Cả nước có thêm 166.953 ca Covid-19 mới
Tính từ 16h ngày 12/3 đến 16h ngày 13/3, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 166.968 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 166.953 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố, có 100.536 ca trong cộng đồng.
Ngày 13/3/2022, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 42.533 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (-3.107), Hải Phòng (-1.607), Hà Nội (-1.424).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+7.568), Bến Tre (+1.078), Bắc Ninh (+748). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua 162.819 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 6.112.648 ca nhiễm, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 130/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 61.879 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 6.105.041 ca, trong đó có 3.160.754 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (808.384), TP Hồ Chí Minh (568.772), Bình Dương (339.051), Bắc Ninh (224.142), Nghệ An (216.172).
95.538 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày
Tổng số ca được điều trị khỏi là 3.163.571 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.107 ca. Trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 3.243 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 427 ca; thở máy không xâm lấn là 117 ca; thở máy xâm lấn là 316 ca; ECMO là 4 ca.
Từ 17h30 ngày 12/3 đến 17h30 ngày 13/3 ghi nhận 95 ca tử vong.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 82 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.385 ca, chiếm tỷ lệ 0,7% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 35.584.903 mẫu tương đương 81.481.599 lượt người, tăng 226.828 mẫu so với ngày trước đó.
Trong ngày 12/3 có 215.529 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 200.179.247 liều.
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 183.133.205 liều: Mũi 1 là 70.911.338 liều; Mũi 2 là 67.810.841 liều; Mũi 3 là 1.493.137 liều; Mũi bổ sung là 14.459.451 liều; Mũi nhắc lại là 28.458.438 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.046.042 liều: Mũi 1 là 8.748.687 liều; Mũi 2 là 8.297.355 liều.
Hà Nội ghi nhận 29.269 F0 mới
Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24h qua trên địa bàn thành phố có thêm 29.269 F0, trong đó 10.051 ca cộng đồng; 19.218 ca đã cách ly.
Bệnh nhân phân bố tại 514 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm (1684); Long Biên (1610); Bắc Từ Liêm (1489); Tây Hồ (1431); Quốc Oai (1379).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 từ ngày 29/4/2021 là 811.558 ca.
Tính đến hết ngày 12/3, thành phố có hơn gần 554.800 ca dương tính đang điều trị, theo dõi.
Trong đó có hơn 554.800 người theo dõi cách ly tại nhà (chiếm 99%); hơn 470 người cách ly tại cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và của các quận, huyện, thị xã.
Có 4.014 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2-3 của thành phố và 360 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Số ca phải nhập viện ở Hà Nội chỉ chiếm 0,76% tổng số ca dương tính đang điều trị, theo dõi trên toàn thành phố.
Bảo vệ nhóm nguy cơ cao
Thời gian của đợt cao điểm đến ngày 31/3/2022, đối tượng là những người trên 65 tuổi, có bệnh nền.
UBND TP.HCM vừa phát động đợt cao điểm Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao. |
Một trong những hoạt động trọng tâm của đợt cao điểm này là tách riêng F0 trong hộ gia đình ra khỏi nơi lưu trú của người thuộc nhóm nguy cơ cao đảm bảo giảm thiểu thấp nhất nguy cơ mắc Covid-19.
Đồng thời, theo dõi, cách ly, điều trị cho người sống chung, người cùng gia đình bị mắc Covid-19 cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn mới được sống chung, tiếp tục chăm sóc người thuộc nhóm nguy cơ.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP.Thủ Đức và các quận, huyện thường xuyên rà soát danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ cao chưa được tiêm vắc-xin để tiếp tục vận động, thuyết phục; tổ chức tiêm bằng nhiều hình thức nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người thuộc nhóm nguy cơ cao được tiêm vắc-xin.
Cải thiện khả năng đáp ứng đối với các phường, xã, thị trấn còn ở mức thấp, trung bình. Đảm bảo người thuộc nhóm nguy cơ cao khi được phát hiện là F0 phải được sử dụng ngay thuốc Molnupiravir.
