Y tế - Sức khỏe
Tin mới về Covid-19 ngày 23/3: Việt Nam cấp hộ chiếu vắc-xin điện tử rộng rãi
D.Ngân - 23/03/2022 10:56
Chứng nhận điện tử tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của Việt Nam sẽ được cấp theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thêm 127.878 ca Covid-19 mới tại 62 tỉnh, thành

Tính từ 16h ngày 22/3 đến 16h ngày 23/3, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 127.883 ca nhiễm mới, trong đó 5 ca nhập cảnh và 127.878 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố, có 89.186 ca trong cộng đồng.

Ngày 23/3/2022, Sở Y tế Tuyên Quang đăng ký bổ sung 12.954 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-3.009), Hòa Bình (-717), Tuyên Quang (-713).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (+1.122), Hà Giang (+947), Bắc Ninh (+925).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 146.192 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 8.479.751 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 85.790 ca nhiễm).

Kể từ đầu đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay: Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 8.472.072 ca, trong đó có 4.658.453 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.217.105), TP. Hồ Chí Minh (586.910), Bình Dương (364.978), Nghệ An (360.496), Hải Dương (326.098).

192.465 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi: 4.661.270 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.764 ca, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 3.171 ca; ô xy dòng cao HFNC: 228 ca; thở máy không xâm lấn: 71 ca; thở máy xâm lấn: 289 ca; ECMO: 5 ca

Từ 17h30 ngày 22/3 đến 17h30 ngày 23/3 ghi nhận 61 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 67 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.075 ca, chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 37.465.790 mẫu tương đương 83.048.614 lượt người, tăng 163.163 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 22/3 có 1.115.043 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 203.144.374 liều.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 186.055.910 liều: Mũi 1 là 71.182.239 liều; Mũi 2 là 67.931.682 liều; Mũi 3 là 1.498.912 liều; Mũi bổ sung là 14.768.292 liều; Mũi nhắc lại là 30.674.785 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.088.464 liều: Mũi 1 là 8.764.950 liều; Mũi 2 là 8.323.514 liều.

Hà Nội thêm 13.005 F0 mới

Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24 giờ qua đã ghi nhận 13.005 ca Covid-19 mới.

Bệnh nhân phân bố tại 401 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.181); Đông Anh (1.036); Long Biên (729); Hoàng Mai (631); Mê Linh (625).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) đến nay là 1.218.279 ca.

Tính tới hết ngày 22/3, Hà Nội còn có hơn 297.000 bệnh nhân đang điều trị, theo dõi. Trong đó có 2.453 người điều trị tại bệnh viện, 249 người tại cơ sở thu dung của quận/huyện/thị xã; còn lại 294.321 người theo dõi tại nhà.

Ngày 22/3, Hà Nội có 4 ca Covid-19 tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 1.309 người.

Hiện 82,2% người từ 18 tuổi trở lên ở Hà Nội đã được tiêm vắc-xin Covid-19 mũi nhắc lại. Phấn đấu hết tháng 3 sẽ hoàn thành mục tiêu tiêm đủ mũi 3 nhắc lại cho người dân từ 18 tuổi.

Ứng dụng công nghệ thông tin

Theo Bộ Y tế, để tiến hành việc cấp và theo dõi số lượng giấy xác nhận tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân bằng chữ ký số, đồng thời triển khai việc xác nhận tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho đối tượng tham gia tiêm chủng, bảo đảm cho mỗi người dân đã tiêm chủng có giấy chứng nhận điện tử với đầy đủ các thông tin phù hợp thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho người dân khi nhập cảnh nước ngoài, Bộ Y tế đã ban hành Biểu mẫu và quy trình cấp giấy chứng nhận tiêm chủng điện tử.

Việt Nam chính thức mở cổng đăng ký tiêm kháng thể đơn dòng dự phòng Covid-19.

