Y tế - Sức khỏe
Tin mới về Covid-19 ngày 20/1: Không gây khó khăn cho người dân về quê đón Tết
D.Ngân - 20/01/2022 09:01
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh không gây khó khăn không cần thiết cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

TP. Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới

Tính từ 16h ngày 19/1 đến 16h ngày 20/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.715 ca nhiễm mới, trong đó 78 ca nhập cảnh và 16.637 ca ghi nhận trong nước (tăng 701 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 11.796 ca trong cộng đồng).

Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới với 2.884 trường hợp dương tính. Trái ngược với tình hình dịch phức tạp tại Hà Nội, TP.HCM có ngày thứ 5 liên tiếp ghi nhận số người mắc Covid-19 dưới ngưỡng 300 ca.

Trong 7 ngày qua, Hà Nội có tổng cộng 20.504 ca, trung bình mỗi ngày tăng 2.929 F0 mới. Số ca mắc tăng cao song trong 24 giờ qua thành phố này không ghi nhận ca tử vong, giảm 4 ca so với ngày trước đó.

So với các địa phương có số mắc tương đương hoặc thậm chí thấp hơn Hà Nội, F0 tử vong ở phành phố này thấp hơn.

Đà Nẵng, Hải Phòng tiếp tục là các địa phương có số ca nhiễm cao thứ 2 và 3 trên cả nước. Một tuần gần đây, Đà Nẵng ghi nhận 657-983 ca mới mỗi ngày, liên tục gia tăng.

Trong khi đó, Hải Phòng sau một ngày không ghi nhận ca mắc mới, địa phương tiếp tục tăng nhanh số F0 với 722 ca bệnh.

Một số địa phương khác có số ca nhiễm trên 500 trường hợp là Đà Nẵng (983), Hải Phòng (722), Bến Tre (614), Khánh Hòa (579), Hưng Yên (565), Bình Định (521), Quảng Ngãi (513).

Đã có 108 ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy một số địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Trà Vinh (-271), Thanh Hóa (-131), Bình Phước (-73).

Ngược lại, các địa phương có số ca tăng nhiều nhất so với ngày trước đó là Bình Định (+109), Quảng Ninh (+92), Đà Nẵng (+91).

Đến nay, Việt Nam ghi nhận 108 ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron tại Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP.HCM (68), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1), Quảng Ninh (2).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.094.802 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 21.225 ca nhiễm).

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.088.295 ca, trong đó có 1.792.107 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (512.195), Bình Dương (292.305), Hà Nội (99.910), Đồng Nai (99.530), Tây Ninh (86.553).

Hơn 4.500 bệnh nhân diễn biến nặng

Trong ngày, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 5.736 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.794.924 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.591 ca, trong đó: Thở ô-xy qua mặt nạ: 3.062 ca, thở ô-xy dòng cao HFNC: 750 ca, thở máy không xâm lấn: 112 ca, thở máy xâm lấn: 647 ca, ECMO: 20 ca

Từ 17h30 ngày 19/1 đến 17h30 ngày 20/1, cả nước ghi nhận 152 ca tử vong. TP.HCM có 13 ca trong đó có 2 bệnh nhân từ các tỉnh chuyển đến: Long An (1), Tiền Giang (1).

Số ca tử vong tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Tháp (12), Vĩnh Long (12), Kiên Giang (12), Sóc Trăng (9), Tiền Giang (9), Hậu Giang (9), Tây Ninh (6), An Giang (6), Bến Tre (6), Bình Dương (5), Long An (5), Cần Thơ (5), Bạc Liêu (5), Bình Phước (4), Đồng Nai (4), Hòa Bình (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Bình Thuận (3), Bắc Ninh (3), Hà Giang (3), Bình Định (3), Khánh Hòa (2), Cà Mau (2), Điện Biên (1), Nghệ An (1), Đà Nẵng (1), Phú Yên (1), Đắk Lắk (1), Lâm Đồng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 157 ca. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 36.266 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.

Trong ngày 19/1, nước ta có 1.060.059 liều vắc-xin được tiêm. Như vậy, tổng số liều đã được tiêm là 172.714.400 liều, trong đó tiêm mũi một là 78.789.865 liều, tiêm mũi 2 là 73.308.371 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 20.616.164 liều.

Bộ Y tế đề xuất tiêm vắc-xin Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi

Bộ Y tế cho biết đã đề xuất và xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Chính trị về việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng xin ý kiến cho phép mua 21,9 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer để có thể triển khai tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, chấp nhận khả năng dư thừa vắc-xin.

Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 100%. Tỷ lệ này với số lượng đã tiêm đủ liều cơ bản đạt 93,4% và tỷ lệ tiêm liều nhắc lại là 13,1%.

Dự kiến, Việt Nam hoàn thành tiêm phủ 3 mũi vắc-xin vào cuối quý I/2022.

Tính đến hết năm 2021, tổng số vắc-xin đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là hơn 227,4 triệu liều.

