Ghi nhận thêm 119.992 ca Covid-19 mới tại 62 tỉnh, thành
Tính từ 16h ngày 23/3 đến 16h ngày 24/3, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 120.000 ca nhiễm mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 119.992 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố, có 84.819 ca trong cộng đồng.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Phú Thọ (-1.030), Bến Tre (-738), Vĩnh Phúc (-690). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (+1.400), Đắk Lắk (+984), Ninh Bình (+264).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 137.890 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 8.599.751 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 87.002 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 8.592.064 ca, trong đó có 4.823.207 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.229.590), TP Hồ Chí Minh (588.151), Bình Dương (367.835), Nghệ An (364.680), Hải Dương (329.557).
164.754 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày
Tổng số ca được điều trị khỏi là 4.826.024 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.650 ca. Trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 2.936 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 355 ca; thở máy không xâm lấn là 69 ca; thở máy xâm lấn là 286 ca; ECMO là 4 ca.
Từ 17h30 ngày 23/3 đến 17h30 ngày 24/3 ghi nhận 70 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 66 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.145 ca, chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 37.597.338 mẫu tương đương 83.048.614 lượt người.
Trong ngày 23/3 có 1.077.314 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 204.221.688 liều.
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 187.114.200 liều: Mũi 1 là 71.192.173 liều; Mũi 2 là 67.949.355 liều; Mũi 3 là 1.498.963 liều; Mũi bổ sung là 14.778.415 liều; Mũi nhắc lại là 31.695.294 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.107.488 liều: Mũi 1 là 8.771.793 liều; Mũi 2 là 8.335.695 liều.
Hà Nội thêm 12.485 F0
Chiều 24/3, Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc mới từ 18 giờ ngày 23/3/2022 đến 18 giờ ngày 24/3/2022 Hà Nội ghi nhận 12.485 ca bệnh (4.769 ca cộng đồng; 7.716 ca đã cách ly).
Bệnh nhân phân bố tại 518 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.709); Đông Anh (1.153); Long Biên (712); Hoàng Mai (658); Sóc Sơn (641)
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 1.230.764 ca.
Hiện Hà Nội đang có hơn 278.000 người nhiễm Covid-19 đang điều trị, theo dõi. Đến hết ngày 23/3, toàn TP Hà Nội chỉ còn hơn 2.100 ca Covid-19 điều trị tại các bệnh viện, trong đó có hơn 1.500 ca mức độ trung bình (giảm 26% so với trung bình 7 ngày trước), 400 ca nặng/nguy kịch (giảm hơn 28%).
Chậm, vì sao?
Lý giải về nguyên nhân “chậm” vắc-xin cho trẻ từ 5-11 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, từ đầu tháng 12/2021, Bộ đã xây dựng kế hoạch và trình Chính phủ ban hành nghị quyết mua vắc-xin cho trẻ 5-11 tuổi cho khoảng 11,8 triệu trẻ, tương đương 21,9 triệu liều vắc-xin (tính theo tỷ lệ tiêm chủng thông thường đạt 95%, tiêm 2 mũi).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Bộ sẽ tính toán lại lượng vắc-xin phòng Covid-19 cần mua cho trẻ 5-11 tuổi. |
Tuy nhiên, đến nay, diễn biến dịch Covid-19 có thay đổi, số trẻ mắc Covid-19 tăng lên. Bên cạnh đó, có một số tổ chức muốn hỗ trợ vắc-xin cho Việt Nam, song lại chưa khẳng định về số lượng và thời gian.
Gần đây nhất, ngày 18/3, phía Australia cũng muốn hỗ trợ khoảng hơn 9 triệu liều vắc-xin cho trẻ, trong đó chủ yếu là Moderna.
Theo ông Tuyên, nếu được các tổ chức tài trợ, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Trong khi, nếu đã đặt cọc mua thì không được chuyển nhượng, tặng hay bán, đây là điểm khó khăn.
“Bộ sẽ làm việc với các đơn vị tính toán lại để báo cáo về vấn đề vắc-xin cho trẻ 5-11 tuổi. Chúng tôi đang cố gắng để cuối tháng này trình Thủ tướng”, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu.
Hơn nữa, cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, do vắc-xin tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi khác với các vắc-xin tiêm cho người lớn, nên cần tính toán kỹ, tránh việc có thể thừa hoặc thiếu vắc-xin.
Theo Thứ trưởng Tuyên, vì những lý do trên, thời gian qua, có sự chậm trễ trong việc mua vắc-xin cho trẻ 5-11 tuổi. Bộ Y tế cũng đã bị phê bình.
Hiện Bộ đang yêu cầu các bên liên quan kiểm điểm để xem nguyên nhân chậm do đâu, khách quan hay chủ quan để báo cáo Thủ tướng.
Làm rõ tình trạng bán thuốc điều trị Covid-19 không theo đơn tại TP.HCM
Cục Quản lý dược, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM, yêu cầu tăng cường kiểm tra, làm rõ tình trạng không tuân thủ quy định về bán thuốc theo đơn khi bán thuốc điều trị Covid-19 trong đó có Molnupiravir.
Thuốc Molnupiravir được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của thầy thuốc.
Theo Cục Quản lý dược, việc mua, bán, sử dụng Molnupiravir không đúng quy định về kê đơn thuốc là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch.
Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, thực hiện nghiêm Luật Dược 2016 và chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật kê đơn, bán thuốc theo đơn trong lưu hành thuốc điều trị Covid-19, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế TP.HCM tiếp tục thực hiện đầy đủ các nội dung hướng dẫn về bán thuốc theo đơn, trong đó có Molnupiravir tại các văn bản trước đó của Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược; cũng như các hướng dẫn về thanh kiểm tra, tăng cường quản lý việc mua bán thuốc điều trị Covid-19.
Chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc sở khẩn trương kiểm tra việc phân phối, cấp phát thuốc Molnupiravir tại hệ thống các nhà thuốc trên địa bàn thành phố.
Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Gia hạn thanh tra mua sắm bộ xét nghiệm, vắc-xin Covid-19
Phó thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về việc gia hạn thời gian thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, bộ xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.Hà Nội, TP.HCM và Bộ Y tế.
Phó thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, bộ xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trước ngày 15/5/2022.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành thanh tra diễn ra ngày 12/1/2022, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ tập trung triển khai thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm, bộ xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế, TP.Hà Nội và TP.HCM.