở TP.HCM có 7 trường hợp từ các tỉnh chuyển đến gồm Bình Phước (1), Bình Dương (1), Đồng Nai (2), Đồng Tháp (1), Hậu Giang (1), Trà Vinh (1).
Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (17), An Giang (13), Bình Dương (13), Cần Thơ (13), Tây Ninh (12), Kiên Giang (11), Đồng Tháp (10), Tiền Giang (10), Long An (8 ), Sóc Trăng (7), Bình Thuận (7), Bến Tre (5), Cà Mau (4), Trà Vinh (4), Bình Định (2), Bến Tre (2), Khánh Hoà (2), Nghệ An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 221 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.611 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Với tỷ lệ F0 tử vong trên một triệu dân, so với châu Á, Việt Nam xếp thứ 27/49 (xếp thứ 6 ASEAN).
Hà Nội: 895 ca mắc mới sau 24h
Số ca mắc mới từ 18h ngày 11/12 đến 18h ngày 12/12 Hà Nội ghi nhận 895 ca bệnh trong đó ca cộng đồng (357), khu cách ly (472), khu phong tỏa (66).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 18.448 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 6.902 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 11.546 ca.
Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết tình hình dịch bệnh hiện nay trên địa bàn rất phức tạp. Bà dự báo số ca mắc tiếp tục tăng cao thời gian tới ở tất cả quận, huyện.
Nguyên nhân một phần là Hà Nội có đặc điểm dân cư đông, di biến động phức tạp; dịch bệnh đã lây lan sâu trong cộng đồng, cùng với đó là nguồn bệnh có thể xâm nhập từ địa phương khác và cả tỉnh, thành lân cận sẽ là yếu tố khiến dịch bệnh lây lan.
Trong văn bản mới đây, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đề nghị các đơn vị tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam qua Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, đặc biệt là người đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận lây lan biến chủng mới Omicron.
Các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 thực hiện phân tầng điều trị, điều trị toàn diện, bảo đảm đủ ô-xy, máy thở, giường cấp cứu và điều kiện khác. Đặc biệt là sử dụng thuốc điều trị Covid-19 ngay sau khi được phân bổ để giảm tối đa thời gian điều trị của bệnh nhân, giảm tử vong.
Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở tiêm chủng đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền. Sau khi hoàn thành đủ liều cơ bản thì tổ chức tiêm bổ sung, mũi nhắc lại theo chỉ đạo của UBND TP và hướng dẫn của ngành Y tế.
Quảng Ninh: Nhiều giải pháp chống dịch
Ngay sau khi xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19 tại phường Giếng Đáy, TP.Hạ Long, Quảng Ninh chủ yếu là trẻ nhỏ và người đi chợ, nhằm đảm bảo công tác truy vết trên địa bàn, chính quyền phường Giếng Đáy, TP.Hạ Long đã phong tỏa tạm thời đối với khu phố 1 và khu phố 7, đóng cửa chợ Ba Lan.
Cùng với đó, chính quyền chỉ đạo các trường tạm dừng đến trường đối với học sinh 3 trường: Tiểu học Lý Thường Kiệt, THCS Lý Tự Trọng và Mầm non Giếng Đáy.
Chính quyền địa phương cũng khuyến cáo tất cả các hộ dân, tiểu thương trong khu vực phong tỏa chủ động test nhanh kháng nguyên và báo cáo kết quả về tổ Covid-19 cộng đồng.
Ngày 11/12, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ghi nhận 69 ca mắc Covid-19 mới, trong đó TP.Cẩm Phả 4 ca, Thị xã Quảng Yên 11 ca, Uông Bí 15 ca, Hạ Long 17 ca, Đông Triều 22 ca.
Tại TP.Hạ Long ghi nhận 17 ca F0, trong đó 13 ca đã được quản lý và cách ly gồm: 8 ca là công nhân làm việc tại Công ty The Ruby, phường Cao Xanh; 5 ca là các F1 của các ca bệnh đã được ghi nhận trước đó; 4 ca trong cộng đồng là các trường hợp có triệu chứng, tự làm test nhanh cho kết quả dương tính, sau đó được xét nghiệm PCR khẳng định dương tính, có địa chỉ tại Giếng Đáy (3 ca), Yết Kiêu (1 ca).
Ngoài TP.Hạ Long, tại TP.Cẩm Phả cũng ghi nhận 4 ca F0 trong đó 1 ca đã được quản lý, giám sát, 3 ca ghi nhận trong cộng đồng.
Tại Thị xã Quảng Yên ghi nhận 11 ca F0 trong đó, 5 ca là công nhân làm việc tại Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (khu công nghiệp Vsip Hải Phòng), 3 ca là các F1 của các ca bệnh ghi nhận những ngày trước đó liên quan đến ổ dịch KCN Vsip-Hải Phòng, 3 ca trong cộng đồng là công nhân làm việc tại khu công nghiệp Vsip Hải Phòng.