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Anh, Bộ Y tế sẽ triển khai chứng nhận điện tử tiêm vắc-xin phòng Covid-19 theo tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới, Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người dân trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), hiện còn gần 2,58 triệu đối tượng chưa được xác thực thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Do vậy, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp Bộ Công an xây dựng kế hoạch bổ sung dữ liệu tiêm chủng; phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan sửa đổi về quy trình cấp chứng nhận điện tử tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên cả nước.

Các đơn vị liên quan đang phối hợp đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc thí điểm việc ký số chứng nhận điện tử tiêm vắc-xin phòng Covid-19; xây dựng phần mềm bảo đảm sử dụng thuận tiện, an toàn bảo mật thông tin.

Trước đó, vào tháng 12/2021, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 5772/QĐ-BYT về Ban hành Biểu mẫu và quy trình cấp "Hộ chiếu vắc-xin".

Sau quyết định này, Bộ Y tế phối hợp tích cực với Bộ Thông tin Truyền thông và cơ quan liên quan xây dựng hệ thống cấp chứng nhận hộ chiếu vắc-xin cũng như chỉnh sửa, bổ sung chức năng ký số trên nền tảng quản lý tiêm chủng.

Vừa qua, Bộ Y tế đã thí điểm tại 3 cơ sở y tế là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K và Bệnh viện E, kết quả cho thấy hệ thống đã sẵn sàng đáp ứng tốt việc triển khai cấp hộ chiếu vắc-xin điện tử.

Đại diện Cục Công nghệ thông tin cũng cho biết, hộ chiếu vắc-xin điện tử có ý nghĩa như hộ chiếu vắc-xin giấy, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại, giao thương quốc tế. Hiện nay, Bộ Ngoại giao cho biết, biểu mẫu hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam đã được 17 quốc gia công nhận.

Cục Công nghệ thông tin đang làm việc với đơn vị liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng chức năng hiển thị hộ chiếu vắc-xin. Nếu người dân đã có thông tin chính xác trên ứng dụng này thì sẽ được tự động hiển thị hộ chiếu vắc-xin. Kết quả là 1 mã QR code theo tiêu chuẩn quốc tế, có thể dùng để đi nước ngoài.

Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 cho biết, đến chiều 22/3, cả nước đã tiêm hơn 202 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, trong đó số lượng vắc-xin tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 184,7 triệu liều và số còn lại tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Đến nay Bộ Y tế đã phân bổ 204,8 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 trong tổng số 227,8 triệu liều vắc-xin đã tiếp nhận.

Bộ Y tế đánh giá Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa đại dịch sang hướng tới từng bước bình thường hóa với dịch Covid-19. 

Tuy nhiên, tỷ lệ ca bệnh nặng, tử vong ghi nhận hằng ngày vẫn ở mức cao; tỷ lệ mắc bệnh không đồng đều giữa các tỉnh, thành phố; đặc tính vi-rút SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện các biến thể... cho nên vẫn cần phải tập trung các biện pháp phòng, chống tích cực.

Việt Nam chính thức mở cổng đăng ký tiêm kháng thể đơn dòng dự phòng Covid-19

Ngay sau khi Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu Evusheld - kháng thể đơn dòng dự phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới, ngày 22/3, Việt Nam chính thức mở cổng thông tin đăng ký tiêm kháng thể đơn dòng Evusheld cho người suy giảm miễn dịch hoặc người không thể tiêm vắc xin Covid-19 tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính khoảng 2% dân số toàn cầu thuộc nhóm dễ bị tổn thương trước Covid-19 do bị suy giảm miễn dịch vừa và nặng như: HIV, ung thư, ghép tạng (ghép tim, ghép gan, ghép thận), dùng corticoid liều cao, kéo dài... 

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có gần 230.000 người nhiễm HIV; 6.100 ca ghép tạng (5.700 ca ghép thận, chiếm gần 94%; 316 ca ghép gan, chiếm hơn 5%...); bệnh ung thư có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong (100.000 người thì có 159 người mắc mới và 106 người tử vong do ung thư)... 

