Số ca mắc Covid-19 mới trên cả nước giảm còn 7.116 ca
Tính từ 16h ngày 27/4 đến 16h ngày 28/4, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.116 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 7.116 ca ghi nhận trong nước tại 58 tỉnh, thành phố, có 5.862 ca trong cộng đồng.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (-245), Đắk Lắk (-113), Bắc Giang (-107). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Vĩnh Phúc (+119), Hà Tĩnh (+102), Đắk Nông (+82).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 8.758 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.638.632 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.538 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.630.883 ca, trong đó có 9.239.486 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.584.454), TP Hồ Chí Minh (608.242), Nghệ An (481.009), Bắc Giang (385.103), Bình Dương (383.360).
79.171 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày
Tổng số ca được điều trị khỏi là 9.242.303 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 629 ca. Trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 517 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 47 ca; thở máy không xâm lấn là 12 ca; thở máy xâm lấn là 52 ca; ECMO là 1 ca.
Từ 17h30 ngày 27/4 đến 17h30 ngày 28/4 ghi nhận 3 ca tử. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 7 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.037 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 39.495.440 mẫu tương đương 85.795.583 lượt người. Trong ngày 27/4 có 327.296 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm.
Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 213.645.290 liều. Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 195.134.871 liều: Mũi 1 là 71.440.954 liều; Mũi 2 là 68.627.272 liều; Mũi 3 là 1.505.909 liều; Mũi bổ sung là 15.225.865 liều; Mũi nhắc lại là 38.334.871 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.360.022 liều: Mũi 1 là 8.898.577 liều; Mũi 2 là 8.461.445 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 1.150.397 liều (mũi 1).
Hà Nội ghi nhận 913 F0
Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24h qua thành phố ghi nhận 913 ca bệnh: 237 ca cộng đồng; 676 ca đã cách ly.
Bệnh nhân phân bố tại 216 xã, phường, thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (75); Nam Từ Liêm (70); Bắc Từ Liêm (62); Hà Đông (56); Đông Anh (49).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 1.584.965 ca.
Từ ngày 20 - 26/4, Hà Nội trung bình ghi nhận 972 ca bệnh/ngày.
Mỗi ngày có khoảng 10.000 trẻ được tiêm. Số trẻ đã được tiêm chủng là 133.100 trẻ tính tới hết ngày 27/4, đạt gần 44% số trẻ cần tiêm trong đợt này.
Về công tác điều trị, hiện chỉ còn hơn 107.600 ca dương tính đang điều trị, theo dõi. Trong đó có 268 ca điều trị tại các bệnh viện, số còn lại theo dõi tại nhà.
Tốc độ tiêm chậm
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số liều vắc-xin phòng Covid-19 đã tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đến chiều ngày 27/4 là 1.008.414 liều (mũi 1). Đây là số liệu báo cáo của 57 tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm và báo cáo về Bộ Y tế hàng ngày.
Với tiến độ nêu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các địa phương phải đẩy nhanh tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi bởi hiện nay tốc độ tiêm đang chậm.
Thống kê của Bộ Y tế đến chiều ngày 27/4, Việt Nam đã tiêm hơn 1 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. |
Như vậy sau gần 2 tuần triển khai tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi này, tính từ ngày 14/4 khi Quảng Ninh tiến hành tiêm cho gần 200 trẻ đầu tiên học lớp 6 trường THCS Trần Quốc Toản ( TP.Hạ Long), đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm và có báo cáo kết quả hàng ngày về Bộ Y tế.
Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy cả nước có hơn 11,8 triệu trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, trong đó 3,6 triệu trẻ đã mắc Covid-19 thuộc đối tượng trì hoãn tiêm sau 3 tháng kể từ ngày mắc (dự kiến sẽ tiêm khoảng tháng 7 - 8/2022), 8,2 triệu trẻ còn lại bắt đầu tiêm từ ngày 14/4 và trong quý 2/2022 sẽ tiêm xong 2 mũi cho trẻ.
Công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế trong năm 2022.
Việt Nam đã tiếp nhận hơn 4,6 triệu liều vắc-xin để tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân bổ hơn 2,3 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm cho trẻ trong độ tuổi này.
Pfizer trình FDA cấp phép liều 3 vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
Pfizer và BioNTech cho biết, đã đệ đơn lên Cục quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp liều tiêm tăng cường vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5-12 tuổi.
Hãng dược phẩm này cho biết liều 3 vắc-xin ngừa Covid-19 nhằm nâng cao kháng thể chống Omicron gấp 36 lần cho độ tuổi 5-11.
Trong một phân tích trên 140 trẻ em chưa từng mắc Covid-19 trước đó, lượng kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 chủng gốc cao gấp 6 lần sau khi tiêm liều 3 được 1 tháng so với liều 2.
Nghiên cứu từ Sở Y tế bang New York và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ cho thấy hiệu quả chống lây nhiễm của vắc-xin Pfizer cho trẻ em từ 5-12 tuổi sụt giảm đáng kể do làn sóng Omicron, giảm từ 68% xuống khoảng 12% công dụng chống lây nhiễm.
Tuy nhiên, tiêm đủ 2 liều vắc-xin ngừa Covid-19 tiếp tục bảo vệ trẻ em khỏi Covid-19 chuyển nặng. Số liệu này thấy rõ ở các ca nhập viện hay cấp cứu do Covid-19.
Hơn 10.000 trẻ em độ tuổi từ 6 tháng tới 12 tuổi đã tham gia thử nghiệm tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của Pfizer trên toàn thế giới.
Pfizer hy vọng sẽ trình dữ liệu về các cuộc thử nghiệm ở trẻ dưới 5 tuổi trong những tháng tới.