Việt Nam đã tiếp nhận hơn 192 triệu liều vắc-xin Covid-19. Việc tiếp nhận, phân bổ vắc-xin được thực hiện công khai, minh bạch và phù hợp với diễn biến dịch, có tập trung vào đối tượng, địa bàn nguy cơ cao.

Không đặt ra yêu cầu trái với hướng dẫn của Bộ Y tế

Công điện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế, của Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh không gây khó khăn không cần thiết cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai "Thần tốc" và "Thần tốc hơn nữa" trong việc tổ chức việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Đặc biệt chú ý tổ chức tiêm an toàn, thuận lợi cho những người có nguy cơ cao.

Thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc quy định và tổ chức thực hiện các biện pháp y tế, hành chính (như xét nghiệm, cách ly…) liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân bảo đảm tính khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; 

Không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế, của Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, công nhân, người lao động thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là trong quá trình di chuyển về quê, sinh hoạt trong dịp Tết và trở lại nơi làm việc sau Tết.

Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ tình hình, dự báo dịch bệnh, tham khảo kinh nghiệm thế giới và khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bảo đảm phân bổ đầy đủ, kịp thời vắc-xin phòng Covid-19 cho các địa phương để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch tiêm phòng đã đề ra. Đảm bảo đủ thuốc và tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các địa phương trong công tác điều trị, không để quá tải hệ thống y tế.

Tạo điều kiện nhập cảnh đối với người nước ngoài, người Việt Nam cùng thân nhân về nước đón Tết

Xét báo cáo của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao về giải quyết cho người nước ngoài nhập cảnh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đồng ý chủ trương tạo thuận lợi về thủ tục nhập cảnh đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng thân nhân về nước.

Về đối tượng người nước ngoài nhập cảnh: Là người nước ngoài được cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; 

Riêng đối với người nước ngoài vào du lịch, trước mắt, tiếp tục thực hiện theo Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế.

Đối với người nước ngoài chưa có thị thực, UBND cấp tỉnh tiếp tục xem xét phê duyệt tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp nhập cảnh để làm việc, dự hội nghị, hội thảo, học tập, nhân đạo... trên địa bàn tỉnh; các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Trung ương chủ động quyết định việc mời, đón và chịu trách nhiệm quản lý người nước ngoài làm việc với cơ quan mình.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an rà soát các trường hợp cấm nhập cảnh mới được bổ sung thời gian vừa qua, thông báo cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có hình thức hủy các loại giấy tờ nhập cảnh Việt Nam đã được cấp;

Phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn thủ tục nhập cảnh để triển khai thống nhất trên toàn quốc, phù hợp với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu, hướng dẫn y tế của Việt Nam.

Tăng cường giám sát các trường hợp nhập cảnh, giám sát cộng đồng

Bộ Y tế cho biết trong 7 ngày qua, các địa phương ghi nhận số mắc Covid-19 trong cộng đồng tăng so với 7 ngày trước đó. Cụ thể, TP.Đà Nẵng tăng 2.658 ca, TP.Hà Nội tăng 3.509 ca; 

Các địa phương ghi nhận số mắc trong cộng đồng giảm: TP.Hải Phòng (giảm 1.338 ca), TP.HCM (giảm 1.081 ca), Khánh Hòa (giảm 1.020 ca).

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát các trường hợp nhập cảnh, giám sát cộng đồng thực hiện việc cách ly, giám sát y tế, giám sát sự biến chủng của virus SARS-CoV-2.

Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, đánh giá nguy cơ và áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa phù hợp, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Mở rộng việc cách ly, quản lý điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại nhà, nơi lưu trú, thu hẹp dần các khu cách ly tập trung.

Hà Nội đảm bảo đủ thuốc điều trị cho F0 dịp Tết

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp hơn, số ca tăng cao (trong kỳ báo cáo từ ngày 4/1/2022-15/1/2022 số ca mắc tăng nhiều so với tuần trước, ghi nhận trung bình hơn 2.700 ca/ngày), nguy cơ biến chủng mới Omicron xâm nhập vào TP.Hà Nội rất lớn, trong khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp đến gần. 

Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các cấp của thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ trọng tâm.

Theo yêu cầu của Thường trực Thành ủy, Bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, huy động các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần theo nguyên tắc "4 tại chỗ", không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát, di biến động dân cư, quản lý việc điều trị F0, cách ly F1 tại nhà, việc phát thuốc cho các trường hợp F0 điều trị tại nhà.

Phát huy hiệu quả phần mềm theo dõi, quản lý F0, F1, các tổ hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, tổ Covid-19 cộng đồng; hỗ trợ, giúp đỡ, phát thuốc cho các trường hợp F0 điều trị tại nhà... đảm bảo kịp thời, không để chậm trễ, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, giúp người dân yên tâm điều trị.

Bí thư quận, huyện, thị ủy, người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, đơn vị, chịu trách nhiệm trước Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy về các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, phạm vi quản lý.

Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo kiểm tra, tăng cường công tác quản lý giá vật tư y tế, thuốc chữa bệnh và chống gian lận thương mại liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm bình ổn giá thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh theo đúng quy định của pháp luật.

Tin liên quan
Tin khác