Do đó, kháng thể đơn dòng Evusheld được cấp phép về Việt Nam vào thời điểm này mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bởi nhóm người yếu thế đang cần thêm một lá chắn để bảo vệ sức khỏe trước các biến thể SARS-CoV-2 đang lan rộng trong khi khó có thể đáp ứng miễn dịch tốt, mặc dù đã được tiêm đủ liều vắc xin, thậm chí cả liều tăng cường. Nhiều nước trên thế giới đang kỳ vọng Evusheld sẽ giúp nhóm người yếu thế vượt qua cơn bão Covid-19.

Kháng thể đơn dòng Evusheld không thay thế vắc xin phòng Covid-19 cho cộng đồng mà chỉ hướng tới những người suy giảm miễn dịch hoặc không có khả năng đáp ứng miễn dịch thỏa đáng, không sinh đầy đủ kháng thể sau khi đã tiêm đủ liều vắc xin và cho người không thể tiêm vắc xin do từng xảy ra phản ứng bất lợi nghiêm trọng với vắc xin Covid-19.

PGS.TS.Trần Quang Bính, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, người được chỉ định sử dụng kháng thể đơn dòng Evusheld cần đáp ứng các tiêu chí như độ tuổi từ 12 tuổi trở lên, có cân nặng từ 40kg và tại thời điểm tiêm không đang nhiễm SARS-CoV-2 và không có tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2 được xác định; đồng thời phải thuộc một trong các trường hợp sau:

Có suy giảm miễn dịch mức độ vừa đến nặng do một tình trạng bệnh lý, hoặc sử dụng các thuốc hoặc phác đồ điều trị ức chế miễn dịch và có khả năng không tạo được đáp ứng miễn dịch thỏa đáng đối với vắc xin Covid-19.

Không thể tiêm bất kỳ loại vắc xin Covid-19 nào hiện có vì có tiền sử xảy ra tác dụng ngoại ý nghiêm trọng (như dị ứng nặng) với bất kỳ thành phần nào của vắc xin Covid-19.

Theo khuyến cáo của nhà sản xuất AstraZeneca, FDA và Bộ Y tế, các tình trạng y khoa hoặc phương pháp điều trị có thể dẫn tới suy giảm miễn dịch mức độ vừa đến nặng và đáp ứng miễn dịch không thỏa đáng đối với vắc xin Covid-19 bao gồm nhưng không giới hạn:

Đang điều trị đối với các khối u đặc và bệnh lý huyết học ác tính. Cấy ghép nội tạng và đang điều trị với liệu pháp ức chế miễn dịch.

Tiếp nhận tế bào lympho T chứa thụ thể kháng nguyên dạng khảm (CAR)-T hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu (trong vòng 2 năm sau khi cấy ghép hoặc đang điều trị ức chế miễn dịch).

Suy giảm miễn dịch nguyên phát mức độ vừa đến nặng (như: Hội chứng DiGeorge, hội chứng Wiskott-Aldrich).

Nhiễm HIV giai đoạn tiến triển hoặc chưa được điều trị (những người nhiễm HIV với số lượng tế bào CD4 <200/mm3, tiền sử bệnh AIDS mà không được phục hồi miễn dịch, hoặc các biểu hiện lâm sàng của HIV có triệu chứng).

Điều trị tích cực bằng corticosteroid liều cao (nghĩa là ≥ 20 mg prednisone hoặc tương đương mỗi ngày khi dùng trong ≥ 2 tuần), tác nhân alkyl hóa, chất chống chuyển hóa, thuốc ức chế miễn dịch liên quan đến cấy ghép, tác nhân hóa trị ung thư được phân loại là ức chế miễn dịch mức độ nặng, thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF) và các tác nhân sinh học khác có tác dụng ức chế miễn dịch hoặc điều hòa miễn dịch (như tác nhân ức chế tế bào B).

Tin liên quan
Tin khác