Cả nước ghi nhận thêm 36.190 ca Covid-19 mới
Tính từ 16h ngày 16/2 đến 16h ngày 17/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 36.200 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 36.190 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.467 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 25.345 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Ninh Bình (-1316), Hải Dương (-248), Bình Định (-217). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh (+941), Bắc Giang (+401), Hòa Bình (+282).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 30.321 ca/ngày.
Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 200 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.643.024 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 26.762 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.635.814 ca, trong đó có 2.252.148 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (517.580), Bình Dương (293.356), Hà Nội (183.824), Đồng Nai (100.319), Tây Ninh (88.904).
5.810 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày
Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.254.965 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.017 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 2.299 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 331 ca; thở máy không xâm lấn là 79 ca; thở máy xâm lấn là 292 ca; ECMO là 16 ca.
Từ 17h30 ngày 16/02 đến 17h30 ngày 17/02 ghi nhận 90 ca tử vong.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 84 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.278 ca, chiếm tỷ lệ 1,5% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.899.543 mẫu tương đương 78.162.643 lượt người, tăng 38.554 mẫu so với ngày trước đó.
Trong ngày 16/2 có 2.738.773 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 189.761.776 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.879.844 liều, tiêm mũi 2 là 75.740.234 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 34.141.698 liều.
Hà Nội ghi nhận 3.893 F0 mới, 913 ca cộng đồng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trong 24 giờ qua ghi nhận 3.893 ca bệnh (913 ca cộng đồng; 2.980 ca đã cách ly).
Bệnh nhân phân bố tại 496 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (240), Nam Từ Liêm (229), Chương Mỹ (192), Bắc Từ Liêm (189), Long Biên (179).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 186.998 ca.
Tới hết ngày 16/2, hiện toàn thành phố có 126.073 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, hơn 121.000 F0 điều trị tại nhà và 853 ca điều trị tại khu cách ly. Hiện gần 97% F0 ở Hà Nội mắc Covid-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Hơn 3% còn lại (hơn 4.000 ca) phải nhập viện điều trị. Trong số này có hơn 3.700 F0 điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3); 345 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Trong số các bệnh nhân nhập viện ở Hà Nội, có hơn 2.500 ca mức độ trung bình (tăng gần 30% so với trung bình 7 ngày trước); Gần 700 ca mức độ nặng/nguy kịch (tăng gần 15%); 608 ca thở oxy (tăng 18%); 44 ca phải thở máy xâm lấn (tăng 13%). Số còn lại là bệnh nhân thở HFNC, lọc máu, ECMO...
Trong ngày 17/2 Hà Nội ghi nhận 19 ca tử vong, tăng 4 ca so với ngày trước đó.
Không cực đoan khi trường học có F0
Theo TS.Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế thời gian qua, nhiều địa phương đóng cửa trường học ngay khi phát hiện một vài ca F0. Đây là cách làm cực đoan, ảnh hưởng việc học tập của các em. Các trường cần phối hợp y tế, khoanh vùng nhỏ để xử lý.
Đại diện Bộ Y tế cho hay đang bàn bạc phương án để giảm thời gian cách ly học sinh là F1 xuống còn 7 ngày. |
Bên cạnh các hướng dẫn khi ghi nhận ca mắc Covid-19 tại trường học, ông Nam cho biết về việc thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà với F1 là học sinh, cơ quan này đang xin ý kiến các bộ, chuyên gia và trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ họp để điều chỉnh hướng dẫn xử trí mới cho phù hợp với tình hình hiện nay, dự kiến, giảm thời gian cách ly học sinh là F1 xuống còn 7 ngày.
Được biết, theo Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ mắc Covid-19 ở trẻ dưới 18 tuổi của Việt Nam hiện nay là 19,2%. Tỷ lệ tử vong trẻ em là 0,42%.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá, ở trẻ em, tỷ lệ mắc thấp nhưng vẫn có những trường hợp tử vong và biến chứng nguy hiểm cho trẻ, do vậy các bậc phụ huynh không chủ quan khi trẻ mắc Covid-19.
Về phía Bộ Y tế, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ đã đề nghị các địa phương đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng cho trẻ để các em quay trở lại trường học an toàn.
Hà Nội liên tục dẫn đầu về số ca mắc Covid-19
Hà Nội ghi nhận thêm 3.888 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua. Đến nay, Thủ đô đã ghi nhận tổng cộng 183.105 ca mắc Covid-19 tính từ ngày 29/4/2021.
Trong thời gian qua, Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước về số người mắc Covid-19 và là 1 trong nhóm 5 địa phương có số ca mắc tích lũy cao nhất trong đợt dịch lần này, bên cạnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh.