Tại TP.Uông Bí ghi nhận 15 ca F0 trong cộng đồng, trong đó 6 ca là công nhân làm việc tại Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (Khu công nghiệp Vsip Hải Phòng), 5 ca là các F1 tiếp xúc với các ca bệnh liên quan ổ dịch tại Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (Khu công nghiệp Vsip Hải Phòng) có địa chỉ tại Phương Nam, còn lại chủ yếu là các F1 tiếp xúc ca bệnh ở phường Cao Xanh, TP.Hạ Long.
Bao phủ vắc-xin vẫn là chiến lược quan trọng
UBND TP.HCM đã có quyết định phê duyệt Chiến lược Y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân.
Để ứng phó với tình hình mới, TP.HCM đã ban hành nhiều giải pháp thích ứng linh hoạt trong lĩnh vực y tế. |
Cụ thể, những chiến lược chính gồm: Bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 đến từng người dân trên địa bàn Thành phố; Kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới; Quản lý và chăm sóc F0 tại nhà; Điều trị F0 tại các bệnh viện; Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong phòng, chống dịch và nâng cao năng lực phòng, chống dịch.
Theo đó, Thành phố hình thành mạng lưới Trạm y tế - Trạm y tế lưu động - Tổ y tế lưu động khu phố - Tổ Covid-19 động đồng; xây dựng đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho nhân viên y tế tại y tế cơ sở; thí điểm cho bác sĩ mới tốt nghiệp thực hành 12 tháng tại y tế cơ sở.
Đồng thời, Thành phố cụ thể hóa chiến lược "mỗi phường, xã, thị trấn là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ" thành trách nhiệm của lãnh đạo địa phương. Ban chỉ đạo phường, xã, thị trấn sẽ trực tiếp điều hành mọi hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn.
UBND TP.HCM cũng vừa có thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn Thành phố theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế.
Theo đó, tính đến ngày 9/12, TP.HCM vẫn ở cấp độ 2, riêng quận 1 tăng từ cấp 1 lên cấp 2, quận 4 vẫn là địa phương duy nhất ở cấp độ 3.
Đối với cấp huyện, có 8 địa phương cấp độ 1 là quận 6, 7, 8, Tân Bình, Tân Phú và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn.
13 địa phương cấp độ 2 là quận 1, 3, 5, 10, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, TP.Thủ Đức và huyện Cần Giờ, Nhà Bè. Quận 4 vẫn duy trì cấp độ 3. So với tuần trước, quận 1 đã tăng từ cấp độ 1 lên cấp 2 và huyện Hóc Môn giảm từ cấp 2 xuống cấp 1.
Đối với cấp phường, xã, thị trấn, có 115/312 địa phương cấp độ 1; 176/312 địa phương cấp độ 2 và 21/312 địa phương cấp độ 3. Như vậy có 36 phường xã giảm cấp độ dịch và 24 phường xã tăng cấp độ dịch so với tuần trước.
Dịch tăng cao tại Hà Nội
Trong những ngày gần đây, số ca F0 trên địa bàn Hà Nội liên tục gia tăng. Tính từ ngày 6 đến 11/12, số ca mắc ghi nhận trên địa bàn Thành phố dao động từ 600 đến 700 ca/ngày. Riêng ngày 10/12, Hà Nội đã lập kỷ lục mới với 863 ca/ngày, nhiều nhất từ trước đến nay.
Theo thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cập nhật tới ngày 10/12, 81% bệnh nhân Covid-19 đang điều trị ở các cơ sở y tế tại Hà Nội không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Tuy vậy, Hà Nội vẫn xây dựng hệ thống cơ sở y tế lớn để cách ly, điều trị các trường hợp này. Thành phố cho phép F0 điều trị tại nhà dưới sự quản lý của trạm y tế địa phương và trạm y tế lưu động. Tuy nhiên, số lượng này hiện chưa cao.
Trong khi đó, Hà Nội tiếp tục tăng độ dịch ở nhiều điểm nóng trên địa bàn. Hiện nay, Thành phố vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng). Một quận rơi vào cấp độ 3 là quận Đống Đa.
Toàn Thành phố có 439 xã, phường ở cấp độ 1 và 127 xã, phường ở cấp độ 2. Có 13 xã, phường trong vòng 14 ngày gần đây ghi nhận nhiều ca bệnh tại cộng đồng và ở cấp độ 3 là: Khâm Thiên, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Phương Liên, Khương Thượng, Thổ Quan của quận Đống Đa; phường Hàng Gai của quận Hoàn Kiếm; các xã Yên Viên, Yên Thường của huyện Gia Lâm; xã Vân Nội của huyện Đông Anh; phường Đội Cấn của quận Ba Đình và phường Quảng An quận Tây Hồ.