Bệnh viện sẵn sàng thu dung điều trị trẻ em mắc Covid-19
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong những ngày gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận số lượt trẻ đến khám tại các bệnh viện nhi do nghi ngờ mắc Covid-19 có xu hướng tăng. Đặc điểm chung của trẻ mắc Covid-19 là sốt, ho và đau họng, rất ít các trường hợp có dấu hiệu nặng.
Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố tăng số giường điều trị tại khoa Covid-19 lên tối thiểu 300 giường (trong đó có 50 giường hồi sức); bảo đảm công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn, tiếp tục tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và điều trị trẻ em mắc Covid-19 theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em của Bộ Y tế cho các bệnh viện theo cụm điều trị đã được phân công.
Sở Y tế yêu cầu giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm quyết định cho bệnh nhi mắc Covid-19 điều trị nội trú tại khoa Covid-19 hoặc phòng cách ly tại các khoa lâm sàng khác tùy theo tình trạng bệnh lý của trẻ và phải bảo đảm công tác phòng, chống lây nhiễm.
Đối với các bệnh viện quận, huyện, bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi, Sở Y tế yêu cầu tổ chức khám, sàng lọc, điều trị cho trẻ mắc Covid-19 theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ở trẻ em của Bộ Y tế; sẵn sàng thu dung điều trị các trẻ không đủ điều kiện cách ly tại nhà.
Các bệnh viện cần rà soát, chủ động chuẩn bị cơ số giường nội trú ở khu điều trị Covid-19 (tối thiểu 30%-50% tổng số giường) dành để điều trị cho trẻ em mắc Covid-19 tại bệnh viện. Sở Y tế lưu ý chỉ chuyển tuyến trong các trường hợp trẻ có dấu hiệu chuyển nặng, hội chẩn với bệnh viện nhi tuyến trên trước khi chuyển viện.
Ngoài ra, các bệnh viện cần tăng cường công tác chẩn đoán từ xa, trao đổi chuyên môn chuyển tuyến theo đúng cụm điều trị đã được phân công; tiếp tục cử nhân sự tham gia lớp tập huấn điều trị trẻ mắc Covid-19 và tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Hà Nội củng cố hệ thống y tế điều trị bệnh nhân Covid-19
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, dù số ca dương tính mỗi ngày tăng lên hàng chục nghìn ca, nhưng số bệnh nhân nhập viện tăng không đáng kể, tương ứng số ca mức độ trung bình trở lên đều giảm nhẹ.
Cụ thể, có hơn 3.800 ca mức độ trung bình (giảm 2,6% so với trung bình 7 ngày trước); 971 ca nặng, nguy kịch (giảm gần 3%), số ca thở HFNC hay thở máy không xâm lấn giảm mạnh 26%.
Hiện, 4 Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, Đa khoa Đức Giang, Xanh Pôn, Hà Đông là tuyến đầu được Sở Y tế Hà Nội giao phụ trách điều trị và phối hợp các BV tuyến dưới chuyển tầng.
Trong đó, Thanh Nhàn đang điều trị gần 350 F0, bao gồm 70% là bệnh nhân nặng, mỗi ngày trung bình tiếp nhận 20 ca; 250 giường ICU tầng 3 và 100 giường ICU tầng 2; Đức Giang đang điều trị hơn 400 bệnh nhân (150 bệnh nhân nặng); BV điều trị người bệnh Covid-19 Hà Nội điều trị khoảng 170 F0 nặng.
TS.Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, Bệnh viện được Sở Y tế phân công điều trị F0 nặng trong gần 2 năm qua, kể từ khi dịch bùng phát.
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân, có lúc lên đến 50, hầu hết là người cao tuổi, nhiều bệnh nền, chưa được tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều. Tổng số bệnh nhân đang điều trị khoảng 400 người, trong đó khoảng 40% là rất nặng.
Ngoài ra, Bệnh viện còn phải điều trị các bệnh nhân hậu Covid-19, là trường hợp dù đã âm tính nhưng các triệu chứng còn dai dẳng như vẫn phải thở oxy, tổn thương phổi cần phục hồi chức năng, cần sự trợ giúp của bác sĩ.
Cùng với đó, các bệnh viện khác như Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Hà Đông đang được giao nhiệm vụ tuyến đầu điều trị khoảng 1.200 F0 tầng 2, 3.
Hơn 4.500 bệnh nhân khác đang điều trị tại BV điều trị người bệnh Covid-19 (quận Hoàng Mai), Đa khoa Đống Đa, Phổi Hà Nội, Bắc Thăng Long... Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Việt Đức cũng đang hỗ trợ Thành phố chăm sóc F0 nặng.
Nâng cấp hệ thống điều trị tầng cao
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, tại Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, thị xã, trong đó biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số mẫu phát hiện biến thể Omicron.
Điều đáng nói, biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vắc-xin hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.
Trước khả năng ca nhiễm tiếp tục tăng cao trong những ngày tới, Hà Nội đã sẵn sàng tình huống 100 - 500 ca nặng/ngày.
Các kế hoạch chống dịch tiếp tục bám sát kịch bản đáp ứng điều trị 100.000 ca nhiễm đã được Thành phố đề ra từ nhiều tháng trước. Với kịch bản 40.000 ca nhiễm cần điều trị, các tầng 1, 2, 3 lần lượt tăng số giường lên 36.800, 2.400 và 800.
Trường hợp ca nhiễm lên 100.000, Thành phố chuẩn bị tổng cộng 92.000 giường ở tầng 1 (22.100 giường tại các cơ sở thu dung, điều trị và 69.900 giường tại các trạm y tế lưu động thuộc quận, huyện, thị xã); 6.000 giường ở tầng 2 và 2.000 giường ở tầng 3.
Để luôn có giường điều trị F0, Hà Nội đã áp dụng phương án hạ tầng điều trị, nghĩa là bệnh nhân chỉ cần qua giai đoạn nguy hiểm là có thể về nhà theo dõi tiếp.
Thành phố cũng đang huy động thêm lực lượng tình nguyện, bác sĩ đã nghỉ hưu, các cơ sở y tế ngoài công lập cùng tham gia, đảm bảo người dân được đáp ứng y tế sớm nhất, kịp thời chuyển tầng và hạn chế tối đa các ca chuyển nặng.
Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục rà soát bố trí thêm giường điều trị Covid-19 tại các bệnh viện. Trong đó, cần tập trung đảm bảo giường bệnh điều trị tầng 2, tầng 3 đáp ứng chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhằm giảm tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng và giảm tỉ lệ tử vong.
Thái Bình thống nhất việc thực hiện quản lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà
Với trung bình hơn 2.000 ca F0 phát hiện mỗi ngày trong thời gian gần đây, các địa phương tại tỉnh Thái Bình đang chú trọng thực hiện cách ly, chăm sóc F0 tại gia đình nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế.
Cụ thể, dỡ bỏ cách ly F0 tại nhà khi đủ 7 ngày và xét nghiệm test nhanh kháng nguyên âm tính. Việc xét nghiệm do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng hình thức trực tiếp, hay gián tiếp thông qua các phương tiện từ xa.
Trường hợp cách ly đủ 7 ngày nhưng xét nghiệm dương tính thi tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc-xin theo quy định;
14 ngày với người chưa tiêm đủ liều vắc-xin và dỡ bỏ cách ly (không cần thực hiện lại xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2). Trạm y tế nơi quản lý F0 chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho F0.
Đối với F0 điều trị tại đơn vị y tế đủ điều kiện ra viện trở về địa phương, đơn vị điều trị có trách nhiệm thông báo danh sách người bệnh (gồm số điện thoại, email, địa chỉ lưu trú, các giấy tờ liên quan) cho địa phương, Trung tâm y tế, Trạm y tế biết và phối hợp quản lý.
Người bệnh sau khi ra viện tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày, đo thân nhiệt hằng ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C trong hai lần đo liên tiếp, hoặc có bất cứ biểu hiện lâm sàng bất thường thì báo ngay cho y tế cơ sở thăm khám, xử trí kịp thời.
Nhằm giúp các F0 điều trị tại nhà nắm bắt đầy đủ thông tin, tự theo dõi sức khỏe và kết nối nhanh với nhân viên y tế, tỉnh Thái Bình đã vận hành Tổng đài 1800.9402 để thực hiện tư vấn cho người bệnh.