Theo thông báo của Sở Y tế Hà Nội, tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 đủ 2 mũi của người trên 12 tuổi đã đạt trên 99,5%, tỷ lệ đã tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) đạt gần 55%.
Qua theo dõi tình hình điều trị trên địa bàn Thành phố cho thấy, người bệnh Covid-19 phần lớn là các trường hợp nhẹ và không triệu chứng, các trường hợp tử vong chủ yếu là người cao tuổi có bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ và chưa tiêm vắc-xin.
Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cập nhật lần gần nhất ngày 15/2, cho thấy Hà Nội có 603 F0 đang điều trị tại các bệnh viện diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng.
Ngoài ra, Thành phố đang điều trị cho 2.377 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 639 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch (tăng 7,1% so với trung bình 7 ngày trước).
Trong đó, 554 ca phải thở ô-xy qua mặt nạ, gọng kính, 20 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 20 người thở máy không xâm lấn, 41 ca thở máy xâm lấn, một bệnh nhân được lọc máu và 3 trường hợp phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, hiện Thành phố không ghi nhận phường, xã, thị trấn nào có mức độ dịch ở cấp độ 3 và 4 (vùng cam và đỏ) trong vòng một tuần qua. So với trước đó, 9 phường, xã đã kiểm soát dịch từ cấp độ 3 về cấp độ 2 (màu vàng).
Đại diện Sở Y tế Hà Nội vừa qua cũng đã nhận định Thành phố có thể ghi nhận số ca mắc tăng trong thời gian này, sau Tết Nguyên đán. Công tác chống dịch của thành phố vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong nằm trong tầm kiểm soát.
Dịch tại Đắk Lắk, Thanh Hóa căng thẳng
Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ 16 giờ ngày 15/2 đến 16 giờ ngày 16/2 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 484 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 326 trường hợp được phát hiện trong cộng đồng.
Đây là số ca mắc Covid-19 cao nhất trong ngày kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19 trên địa bàn đến nay.
Cùng với số ca mắc Covid-19 gia tăng, trong thời gian gần đây các trường hợp tử vong do Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng liên tục gia tăng.
Tính đến 16 giờ ngày 16/2, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 19.545 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 16.281 trường hợp được điều trị khỏi bệnh, 3.167 trường hợp đang điều trị và 97 trường hợp tử vong.
Mặc dù sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng, nhưng tỉnh Đắk Lắk cũng đã quyết định từ ngày 14/2, tất cả các học sinh trên địa bàn tỉnh đều trở lại trường học trực tiếp.
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, tình trạng số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh tăng cao sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay đã được ngành Y tế tỉnh dự báo trước. Bởi giai đoạn trước, trong và sau Tết việc đi lại thăm hỏi chúc Tết, vui xuân, thực hiện việc đeo khẩu trang sẽ không nghiêm túc.
Bên cạnh đó, hầu hết người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, nhiều người đã tiêm mũi 3 nhưng sự chủ quan của người dân cũng như sự buông lỏng quản lý của một số địa phương sẽ làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng.
Trên cơ sở đánh giá đó, ngành Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk cũng như Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 rà soát, đánh giá nguy cơ, đặc biệt tại các trường học và cơ quan, đơn vị, đồng thời yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị phải lập tổ Covid-19 đánh giá nguy cơ cũng như xét nghiệm, thực hiện nghiêm túc 5K để giảm số ca F0 trong thời điểm này.
Do số ca mắc Covid-19 tăng mạnh nên Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cũng nâng cấp độ dịch tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Trong ngày 16/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Thanh Hóa ghi nhận tới 8 trường hợp tử vong do Covid-19 khi đang điều trị tại Bệnh viện Covid-19 số 1, trong đó phần lớn các ca tử vong đều có bệnh lý nền.
4 ngày qua, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận thêm 3.231 bệnh nhân Covid-19; trong đó có 1.151 người phát hiện mắc Covid-19 cộng đồng, 982 ca qua sàng lọc tại các cơ sở y tế và 1.009 người đang cách ly có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Thanh Hóa đã triển khai mô hình 3 tầng điều trị và theo báo cáo ngày 13/2 của Sở Y tế Thanh Hóa có 34 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện điều trị Covid-19 số 1 diễn biến nặng, nguy kịch.
Ngày 16/2 có thêm 8 ca tử vong do Covid-19 nên lũy kế Thanh Hóa có 47 ca tử vong cộng dồn. Tại thời điểm này, trong tỉnh Thanh Hóa có 358 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Covid-19 số 1 và 4.718 bệnh nhân hiện điều trị tại các cơ sở điều trị khác.