Về độ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn Thành phố đạt 94,3%; tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 đạt 83,9%.
Tỷ lệ tiêm vắc-xin vẫn giảm
Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế, số lượng mũi tiêm vắc-xin Covid-19 được ghi nhận mỗi ngày có xu hướng giảm.
Riêng ngày 11/12, tổng số mũi tiêm trong nước chỉ ở mức 470.973 mũi/ngày, thấp nhất trong vòng một tháng qua.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, đến nay, Việt Nam đã ký hợp đồng, mua, nhận viện trợ, tài trợ tổng số 211 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19; đã tiếp nhận 156,4 triệu liều; đã phân bổ 143,4 triệu liều (còn khoảng 13 triệu liều đang tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng, xuất xưởng).
Theo lý giải của Bộ Y tế, trong tuần từ 1-8/12, số mũi vắc-xin được tiêm là 4,8 triệu liều, giảm 5,7 triệu liều so với tuần trước đó, do đa số các địa phương đã đạt được độ bao phủ mũi 1 cao, đang chờ tiêm mũi 2 theo đúng thời gian quy định).
Cả nước có 57 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi (đã tiêm được 6,4 triệu liều).
Trước tình hình số lượng bệnh nhân Covid-19 tiếp tục tăng cao, Bộ Y tế cho biết cơ quan này đang xây dựng hướng dẫn quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 để kịp thời theo dõi sức khỏe, điều trị sớm. Mục tiêu là hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.
Tính đến sáng 12/12, hầu hết tỉnh, thành phố trên cả nước đã đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin đủ 2 liều trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên. Đặc biệt tỷ lệ tiêm chủng đạt rất cao tại các địa phương đang bùng phát dịch.
Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa số liệu tiêm chủng ở các địa phương vẫn còn khá lớn. Điển hình như Thanh Hóa, Sơn La, Thái Bình, Nam Định, tỷ lệ phủ vắc-xin vẫn còn dưới 40%.
Được biết, ngày 1/12, lần đầu Việt Nam chạm mốc 16.000 trường hợp mắc Covid-19 trong 24 giờ. Đây là số lượng ca bệnh được ghi nhận trong một ngày cao nhất kể từ đợt dịch bùng phát tại Việt Nam. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận 7 ngày qua là 14.789 ca/ngày.
Tiếp tục phát sinh ổ dịch Covid-19 trong cộng đồng ở Thanh Hóa
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tục phát hiện các ổ dịch trong cộng đồng. Tính từ ngày 8 đến chiều 11/12, trung bình mỗi ngày phát hiện 175 người mắc Covid-19.
Qua 24 giờ, phát sinh thêm 114 người mắc Covid-19 liên quan các ổ dịch trong cộng đồng ở các huyện Hậu Lộc, Nông Cống, Yên Định, Triệu Sơn và thành phố Thanh Hóa. Đồng thời, có thêm 34 công dân từ các tỉnh, thành phố khác về Thanh Hóa đang cách ly có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Được biết, từ ngày 9 đến sáng 11/12, trên địa bàn huyện Yên Định ghi nhận 34 ca mắc Covid-19 liên quan đến ổ dịch tại Công ty trách nghiệm hữu hạn Giầy Alena Việt Nam và ở xã Định Hưng.
Huyện Yên Định yêu cầu tạm dừng hoạt động 4 xưởng sản xuất tại Công ty trách nghiệm hữu hạn Giầy Alena Việt Nam; phong tỏa tạm thời theo diện hẹp đối với các cụm dân cư liên quan các ca mắc Covid-19; tập trung truy vết, cách ly gần 1.000 F1, hơn 2.000 F2.
Tại huyện Hậu Lộc, từ ngày 7 đến sáng 11/12, ghi nhận 113 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại 5 xã vùng biển duyên hải; trong đó có 35 học sinh, 31 công nhân, còn lại là người thân của các F0 trước đó và lao động tự do.
Huyện thành lập 36 chốt kiểm dịch, phong tỏa tạm thời 5 xã ven biển và Công ty Cổ phần dụng cụ thể thao Delta chi nhánh Hậu Lộc; truy vết được hơn 1.700 F1, gần 8.500 F2, tiếp tục xét nghiệm sàng lọc, tách F0 khỏi cộng đồng.
Đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở các địa phương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu huyện Yên Định phân công các thành viên xuống địa bàn tiếp tục chỉ đạo phòng, chống dịch; khoanh vùng, phong tỏa có trọng tâm, trọng điểm, theo diện hẹp, thần tốc truy vết, cách ly xét nghiệm kịp thời nhằm tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng.